Con bướng bỉnh, không chịu nghe lời, hay quấy khóc, lăn đùng ra ăn vạ,… là những dấu hiệu chứng tỏ trẻ đang bước vào thời kỳ khủng hoảng tuổi lên 3. Đây là thách thức không nhỏ của ba mẹ, bởi nếu không biết xử lý khéo léo, trẻ sẽ sống mãi trong sự khủng hoảng, ảnh hưởng đến tâm lý sau này. Hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu bé hơn và vượt qua giai đoạn này dễ dàng nhé!
Khủng hoảng tuổi lên 3 là gì?
Khi nghe tới cụm từ “khủng hoảng”, ắt hẳn các bậc phụ huynh thường nghĩ đến điều gì đó rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực chất, đây là một bước ngoặt trong quá trình phát triển bình thường, khi trẻ có sự thay đổi cách nhìn nhận về bản thân và thế giới xung quanh. Ở trẻ em, những cuộc “khủng hoảng” sẽ rơi vào các giai đoạn như sơ sinh, 1 tuổi, 3 tuổi, 13 tuổi và 17 tuổi.
Trong khi khủng hoảng tuổi lên 2 là cuộc khủng hoảng cai sữa, khi mẹ phải trở lại làm việc, thì cơn khủng hoảng khi bé 3 tuổi được gọi là khủng hoảng chống đối.
Do đó, cụm từ khủng hoảng tuổi lên 3 được ba mẹ biết đến nhiều hơn so với các cột mốc còn lại vì những biểu hiện của con tại thời điểm này là rõ rệt nhất.
Tùy theo mỗi trẻ mà giai đoạn khủng hoảng này có thể bắt đầu sớm hoặc muộn và thường kéo dài từ nửa sau của tuổi lên 3 đến nửa đầu của tuổi lên 4, với mức độ và cường độ khác nhau.
Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tuổi lên 3
Cuộc khủng hoảng ở tuổi lên 3 xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Mâu thuẫn giữa nhu cầu của trẻ và khả năng thực tế của trẻ
Theo nhà tâm lý học Erick Erickson: “3 tuổi là khởi đầu của giai đoạn hình thành tính tự chủ và ý thức độc lập của trẻ”. Lúc này, con muốn tự mình khám phá thế giới xung quanh bằng chính đôi mắt, đôi tay của mình. Ngoài ra, khả năng di chuyển, giữ thăng bằng cũng dần hoàn thiện, thúc đẩy trẻ làm theo suy nghĩ của bản thân. Trẻ say mê khám phá, thậm chí muốn chinh phục cả những thứ nằm ngoài khả năng của mình, để thể hiện “cái tôi”. Điều đó sẽ dễ gây ra sự mâu thuẫn giữa kỹ năng thực tế có và suy nghĩ, mong muốn của trẻ, dẫn đến sự “khủng hoảng” trong chính con. Từ đó trẻ cảm thấy khó chịu, cáu gắt, dễ khóc,…
Người lớn và trẻ không tìm được tiếng nói chung
Song song với khả năng vận động, trẻ cũng bắt đầu hình thành ý thức về bản thân. Trẻ hay nói “để con làm”, “không, không, mẹ để xuống đi” với khuôn mặt mếu máo. Trong khi nhu cầu độc lập, chứng tỏ bản thân của trẻ tăng cao thì ba mẹ vẫn chưa chuẩn bị sẵn tâm lý “buông tay” trẻ. Vì vậy, nhiều phụ huynh có xu hưởng kiểm soát, cấm đoán trẻ. Chính vì không tìm được tiếng nói chung với ba mẹ, trẻ sẽ có những phản ứng gay gắt như bướng bỉnh, không nghe lời.
Lôi kéo sự chú ý của người lớn
Trong thời kỳ khủng hoảng tuổi lên 3, trẻ thường có biểu hiện cãi lại, chống đối, bứt rứt, khó chịu,… nhằm thu hút sự chú ý của ba mẹ. Trên thực tế, nhiều phụ huynh quá bận rộn với công việc nên không có nhiều thời gian quan tâm, gần gũi với con khiến trẻ hụt hẫng, Ngoài ra, ba mẹ luôn trong trạng thái stress, căng thẳng cũng ảnh hưởng đến trẻ. Khi trẻ mất đi cảm giác gắn bó, an toàn khi ở bên ba mẹ, chúng sẽ thể hiện cảm xúc thái quá, vì đơn giản là trẻ chỉ muốn sự chú ý của ba mẹ.
