Làn da trẻ vốn mỏng manh và nhạy cảm, do đó rất dễ bị kích ứng bởi các yếu tố về môi trường, thời tiết và các tác động xung quanh. Thông qua các biểu hiện ngoài da, bố mẹ có thể dễ dàng đoán được hiện trạng của trẻ như thế nào. Hãy cùng theo dõi bài viết “Bắt bệnh qua biểu hiện ngoài da của bé” để biết trẻ có mắc bệnh lý nào nguy hiểm không nhé!
10 dấu hiệu từ da bé cảnh báo sức khỏe
1. Da bé bị nổi sần như da gà
Da bé bị khô sần, nổi hạt sần sùi là biểu hiện đặc trưng của bệnh viêm da cơ địa. Tuy nhiên, triệu chứng này còn khởi phát do nhiều nguyên nhân khác như bệnh vảy nến, viêm da tiết bã nhờn, á sừng.
Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là căn bệnh mãn tính, khi nhiễm bệnh da bé sẽ trở lên ửng đỏ, khô rát, sần sùi, bong vảy, ngứa ngáy, sần sùi như da gà. Bệnh lý này không có khả năng lây nhiễm từ người sang người thông qua đường tiếp xúc. Tuy nhiên viêm da cơ địa lại có xu hướng di truyền ở những người thân cận huyết. Bệnh thường bùng phát ở trẻ bởi các yếu tố như: môi trường ô nhiễm, hệ miễn dịch kém, dị ứng, nhiễm trùng,…
Bệnh vảy nến
Vảy nến là một bệnh lý gây tổn thương da có liên quan đến rối loạn miễn dịch. Đặc trưng của bệnh là những mảng da bị đốm, có vảy trắng, sần sùi, khô ráp có thể gây ngứa.
Viêm da tiết bã nhờn
Viêm da tiết bã nhờn là bệnh lý phổ biến ở trẻ nhỏ. Biểu hiện của bệnh là những tổn thương da bị ửng đỏ, tiết nhiều bã nhờn, đi kèm với tình trạng ngứa ngáy, bong tróc da.
Bệnh thường khởi phát ở những vùng như trán, đầu, má, mũi,… Viêm da tiết bã nhờn tuy không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng sẽ khiến trẻ khó chịu, gây ngứa dữ dội và thường xuyên quấy khóc,…
2. Da bé bị vàng
Da bé bị vàng là một biểu hiện đặc trưng của bệnh vàng da. Nguyên nhân gây bệnh là do sự tích tụ của sắc tố màu vàng trong tế bào hồng cầu, chủ yếu xảy ra ở trẻ sinh non.
Có 2 thể vàng da đó là do bệnh lý và do sinh lý. Khác với dấu hiệu của bệnh vàng da do sinh lý thông thường, chỉ xuất hiện ở vùng cổ, mặt, ngực khoảng 1-2 ngày sau sinh và khỏi trong vòng 1 tuần, vàng da do bệnh lý lại có những biểu hiện bất thường như:
- Mức độ vàng da toàn thân, thậm chí là ở cả mắt.
- Với trẻ sinh đủ tháng sẽ không khỏi sau 1 tuần và với trẻ sinh non thì khoảng 2 tháng. Đặc biệt, trẻ bị vàng da do bệnh lý cần được điều trị y tế mới có thể cải thiện được tình hình.
- Trẻ bị vàng da kèm theo các triệu chứng khác như quấy khóc, sốt, bỏ bú,…
- Hàm lượng Bilirubin trong máu tăng lên bất thường.
3. Da bé bị đốm trắng
Một trong những vấn đề ở da nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh đó chính là những đốm trắng trên da trẻ. Đây là biểu hiện đặc trưng của bệnh lang ben và bạch biến. Mỗi bệnh sẽ có từng giai đoạn phát triển khác nhau. Trong khi lang ben có thể khắc phục được nhanh chóng, thì bệnh bạch biến ở trẻ cần thời gian chữa trị lâu hơn.
