Chỉ số bilirubin trong máu là cơ sở đánh giá mức độ vàng da của trẻ. Vậy trẻ có chỉ số bilirubin bao nhiêu là nguy hiểm? Nguyên nhân, hậu quả khi chỉ số này tăng cao? Hãy cùng tìm hiểu chỉ số vàng da ở trẻ sơ sinh trong bài viết sau mẹ nhé.
Chỉ số vàng da ở trẻ sơ sinh – Bilirubin là gì?
Chỉ số vàng da ở trẻ sơ sinh hay Bilirubin là câu hỏi mà rất nhiều mẹ bỉm quan tâm. Theo chuyên gia, Bilirubin là loại sắc tố màu vàng hình thành tại gan do sự phá hủy của các tế bào hồng cầu và bài tiết trong dịch mật.
Khác với người lớn, trẻ sơ sinh có số lượng tế bào hồng cầu cao và liên tục được phá vỡ, thay mới. Tuy nhiên, gan của bé lúc này chưa được hoàn thiện và hệ vi khuẩn ở ruột còn yếu nên Bilirubin đào thải ra ngoài không hết sẽ bị hấp thụ ngược vào hệ thống tuần hoàn gây ra vàng da. Chỉ số vàng da ở trẻ sơ sinh thường sẽ bao gồm: bilirubin toàn phần, bilirubin trực tiếp và bilirubin gián tiếp.
Nồng độ bilirubin cao hơn bình thường có thể gây ra tình trạng vàng da, nước tiểu màu đậm, và xuất hiện các vết bầm tím màu vàng trên da. Hiện tượng này xảy ra khá phổ biến, chiếm khoảng 25-30% ở trẻ đủ tháng và hầu hết trẻ sinh non. Nếu là vàng da sinh lý thì khi được 2 tuần tuổi trẻ sẽ có thể hoàn toàn loại bỏ được Bilirubin. Ngược lại nếu là vàng da bệnh lý thì con cần phải điều trị, tránh gặp biến chứng nguy hiểm.
Chỉ số vàng da ở trẻ sơ sinh thế nào là bình thường?
Vàng da ở trẻ sẽ được chia thành hai loại là vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Theo đó, sau khi sinh 2 ngày, bằng mắt thường mẹ sẽ có thể nhận thấy các đốm vàng nhỏ trên da của con. Hiện tượng này sẽ đạt cực đỉnh vào 3-5 ngày sau và hầu như sẽ biến mất sau khoảng 7-10 ngày. Lúc này, chỉ số vàng da ở trẻ sơ sinh sẽ không vượt quá 15 mg/dl.
Đối với vàng da bệnh lý, chỉ số Bilirubin sẽ được định nghĩa đa dạng hơn do sự khác biệt giữa các kỹ thuật định lượng hoặc xét nghiệm tại bệnh viện. Theo đó, chỉ số vàng da ở trẻ sơ sinh sẽ được đánh giá là bình thường khi:
Chỉ số Bilirubin trực tiếp: 0-0,4mg/dl hay 0-7μmol/L
Chỉ số Bilirubin toàn phần:
- Với trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi <10mg/dl hay <171μmol/L
- Với trẻ sơ sinh trên 1 tháng tuổi từ 0.3-1.2mg/dl hay 5.1-20.5μmol/L
Chỉ số bilirubin gián tiếp: 0.1-10mg/dl hay 1-17 μmol/L
Chỉ số Bilirubin trực tiếp/ bilirubin toàn phần: <20%
Chỉ số vàng da ở trẻ sơ sinh thế nào là nguy hiểm?
Nồng độ Bilirubin tăng cao là một trong những dấu hiệu nguy hiểm. Bởi theo chuyên gia, khi hoạt chất này tăng cao tỷ lệ hủy hoại tế bào hồng cầu sẽ lớn, trẻ có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm. Vậy chỉ số vàng da Bilirubin ở trẻ sơ sinh thế nào là mức nguy hiểm?