Dấu hiệu khủng hoảng tuổi lên 3
Mỗi đứa trẻ khi bước vào thời kỳ khủng hoảng sẽ có những khoảnh khắc tốt và những khoảnh khắc xấu, đôi khi nối tiếp nhau rất nhanh. Trẻ nhỏ không phải lúc cũng dùng lời nói để truyền đạt mong muốn mà thương dùng cơ thể và cử chỉ. Tất cả những điều đẩy cảm xúc lên đỉnh điểm bằng cơn giận dữ, trận khóc, la hét từ những nguyên nhân rất nhỏ nhặt. Dưới đây là những biểu hiện thường gặp ở trẻ trong lứa tuổi này:
Tiêu cực
Trẻ thường không chịu nghe lời một số yêu cầu của người lớn. Cảm xúc tiêu cực thường xảy ra bởi trẻ cảm thấy sự bất công dữ dội, như chúng bị từ chối mua đồ chơi hoặc do ba mẹ không cho bé kẹo. Trẻ còn quá nhỏ để hiểu được lý do đằng sau những hạn chế của ba mẹ. Tất cả những gì trẻ biết là chúng mong muốn có điều gì đó và đã đạt được như mong muốn.
Ngoan cố
Trẻ kiên quyết bảo vệ những đòi hỏi của bản thân. Đôi khi bé thể hiện sự ngoan cố, cứng đầu không phải vì thật sự thích mà chỉ muốn mình là người chiến thắng và ba mẹ phải là người chịu thua.
Tự tiện
Trẻ không muốn có sự giám sát của người lớn, tự làm theo những gì mình muốn mà không cần xin phép.
Vô lễ
Trẻ thể hiện thái độ vô lễ thông qua nét mặt, lời nói trống không, hỗn xược hay thậm chí là bằng hành động giơ tay muốn đánh người lớn.
Nổi loạn
Khi ba mẹ không giữ được sự bình tĩnh, trẻ sẽ sở nên cực kỳ hung dữ.
Chuyên quyền
Với những đứa bé là con một, trẻ sẽ có xu hướng chuyên quyền trong quan hệ với tất cả mọi thứ xung quanh.
Sai lầm của ba mẹ khi trẻ bị khủng hoảng tuổi lên 3
Không ít ba mẹ có những ứng xử không phù hợp với trẻ trong thời kỳ “nhạy cảm” này. Ba mẹ nên biết rằng, sự cứng nhắc hay cơn tức giận, la mắng sẽ chỉ khiến trẻ ngày càng khó chịu và trở nên chống đối mọi thứ.
Quát mắng, la hét trẻ
Khi trẻ không hợp tác và có những biểu hiện thái quá, người lớn chúng ta thường lập tức quát mắng, la hét với mong muốn trẻ sẽ nghe lời hơn. Tuy nhiên đây lại là hành động phản tác dụng, trẻ có thể sẽ nghe lời bạn nhưng trong trạng thái sợ hãi. Điều này có thể dẫn đến tác động tiêu cực làm tổn thương tâm lý sau này của trẻ.
Áp đặt trẻ nghe theo yêu cầu, nguyên tắc của ba mẹ
Ba mẹ Việt thường có xu hướng áp đặt hay ngăn cản trẻ làm theo một việc gì đó. Tuy nhiên, một đứa trẻ 3 tuổi sẽ không thể đủ nhận thức để hiểu vì sao lại có sự cấm đoán này. Do đó, khi bị người lớn áp đặt làm theo mệnh lệnh, trẻ càng khó chịu và có thái độ chống đối.
Không kiên nhẫn với trẻ
Không thể kiên nhẫn vì con nói quá nhiều hay nói mãi không chịu hiểu,… là những tâm lý thường thấy của các bậc phụ huynh. Quá bận rộn với công việc, mệt mỏi, áp lực với cuộc sống khiến ba mẹ trở nên thiếu kiên nhẫn với con. Không thực sự lắng nghe và trả lời qua loa khi con hỏi, không giải thích vấn đề ba mẹ yêu cầu,… Tất cả điều này sẽ khiến trẻ khó chịu, bực tức và không hợp tác.
Ba mẹ cần làm gì để trẻ vượt qua “khủng hoảng tuổi lên 3”?
Để đối phó với cơn khủng hoảng không báo trước của trẻ, ba mẹ có thể tham khảo một số cách xử lý sau:
Hạn chế la hét
Thay vì rầy la con một cách lớn tiếng, ba mẹ nên cố gắng kiềm chế cảm xúc và tìm ra những hình thức xử lý khủng hoảng nhẹ nhàng hơn. Nếu bạn vô ý lớn tiếng, hãy xin lỗi bé, “mẹ không có ý quát con, mẹ xin lỗi, đó không phải là cách mẹ muốn nói chuyện với con”. Đây là hành động cần thiết để cho bé thấy ba mẹ đang rất cố gắng muốn giải quyết mọi chuyện cùng con.
Học cách lắng nghe
Trẻ nhỏ sẽ cảm thấy được an ủi hơn khi biết được người lớn đang lắng nghe những gì bé cố gắng muốn nói. Nếu bé tỏ vẻ khó chịu khi mẹ không đồng ý mua món đồ chơi trong lúc đi siêu thị, bạn có thể xử lý bằng cách nói với bé như “mẹ biết con rất thích chiếc ô tô đó, nhưng chủ cửa hàng nói rằng tuần sau sẽ đem về thật nhiều chiếc ô tô xịn và đẹp hơn, chúng ta hãy thử đợi đến lúc đó xem sao nhé!”. Dẫu cho điều này không đúng như mong muốn của trẻ nhưng cũng sẽ khiến con giảm cảm giác tức giận phần nào.
Giải thích
Một em bé đang bước vào thời kỳ khủng hoảng tuổi lên 3 sẽ không có khả năng hiểu được vì sao mình phải ngừng làm hành động bản thân thấy vui. Thay vì áp đặt, yêu cầu trẻ dừng ngay, ba mẹ hãy là người giải thích cho con. “Nếu con lấy đồ chơi của bạn, bạn sẽ khóc và rất buồn đó”. Bằng cách giải thích bé sẽ hiểu được phần nào hành vi của mình đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến người khác.
Cho trẻ sự lựa chọn
Khi bé không chịu nghe lời thực hiện hay ngừng làm một hành động nào đó, vấn đề thường nằm ở khả năng kiểm soát của ba mẹ. Nếu bé đã quen với việc mình chỉ cần la hét, khóc một chút là có được mọi thứ thì trong tình huống này ba mẹ không được nhẹ nhàng, thay vào đó hãy cứng rắn để có thể kiểm soát được. Nếu trẻ tỏ ý muốn sử dụng điện thoại, ba mẹ hãy cho con lựa chọn nhưng với giới hạn thời gian. Và kiên quyết nói không dẫu trẻ tỏ ra muốn chơi thêm.
Quan tâm, chú ý đến trẻ
Để nhận được sự chú ý từ ba mẹ, trẻ có thể sẽ làm mọi cách gây rối cho bạn, chẳng hạn như lấy điện thoại những lúc bạn đang sử dụng hoặc chen vào giữa bạn máy tính khi đang làm việc. Dĩ nhiên, người lớn không thể lúc nào cũng ở bên cạnh con, chúng ta cũng còn nhiều công việc cần giải quyết. Tuy nhiên, khi bé có những hành động thu hút sự chú ý của ba mẹ, hãy tạm dừng công việc trong chốc lát để ôm con và hỏi han xem bé có cần uống nước hay ăn gì đó không. Chỉ như vậy thôi, trẻ cũng sẽ cảm thấy được an ủi phần nào.
Hãy ôm con vào lòng
Các bé luôn thích được ba mẹ yêu thương, ôm ấp vào lòng. Vì vậy, ngay cả khi bạn đang bận công việc hãy luôn sẵn sàng dành cho trẻ những vòng tay âu yếm, cái ôm chặt và lời nói yêu thương.
Dạy con nghe lời
Thực tế, chẳng có đứa bé nào sinh ra đã ngoan ngoãn ngay từ đầu mà cần có sự dạy bảo của ba mẹ. Tình trạng khủng hoảng tuổi lên 3 sẽ thôi thúc nhu cầu chứng tỏ bản thân của bé khiến con thường xuyên có những cảm xúc chống đối lời ba mẹ. Mẹo nhỏ cho những tình huống như vậy là cho bé cảm thấy được sự tự hào và vui vẻ khi nhận được lời khen từ mọi người xung quanh.
Ba mẹ hãy thử yêu cầu bé thực hiện những việc làm đơn giản như cất đồ chơi. Sau khi bé hoàn thành nhiệm vụ hãy dành cho bé lời khen “con giỏi quá, con ngoan quá”. Điều này sẽ kích thích sự chứng tỏ bản thân của bé làm những việc tốt.
Giúp trẻ gọi tên cảm xúc
Khi trẻ lên 3, cảm xúc của con phát triển mạnh mẽ và bùng nổ nhanh chóng. Bé bắt đầu có biểu hiện bướng bỉnh, không nghe lời, ghen tức hoặc chống đối vì khả năng kiểm soát cảm xúc chưa tốt. Kết hợp với mong muốn được độc lập, thoát khỏi vòng tay ba mẹ có thể khiến trẻ có những dấu hiệu khủng hoảng.
Lúc này, ba mẹ cần lắng nghe con và diễn đạt giúp bé những điều con mong muốn cũng như gợi mở phương án mà còn đang cảm nhận nhưng chưa thốt lên thành lời được. Ví dụ như: “con buồn khi ba mẹ bế em đúng không?, con đang muốn chơi ô tô cùng với bạn phải không?,…
Khi thấy ba mẹ hiểu được cảm xúc của mình, con sẽ thấy tin tưởng và muốn giải bày cùng ba mẹ. Từ đó việc đối mặt với cơn khủng hoảng của bé sẽ không còn quá khó khăn nữa.
Áp dụng time-out
Time-out là hình thức phạt khá phổ biến mà không cần phải quát mắng trẻ. Khi bé đang tức giận, hãy để con đến một khu vực yên tĩnh trong nhà một mình, khoảng 10 – 15 phút. Đồng thời nói với bé rằng “mẹ chỉ cho phép con quay lại chơi nếu như thật sự bình tĩnh và không còn khóc nữa”.
Làm gương cho con
Trên thực tế sẽ có những lúc bé khiến bạn vô cùng tức giận, nhưng dù thế nào đi nữa, hãy cố gắng giữ bình tĩnh với con và dạy bé nghe lời bằng cách làm gương cho con. Ở giai đoạn này, bé thường quan sát và bắt chước mọi thức ba mẹ thực hiện hoặc nói. Do đó, ba mẹ hãy cố gắng trở thành một hình mẫu tốt đẹp để bé noi theo và học tập nhé.
Câu hỏi thường gặp khác
Khủng hoảng tuổi lên 3 có thực sự kinh khủng như ba mẹ nghĩ?
Song song với những cảm xúc tiêu cực, đây cũng là giai đoạn trẻ xuất hiện những phẩm chất như sự độc lập, ý chí, niềm tự hào về thành tích. Đây được xem là những dấu hiệu chắc chắn về sự phát triển đầy đủ và bình thường của trẻ trong giai đoạn này. Điều quan trọng là ba mẹ cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để đối diện với cuộc khủng hoảng của bé một cách nhẹ nhàng nhất.
Nếu không có sự hỗ trợ từ người lớn để các bé có hành trang vượt qua giai đoạn này, trẻ sẽ sống mãi trong sự khủng hoảng, dễ bị sang chấn, lệch lạc. Đây cũng là nguyên nhân bé dẫn đến tình trạng sống nội tâm, khép kín.
Khủng hoảng tuổi lên 3, bé không chịu ăn phải làm sao?
Mỗi bữa ăn, mẹ nên điều chỉnh khẩu phần ăn vừa sức với bé. Như vậy, khi kết thúc bữa ăn, bé sẽ cảm thấy bản thân hoàn thành bữa ăn một cách xuất sắc. Ngoài ra, tâm lý khi ăn cũng rất quan trọng. Thay vì dọa nát, quát mắng, mẹ hãy vui vẻ, nói bé nhẹ nhàng để tránh ảnh hưởng đến tâm lý của bé, khiến con sợ ăn.
Khủng hoảng tuổi lên 3, bé khóc đêm phải làm sao?
Đây là tình trạng rất phổ biến khi ban ngày bé nô đùa quá nhiều hoặc bị dọa nát, quát mắng. Điều này khiến bé mang những ám ảnh đó vào trong cả giấc ngủ. Để giúp bé có giấc ngủ ngon và sâu, ba mẹ nên dành thời gian tâm sự, kể chuyện, đọc sách cho con nghe trước khi ngủ.
Với những cách xử lý vừa mềm mại vừa kiên quyết của ba mẹ, khủng hoảng tuổi lên 3 chính là giai đoạn lý tưởng để giúp con tìm hiểu, khám phá bản thân cũng như học được cách kiểm soát cảm xúc. Từ đó biến giai đoạn khủng hoảng thành điều có lợi cho hành trình phát triển của bé. Một khi ba mẹ hiểu con, mọi thử thách đều có thể vượt qua!