Lang ben: Bệnh gây bởi vi nấm pityrosporum, với những biểu hiện cụ thể như sau:
- Đốm lang ben thường có màu trắng, nhưng đôi khi là màu đỏ, nâu hoặc hồng.
- Đốm lang ben có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, nhưng chủ yếu là ở mặt, cổ, tay và lưng.
- Ở thể nặng, đốm lang ben sẽ khô lại, đóng vảy trắng và gây ngứa.
- Triệu chứng của bệnh sẽ trở nặng hơn vào mùa hè và giảm đi vào mùa đông.
Bạch biến: Nguyên nhân khởi phát bệnh là do sự thiếu hụt sắc tố quy định màu da melanin khiến cho da xuất hiện nhiều nếp nhăn ở quanh cổ, tay, mắt và miệng, kèm theo đó là tình trạng da bị đốm trắng.
4. Da bé bị sạm đen
Da bé bị sạm đen hay còn gọi là chứng gai đen. Đây là một tình trạng rối loạn sắc tố da thường gặp ở trẻ nhỏ. Nhiều phụ huynh khi phát hiện da ở cổ, tay, nách,… của bé bỗng nhiên đen xì thường nghĩ rằng do trẻ chơi đùa nghịch ngợm nên da bám ghét. Thế nhưng tình trạng này đôi khi lại là dấu hiệu cảnh báo của bệnh lý nguy hiểm:
- Rối loạn nội tiết: Tình trạng da bị sạm đen thường xảy ra ở trẻ mắc các chứng rối loạn như u nang buồng trứng, suy tuyến giáp và các bệnh lý khác liên quan đến tuyến thượng thận.
- Kháng insulin: Da sạm đen là một trong những dấu hiệu đặc trưng của bệnh đái tháo đường tuýp 2,
- Béo phì: Sự gia tăng trọng lượng đột ngột có thể khiến trẻ phải đối mặt với một số chứng rối loạn về da.
5. Da bé bị tróc vẩy
Da bé bị tróc vảy thường liên quan đến bệnh chàm, vảy cá hoặc viêm da tiết bã nhờn:
Bệnh chàm: Đây là bệnh lý viêm da mãn tính thường gặp ở trẻ nhỏ. Vết chàm thường xuất hiện ở vùng da quanh cổ, lông mày, trán, sau gáy,… với những dấu hiệu tổn thương da bất thường như khô ráp, nứt nẻ, bong tróc, thậm chí là chảy máu khiến trẻ đau đớn, khó chịu, quấy khóc và bỏ ăn.
Bệnh viêm da tiết bã nhờn: Bệnh lý này phổ biến ở trẻ 3 tháng tuổi, với tỷ lệ mắc là khoảng 70%. Tình trạng này sẽ khiến vùng da bị tổn thương sẽ trở nên dày hơn, có màu vàng, tróc vảy, sau đó bong ra gây ngứa ngáy, khó chịu cho trẻ. Triệu chứng viêm da tiết bã nhờn thường xuất hiện phổ biến ở vùng đầu, trán, lông mày và sau tai. Đôi khi, bệnh cũng ảnh hưởng đến vùng da nách, háng và sống mũi.
6. Da bé bị nổi mụn nước
Da bị nổi mụn nước là biểu hiện thường thấy ở trẻ nhỏ. Nếu mụn nước vỡ ra có thể dễ dàng lây lan sang vùng da lân cận. Lúc này nếu trẻ không được chăm sóc cẩn thận có thể dẫn tới tình trạng nhiễm trùng, ngứa ngáy gây khó chịu cho trẻ. Da bé bị nổi mụn nước được cho là biểu hiện của một số bệnh lý sau:
Chàm dị ứng
Nổi mụn nước là một trong những giai đoạn phát triển của bệnh chàm, thường xuất hiện sau quá trình nổi mẩn đỏ ở da. Với trường hợp này, bạn cần đưa trẻ đến khám bác sĩ da liễu càng sớm càng tốt để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.
Bệnh thủy đậu
Đây là một bệnh lý truyền nhiễm gây ra bởi virus Varicella Zoster. Khi mới phát bệnh, trẻ sẽ bị đau đầu, sốt, đau họng, cơ thể uể oải, mệt mỏi. Sau đó trẻ sẽ bị phát ban khắp người, những nốt mụn nước tập trung nhiều nhất ở vùng cánh tay, bẹn, mặt, đùi,… Theo thời gian, chúng sẽ phát triển to dần và lây lan khắp người gây khó khăn trong sinh hoạt và ăn uống của trẻ.
Zona thần kinh
Zona thần kinh hay còn được dân gian gọi với cái tên là giời leo. Khi trẻ có tiền sử bị thủy đậu, virus Varicella zoster sẽ không mất đi mà cư trú trong các dây thần kinh. Khi hệ miễn dịch của trẻ suy giảm hay bị tác động bởi yếu tố thời tiết, virus có thể tái hoạt động và gây ra bệnh zona.
Biểu hiện bệnh còn tùy thuộc vào việc dây thần kinh nào bị ảnh hưởng. Nhưng nhìn chung, khi bị zona thần kinh trẻ sẽ có những triệu chứng như sau:
- Da có cảm giác đau rát, căng bóng, ngứa.
- Xuất hiện nốt mụn nước màu hồng nhạt ở một nửa bên của cơ thể như bên ngực, bên lưng, mặt,…
- Khi nốt mụn vỡ ra sẽ đóng thành vảy, khô dần và để lại sẹo.
7. Da bé bị khô nứt nẻ
Trong thời gian 9 tháng 10 ngày nằm trong bụng mẹ, thiên thần nhỏ luôn được bao bọc bởi lớp màng trơn có màu hơi vàng, được gọi là vernix caseosa. Đây được coi là tấm lá chắn bảo vệ trẻ khỏi yếu tố nhiệt độ cũng như tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, khi trẻ sinh ra, lớp màng này được gỡ bỏ dần, da trẻ chưa thích nghi được có thể bị khô và bong tróc.
Da bị mất cân bằng độ ẩm cũng là nguyên nhất khiến trẻ bị khô da. Tuy nhiên, tình trạng này không quá nguy hiểm, nếu mẹ biết cách chăm sóc da bé sẽ nhanh chóng mịn màng, hồng hào trở lại.
Ở một số trường hợp, da khô nứt nẻ lại là biểu hiện của bệnh chàm hay vảy cá. Hiện nay cả hai loại bệnh lý này đều chưa có thuốc đặc trị. Do đó, khi bị nhiễm bệnh, bố mẹ cần hạn chế cho bé tiếp xúc với tác nhân gây bệnh để tránh tái phát.
8. Da em bé bị nổi mẩn đỏ
Da bé bị nổi đỏ là hiện tượng khá phổ biến, không quá gây nguy hiểm đến cho sức khỏe trẻ. Tuy nhiên, để kiểm soát được tình trạng này, bố mẹ cần biết rõ được hiện tượng này xuất hiện từ bệnh lý nào.
Dị ứng thời tiết
Thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh đột ngột là nguyên nhân chính gây tình trạng da nổi mẩn đỏ ở trẻ. Bệnh gây nên sự khó chịu, ngứa ngáy cho trẻ, nhưng nếu chăm sóc tốt có thể chấm dứt chỉ sau vài ngày phát bệnh.
Tuy nhiên nếu coi nhẹ, trẻ có thể gặp nguy cơ nhiễm trùng da, áp xe, sốc nhiệt,… Vì vậy, việc nắm rõ biểu hiện của bệnh để có hướng giải quyết kịp thời là vô cùng quan trọng.
Nổi mề đay mẩn ngứa
Nổi mề đay là tổn thương da thường gặp ở trẻ nhỏ, bệnh đặc trưng bởi những nốt nổi mẩn đỏ, da sưng phù, kèm theo đó là tình trạng ngứa dữ dội.. Mức độ tổn thương da còn tùy thuộc cơ địa và tình trạng bệnh của trẻ.
Bệnh viêm da tiếp xúc
Da bé bị nổi hột đỏ có thể là dấu hiệu của bệnh viêm da tiếp xúc. Bệnh khởi phát khi trẻ tiếp xúc với các tác nhân dị nguyên như hóa chất, xà phòng, lông động vật, dịch tiết của côn trùng,… Các biểu hiện của bệnh chỉ xuất hiện tại khu vực da tiếp xúc với nguồn lây.
9. Da bé bị xanh
Thiếu máu, tim bẩm sinh và chức năng phổi suy yếu là 3 yếu tố bệnh lý có thể khiến da trẻ bị xanh, tím.
Trẻ thiếu oxy
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, oxy và nước là những yếu tố quan trọng đối với sự sống của làn da. Lượng oxy dự trữ đủ lớn trong phổi sẽ giúp tái tạo hồng cầu và tế bào da. Từ đó khiến da trẻ hồng hào và mịn màng hơn. Ngược lại, trẻ không nhận đủ oxy, da sẽ trở lên tím tái, thiếu sức sống.
Bố mẹ có thể xác định trẻ có thiếu oxy trong máu không bằng cách quan sát màu sắc da trên toàn cơ thể bé. Nếu da bị bé xanh tím khắp nơi, nhất là những vùng da ở lưỡi, môi, vùng kín,… thì khả năng cao bé mắc bệnh lý về phổi hoặc tim. Còn trường hợp trẻ chỉ bị da tím, xanh ở tay, chân hoặc quanh miệng thì thể là do quá trình tuần hoàn của bé còn đang hoàn thiện.
Ngoài ra, khi trẻ đang chơi, đang ăn bỗng nhiên có biểu hiện ho sặc sụa, người tím tái, ngạt thở,… thì bố mẹ có thể nghi ngờ rằng trẻ đang bị hóc dị vật. Biểu hiện này có thể thoáng qua khi dị vật được tống ra ngoài. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể khiến bé ngừng thở dẫn đến tử vong.
Trẻ thiếu máu
Tình trạng thiếu máu ở trẻ thường rất khó nhận biết, bởi không có dấu hiệu nào quá rõ rệt. Tuy nhiên, bệnh vẫn có biểu hiện thấy được như: trẻ khó tập trung, khó ngủ, da xanh xao, lòng bàn tay trắng nhợt, chơi đùa mau mệt hơn những trẻ bình thường.
Trong trường hợp này, trẻ sẽ được chỉ định bổ sung thêm sắt trong một thời gian dài.
Thiếu vitamin
Trẻ thiếu vitamin, dưỡng chất, suy dinh dưỡng cực độ sẽ khiến cơ thể khó sản sinh tế bào máu khỏe mạnh. Do vậy mẹ sẽ nhìn thấy da bé luôn xanh xao, tím tái.
Qua xét nghiệm và thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận chính xác trẻ có đang bị thiếu vitamin không. Một số trường hợp trẻ bị thiếu vitamin ở mức thấp sẽ được chỉ định điều trị bằng cách bổ sung từ chế độ ăn hàng ngày. Nhưng một số khác, trẻ bắt buộc phải bổ sung vitamin từ thuốc.
10. Da bé bị thâm
Da bé bị thâm, tím không rõ nguyên nhân có thể do gây bởi một số bệnh lý sau:
Giảm tiểu cầu
Tiểu cầu được liên kết bởi những tế bào máu, có chức năng cầm máu khi trẻ bị thương. Khi lượng tiểu cầu giảm đi, da bé sẽ dễ bị thâm, tím, thậm chí khiến trẻ bị chảy máu và khó cầm máu khi bị thương.
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do trẻ bị nhiễm virus, từ đó sinh ra các phản ứng tự mãn làm giảm hoặc phá hủy tiểu cầu.
