Da bé rất mỏng manh và nhạy cảm; vì vậy, khi tiếp xúc với các yếu tố mẫn cảm như bụi, phấn hoa, vi khuẩn,… con dễ bị mẩn ngứa, nổi mẩn trên da. Da bé bị nổi hạt sần sùi, ngứa là biểu hiện của bệnh gì? Cha mẹ nên làm gì khi con gặp tình trạng này? Cùng Fitobimbi tìm hiểu nhé!
Da bé bị nổi hạt sần sùi ngứa là bệnh gì?
Da bé bị khô sần, có nhiều vùng bong tróc, nổi mụn, nổi mẩn đỏ,… thường là do đang gặp vấn đề về da liễu. Dưới đây là những lý do hàng đầu khiến da trẻ bị khô sần, nổi mụn.
Do dị ứng
Dị ứng da xảy ra khi hệ miễn dịch hoạt động để chống lại các tác nhân (thường là vô hại) để bảo vệ cơ thể.
Biểu hiện
- Da khô nứt nẻ, bong tróc
- Da bị sưng viêm, phù nề, nổi mẩn đỏ
- Xuất hiện các đốm nhỏ li ti trên da
- Da xuất hiện mụn nước, mủ
- Da nóng rát, ngứa ngáy, châm chích
Ngoài các triệu chứng trên, trẻ bị dị ứng da có thể xuất hiện tình trạng mắt đỏ; họng, lưỡi, môi sưng; mệt mỏi; sốt nhẹ; chán ăn;…
Nguyên nhân
- Tiếp xúc với các yếu tố gây mẫn cảm cho da: nấm mốc, bụi bẩn, phấn hoa, lông chó mèo, mỹ phẩm,…
- Thời tiết thay đổi, cơ thể không thích ứng kịp
- Ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng: sữa, trứng, các loại hạt, hải sản,…
- Dị ứng với thuốc, những loại thuốc được cảm báo dễ gây dị ứng da là Penicillin, Aspirin, Salicylate, các loại vaccine,…
Hăm da, hăm tã
Hăm tã là tình trạng phát ban đỏ và có vảy xung quanh các khu vực được che bởi tã. Tình trạng này thường xuất hiện ở trẻ 9 – 12 tháng tuổi, nhưng trẻ 2 tháng tuổi cũng có thể gặp tình trạng này.
Biểu hiện
- Phần da tiếp xúc với tã (ngấn ở đùi, mông; bộ phận sinh dục) nổi mẩn đỏ
- Có thể xuất hiện những vết sưng, mụn gây lở loét trên da
- Bé tỏ ra khó chịu, ngủ không đủ giấc
Nguyên nhân
- Để tã ướt hoặc bẩn quá lâu: Trẻ đeo tã thường xuyên, nước tiểu đọng ở mông một thời gian dài. Khi mồ hôi, nước tiểu không được lau sạch sẽ, tã bị ẩm,… nấm dễ dàng phát triển khiến da bé bị kích ứng. Trẻ dễ bị hăm tã nếu chúng thường xuyên đi tiêu hoặc bị tiêu chảy
- Cọ xát: Tã hoặc quần áo bó sát vào da có thể dẫn
- Sử dụng loại tã mới: Da của bé có thể phản ứng với tã, khăn lau,… đến từ thương hiệu mới
Chàm sữa
Bệnh chàm là một trong những vấn đề da liễu phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Chàm khiến trẻ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu và thường tái phát.
Biểu hiện
Bệnh chàm thường xuất hiện dưới dạng phát ban đỏ, có vảy, trầy xước. Mụn có nước dưới da. Trong trường hợp mãn tính, da có thể trở nên khá dày. Bệnh này có biểu hiện hơi khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ:
- Trẻ sơ sinh: Thường xuất hiện ở da đầu, mặt, đặc biệt là vùng má. Trẻ có biểu hiện cáu kỉnh, xoa mặt thường xuyên. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nó có thể ảnh hưởng đến các chi và vùng thân
- Trẻ biết đi: Thường xuất hiện ở các vùng có nếp gấp (cổ, khuỷu tay, mắt cá chân, phía sau đầu gối
Nguyên nhân
- Dị ứng từ nguồn thức ăn của mẹ
- Gia đình có tiền sử mắc bệnh hen suyễn, mề đay
- Tiếp xúc với các chất gây dị ứng: khói bụi, thời tiết, lông động vật,…
Nổi mề đay mẩn ngứa
Nổi mề đay (mề đay) là tình trạng trên da xuất hiện những vùng đỏ, ngứa và sưng tấy, có kích thước khác nhau từ mảng nhỏ đến mảng lớn.