- Với trẻ sơ sinh đủ tháng, khỏe mạnh: Khi chỉ số Bilirubin trong máu cao hơn 18 mg/dl tương đương 308 μmol/L
- Với trẻ sinh non, nhiễm trùng máu: Không có mức tăng Bilirubin nào được cho là an toàn, Bilirubin càng tăng nguy cơ độc hại càng lớn
- Ngoài ra nếu như chỉ số Bilirubin vàng da tăng nhanh tại 1 thời điểm, khoảng hơn 5mg/dl/ ngày thì bé cũng cần đi gặp bác sĩ
Nguyên nhân khiến chỉ số vàng da trẻ sơ sinh tăng cao
Bilirubin tăng cao là một trong những nỗi lo của các mẹ bỉm. Dưới đây là những nguyên nhân khiến chỉ số này tăng nhanh và không kiểm soát.
- Do sinh lý: Vàng da sinh lý là hiện tượng thường gặp ở trẻ sinh non, ốm yếu hoặc sinh đủ tháng khỏe mạnh. Theo các chuyên gia, cơ thể của bé sản xuất hồng cầu và bilirubin liên tục, kết hợp với độ thanh thải và nồng độ vi khuẩn thấp khiến cho hàm lượng Bilirubin tăng cao. Khi đó, nồng độ Bilirubin toàn phần trong máu có thể lên 18 mg/dl vào ngày thứ 3 thứ 4 sau sinh. Tuy nhiên sau đó, nó sẽ tự giảm, trẻ hết vàng da mà không cần phải đến điều trị
- Do bệnh lý: Chỉ số bilirubin tăng cao do bệnh lý thường được xác định khi trẻ vàng da trong 24h đầu sau sinh và kéo dài nhiều hơn 2 tuần sau đó. Xét nghiệm lúc này cho thấy chỉ số Bilirubin toàn phần có thể cao đến hơn 18 mg/dl và mức tăng Bilirubin trong máu mỗi ngày có thể lên đến trên 5mg/dl. Một số bệnh lý khiến cho chỉ số vàng da ở trẻ sơ sinh tăng cao như viêm gan sơ sinh, ứ mật, nhiễm khuẩn huyết sơ sinh,…
Bilirubin trong máu tăng cao có hậu quả gì?
Với trẻ sơ sinh từ 15 ngày đến dưới 2 tháng tuổi việc xác định nồng độ Bilirubin thông qua xét nghiệm có ý nghĩa lớn. Dựa vào chỉ số thu được, bác sĩ sẽ có các biện pháp can thiệp kịp thời trước khi nồng độ Bilirubin tăng cao, giảm thiểu nguy cơ tổn thương não bộ của bé.
Theo các chuyên gia, chỉ số vàng da ở trẻ sơ sinh tăng cao sẽ gây hệ lụy khôn lường, như:
- Nhiễm độc thần kinh: Đây là hậu quả chính của việc để cho Bilirubin tăng cao quá mức. Việc can thiệp không kịp thời có thể khiến trẻ viêm não cấp tính, bại não, suy giảm chức năng vận động và nhận thức kém
- Vàng da nhân não: Là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhưng lại hiếm gặp và có thể phòng ngừa. Tình trạng này thường sẽ xuất hiện khi Bilirubin tích tụ và lắng đọng nhiều trong nhân, hạch đáy của thân não rồi tấn công vào hàng rào máu não
- Ngoài ra bé còn có thể gặp phải tình trạng rối loạn vận động mắt, mất thị lực, suy gan, bại não thậm chí nặng hơn sẽ là tử vong
Điều trị thế nào khi chỉ số Bilirubin tăng cao
Với việc tăng Bilirubin sinh lý, trẻ sẽ chỉ cần theo dõi mà không điều trị. Triệu chứng vàng da sẽ tự cải thiện sau khoảng 1 đến 2 tuần khi gan của con hoàn thiện và trẻ bú sữa nhiều hơn.
Tuy nhiên, với những trường hợp vàng da do Bilirubin tăng cao quá mức, để tránh biến chứng ở não bé cần can thiệp điều trị. Hiện nay, để trị tình trạng chỉ số vàng da tăng cao người ta thường dùng đến 2 phương pháp là chiếu đèn và truyền máu. Cụ thể:
Chiếu đèn
Chiếu đèn hay còn gọi là quang trị liệu là phương pháp điều trị vàng da phổ biến hiện nay. Phương pháp này theo đó sẽ dùng loại đèn có ánh sáng xanh, bước sóng trong khoảng 450-460nm. Ánh sáng sau khi qua da sẽ giúp phân hủy phân tử Bilirubin gián tiếp ở dưới lớp mỡ, sau đó được gan và thận đào thải ra ngoài.
Ở những trẻ được chẩn đoán vàng da bệnh lý do Bilirubin gián tiếp tăng cao sẽ được chỉ định chiếu đèn sau 24h đầu nếu chưa có các dấu hiệu nhiễm độc thần kinh. Ngoài ra, phương pháp này cũng sẽ được dùng để dự phòng khi chỉ số Bilirubin tăng cao ở trẻ mắc bệnh tan huyết, hộp sọ to, có bướu huyết thanh. Cụ thể:
- Trẻ sinh non từ 35 tuần tuổi sẽ được chỉ định chiếu đèn khi Bilirubin cao hơn 12 mg/dl tương đương với khoảng 205,2 μmol/L. Lúc này trẻ sẽ được chiếu đèn trong 25-48h sau sinh nếu như chỉ số Bilirubin cao hơn 15mg/dl, trong 49-72h nếu Bilirubin cao hơn 18 mg/dl và trên 72h khi Bilirubin đạt ngưỡng 20mg/dl
- Trẻ sinh non dưới 35 tuần tuổi, ngưỡng Bilirubin cần điều trị được quy định thấp hơn so với trẻ từ 35 tuần do nguy cơ nhiễm độc cao hơn
Để việc chiếu đèn điều trị vàng da cho trẻ đạt hiệu quả cao mẹ cần cởi bỏ quần áo, bảo vệ mắt và cơ quan sinh dục của con. Sau đó xoay trở các bé thường xuyên, sao cho diện tích tiếp xúc ánh đèn lớn nhất. Ở trẻ đủ tháng, khỏe mạnh sau 3h chiếu đèn bé có thể được đưa ra ngoài thay tã hoặc cho bú sữa.
Truyền máu
Trao đổi truyền máu cũng là phương pháp điều trị vàng da do Bilirubin tăng cao quá mức. Kỹ thuật này sẽ lấy một lượng máu nhỏ của trẻ và thay thế bởi một lượng máu khác. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được áp dụng cho những trường hợp dưới đây.
- Bilirubin ≥ 20mg/dL trong 24-48h
- Bilirubin ≥ 25mg/dL sau 48h
- Trẻ đã được chiếu đèn nhưng không hiệu quả
Câu hỏi thường gặp về chỉ số vàng da ở trẻ sơ sinh
Chỉ số bilirubin bao nhiêu thì trẻ cần được đi khám?
Chỉ số Bilirubin bình thường ở trẻ sơ sinh là dưới 10mg/dl tương đương với khoảng 171μmol/L. Trong những ngày đầu sau sinh, chỉ số này có thể cao hơn. Vì vậy bác sĩ, sẽ dựa vào các yếu tố nguy cơ để định lượng xem nồng độ Bilirubin bao nhiêu là hợp lý. Dưới đây là những trường hợp mẹ cần đưa bé đi khám để tránh biến chứng nguy hiểm.
- Bilirubin tăng nhanh tại một thời điểm, khoảng hơn 5mg/dl/ngày. Hiện tượng này thường hay gặp ở những trẻ vàng da do bệnh tan máu bẩm sinh
- Chỉ số Bilirubin vượt ngưỡng trên 15mg/dl
- Thời gian vàng da kéo dài và không có sự thuyên giảm
Chỉ số vàng da bao nhiêu thì trẻ sẽ được chiếu đèn?
Bilirubin tăng bao nhiêu thì phải chiếu đèn? Theo chuyên gia, chiếu đèn là phương pháp thường được chỉ định cho trẻ mới sinh, sau khoảng 24h tuổi và chưa có dấu hiệu tiền nhiễm độc.
Đối với vấn đề Bilirubin bao nhiêu thì phải chiếu đèn sẽ còn phụ thuộc vào nồng độ Bilirubin sau khi xét nghiệm có bị vượt quá quy định cân nặng, ngày tuổi và độ vàng da của bé.
Nhìn chung khi chỉ số này vượt ngưỡng 15 mg/dl, hoặc trẻ vàng da kéo dài hơn 10 ngày, chưa có dấu hiệu nhiễm độc sẽ được chỉ định chiếu đèn vàng da.
Chỉ số vàng da ở trẻ sơ sinh có thể dễ dàng xét nghiệm và điều trị được. Bằng việc tuân thủ hướng dẫn của các bác sĩ nhi khoa, mẹ hoàn toàn có thể giúp bé tránh được biến chứng nguy hiểm.