Thông thường, da bé bị thâm do giảm tiểu cầu sẽ trở lại bình thường sau 6 tháng. Trong quá trình bị bệnh, bố mẹ nên tránh cho bé vận động mạnh để phòng thương tích khiến khó cầm máu.
Rối loạn chảy máu di truyền
Trong số các chứng rối loạn chảy máu di truyền, von willebrand là bệnh thường gặp nhất, gây ảnh hưởng đến mọi đối tượng. Hầu hết người bệnh đều phải trải qua mọi giai đoạn của bệnh từ nặng đến nhẹ với biểu hiện như da thâm tím và chảy máu tự phát.
Khi trẻ bị mắc chứng bệnh này, bác sĩ sẽ chỉ định truyền các yếu tố đông máu để ngăn chảy máu vào các bộ phận trong cơ thể.
Xem thêm:
Biện pháp phòng tránh các bệnh về da cho trẻ
Để ngăn ngừa các bệnh lý ngoài da ở trẻ, phụ huynh cần thực hiện những biện pháp phòng ngừa sau:
Tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây
Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, hãy đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong thực đơn hàng ngày cho bé. Từ đó giúp tăng cường sức đề kháng, phòng bệnh ngoài da tốt hơn. Trong đó cần tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ và vitamin C như đậu nành, măng tây, chuối, táo, cà rốt,…
Lưu ý, khi mẹ chế biến các thực phẩm cho bé ăn dặm nên nghiền nhuyễn để giúp trẻ dễ tiêu hóa và ăn tốt hơn.
Cải thiện sức đề kháng cho trẻ
- Tiêm phòng vắc xin đúng định kỳ
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong suốt 2 năm đầu đời
- Bổ sung HMO
Để trẻ được chơi đùa ngoài trời
- Bố mẹ hãy khuyến khích trẻ vận động ngoài trời nhiều hơn để khám phá thế giới. Điều này không chỉ cải thiện giao tiếp và kỹ năng sống mà còn giúp bé tiếp xúc với tác nhân gây hại (virus, vi khuẩn,…), từ đó hệ miễn dịch có thể làm quen dần với cơ chế bảo vệ cơ thể và ngày càng hoàn thiện hơn.
- Sau khi bé vui chơi ở ngoài, bố mẹ cần đảm bảo trẻ rửa tay sạch sẽ trước bữa ăn để đảm bảo vệ sinh.
Vệ sinh sạch sẽ
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa để loại bỏ bụi bẩn gây kích ứng trên da trẻ.
- Không nên đóng bỉm cho trẻ 24/24 để tránh các bệnh ngoài da. Bên cạnh đó, mẹ nên lựa chọn những loại tã/bỉm có chất liệu thấm hút tốt để hạn chế sự tiếp xúc giữa nước tiểu với da mông bé.
- Tắm rửa hàng ngày cho trẻ
Quần áo, đồ dùng cá nhân
- Không nên cho trẻ mặc đồ chung hoặc cho ai mượn đồ.
- Mẹ cần đảm bảo quần áo của trẻ lúc nào cũng sạch sẽ, khô ráo. Khi giặt quần áo cho trẻ, mẹ nên phơi đồ ngoài nắng để tiêu diệt vi khuẩn.
- Bảo quản đồ dùng cá nhân và quần áo trẻ ở nơi khô thoáng, sạch sẽ.
- Không cho trẻ mặc quần áo ẩm ướt hoặc quá chật vì có thể gây nấm da.
- Mẹ nên chọn cho bé mặc những bộ quần áo có chất liệu vải mềm mại, co giãn, dễ thấm mồ hôi như vải cotton. Hạn chế mua những bộ trang phục vải ni lông, sợi tổng hợp có thể gây kích ứng da trẻ.
Trên đây là bài viết “bắt bệnh qua biểu hiện ngoài da của bé”. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp ích cho bố mẹ trong việc chăm sóc bé yêu.