Biểu hiện
- Xuất hiện những nốt sần màu hồng hoặc đỏ tương đối lớn và thành từng mảng
- Vùng da đỏ ban đầu nhỏ nhưng nhanh chóng lan rộng toàn cơ thể
- Trẻ có cảm giác ngứa dữ dội, nóng rát
- Một số trẻ có thể cảm thấy chóng mặt, khó thở, viêm sưng ở tay
Nguyên nhân
Trong 80% trường hợp nổi mề đay cấp tính ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất là do nhiễm virus (ví dụ như virus cảm lạnh hoặc cúm thông thường). Tuy nhiên, nó cũng có thể là do phản ứng dị ứng khi ăn một số loại thực phẩm như động vật có vỏ, trứng, quả hạch, sữa bò, đậu nành, lúa mì hoặc do dùng thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS), ví dụ như Ibuprofen.
Rôm sảy
Nổi hạt sần sùi trên da là một biểu hiện phổ biến của chứng rôm sảy – một tình trạng thường gặp ở trẻ em.
Biểu hiện
- Nổi hạt sần sùi ở da đầu, vai, cổ, lưng, ngực, nách, háng
- Mụn nước dưới da, gây ngứa và mẩn đỏ
Nguyên nhân
- Thời tiết nắng nóng, oi bức khiến làn da bé không điều chỉnh nhiệt độ tốt, dẫn đến tình trạng ra mồ hôi nhiều làm tắc lỗ chân lông, gây nổi rôm sảy
- Nó cũng có thể xảy ra nếu em bé mặc quá nhiều quần áo hoặc bị sốt
Chân tay miệng
Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Khi con bị bệnh này, mẹ có thể thấy da con xuất hiện mụn.
Biểu hiện
- Nổi hạt sần sùi, xuất hiện mụn nước tại các vị trí quanh miệng, vòm họng, lòng bàn chân, lòng bàn tay, đầu gối, mông
- Một số trẻ có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao, nôn ói, tiêu chảy, quấy khóc, bỏ ăn
Nguyên nhân
- Nguyên nhân chính gây ra bệnh tay chân miệng là virus đường ruột
- Coxsackievirus A16 là loại thường gặp nhất với các triệu chứng ở thể nhẹ, ít biến chứng và thường tự khỏi
- Enterovirus 71 gây bệnh nặng hơn, biến chứng nguy hiểm hơn, thậm chí có thể gây tử vong
- Các virus đường ruột khác thường gây bệnh nhẹ
Da bé bị nổi hạt sần sùi ngứa, cha mẹ nên làm gì?
Khi nhận thấy da con xuất hiện mụn ngứa, các mảng đỏ, cha mẹ nên:
Đưa con đi khám bác sĩ
Nếu tình trạng nổi mẩn của con kéo dài, không có dấu hiệu cải thiện và xuất hiện thêm các triệu chứng khác, cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có phương án điều trị phù hợp. Trong một số trường hợp, trẻ có thể được điều trị bằng các loại thuốc bôi da. Và việc dùng thuốc nên được hướng dẫn bởi chuyên gia y tế. Tự ý cho con sử dụng thuốc tại nhà không phải là lựa chọn thông minh và có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ ngay tại nhà
Khi da bé bị nổi hạt sần sùi, ngứa; cha mẹ nên chăm sóc con tại nhà như sau:
- Vệ sinh thân thể bé thật sạch để loại bỏ vi khuẩn, virus,… trên da
- Thay tã cho con thường xuyên
- Giặt quần áo, chăn gối của bé với chất tẩy rửa nhẹ nhàng
- Cho con mặc quần áo làm từ vải cotton thấm hút mồ hôi tốt
- Nếu thấy con có biểu hiện nổi mẩn sau khi ăn một món ăn mới; sử dụng một loại tã, sữa dưỡng thể,… mới; cha mẹ nên đổi về loại cũ vì có thể bé đang bị dị ứng với đồ ăn và vật dụng mới
- Người lớn cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi tiếp xúc với bé
Những điều cần lưu ý khi con bị nổi mụn sần ngứa bao gồm:
- Không để con hoạt động trong môi trường có nhiệt độ cao
- Tránh ngồi lâu trong khu vực điều hòa, điều này có thể gây khô da
- Chỉ nên tắm cho con bằng nước ấm, không tắm cho con bằng nước nóng. Điều này có thể làm tình trạng khô da trở nên tồi tệ hơn
- Không tắm cho con bằng xà phòng, chất tẩy rửa mạnh
- Không để con gãi làm trầy xước vùng bị mụn
- Tránh cho con mặc quần áo vải len/nilon
Ngoài 6 vấn đề được đề cập đến trong bài viết này, còn nhiều bệnh lý về da liễu khác có thể khiến da bé bị mẩn ngứa, phát ban. May mắn thay, phần lớn các bệnh lý không gây ra các biến chứng nguy hiểm và có thể được chữa khỏi nhanh chóng. Điều quan trọng là cha mẹ cần giữ vệ sinh cơ thể của con, làm sạch nhà cửa, vật dụng,… để đề phòng bệnh. Và khi thấy da bé bị nổi hạt sần sùi, ngứa, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám.