Đặc tính của những trẻ tăng động giảm chú ý là thường mất tập trung, hay xao nhãng, khó kiểm soát được hành vi và cảm xúc. Đây sẽ là trở ngại lớn để trẻ học tập và có mối quan hệ bạn bè tốt. Vì vậy bố mẹ cần hiểu đúng về hội chứng này để có cách giải quyết phù hợp.
Trẻ tăng động giảm chú ý là gì?
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) mô tả những cá nhân gặp vấn đề trong việc tập trung, trẻ thường có khoảng thời gian chú ý ngắn. Hoặc tính cách bốc đồng, tăng động thái quá. Đây cũng là biểu hiện của 2 trong 3 dạng rối loạn tăng động giảm chú ý. Dạng cuối cùng có sự kết hợp triệu chứng của cả 2 nhóm trên, được gọi là hiếu động – bốc đồng và giảm chú ý.
ADHD xảy ra ở 5 – 8% trẻ em trong độ tuổi đi học và khoảng 2 – 4% người lớn. Trẻ ADHD thường gặp khó khăn khi ở nhà, ở trường hoặc với những trẻ khác. Ví dụ, trẻ ADHD có thể không hoàn thành nhiệm vụ, không tuân theo các quy tắc hoặc hòa đồng với bạn bè.
Nguyên nhân gây rối loạn tăng động giảm chú ý
Trong khi các nghiên cứu gần đây chưa thể xác định nguyên nhân chính xác gây nên ADHD, nhưng các nhà khoa học nghi ngờ rằng hội chứng rối loạn này có liên quan đến yếu tố gen di truyền. Các yếu tố rủi ro đang được điều tra bao gồm:
- Trẻ có những cú va đập gây tổn thương não hoặc mắc các bệnh lý liên quan đến chấn thương não
- Trong thời kỳ mang thai, người mẹ có sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia,… Khi sinh con ra, chúng có thể mắc chứng ADHD
- Cân nặng trẻ không đạt do sinh non
- Sống trong môi trường đất và nước có nhiễm chì
- Trẻ xem nhiều TV, dùng điện thoại quá sớm
- Khẩu phần ăn hàng ngày chứa nhiều đường và chất béo không tốt cho cơ thể
- Ăn những món chứa chất phụ gia hoặc chất bảo quản
Trẻ tăng động giảm chú ý có triệu chứng như thế nào?
Trẻ ADHD có biểu hiện theo 3 cách khác nhau:
Các triệu chứng chủ yếu của dạng không chú ý là
Trẻ mắc chứng ADHD không chú ý này (ADD) sẽ có những biểu hiện sau.
- Thường mắc những lỗi rất cơ bản khi làm toán hoặc viết chính tả. Nguyên nhân chủ yếu là trẻ thiếu chú ý vào những chi tiết
- Thường lơ đãng, mơ màng trong lớp học hoặc khi thực hiện nhiệm vụ nào đó
- Khi được trò chuyện trực tiếp, dường như trẻ đã không hề lắng nghe. Hoặc nghe được khoảng 50% cuộc hội thoại
- Khoảng thời gian chú ý của trẻ ngắn, dễ chán nản nên thường bỏ cuộc trước khi nhiệm vụ được hoàn thành
- Gặp khó khăn trong việc quản lý các nhiệm vụ tuần tự, giữ gìn dụng cụ học tập, sắp xếp công việc, quản lý thời gian và đáp ứng thời hạn
- Không tham gia hoặc miễn cưỡng tham gia vào các hoạt động đòi hỏi tính kiên trì và nỗ lực
- Thường mất những thứ cần thiết như tài liệu học tập, bút chì, sách, dụng cụ, chìa khóa,…
Các triệu chứng chủ yếu thuộc dạng tăng động – bốc đồng
Trẻ mắc ADHD bốc đồng – tăng động sẽ có những biểu hiện sau:
- Thường sờ soãng hoặc gõ bàn tay, bàn chân xuống ghế
- Thường tự động rời khỏi chỗ trong những tình huống trẻ buộc phải ngồi yên như trong lớp học
- Leo trèo, nhảy lên bàn, ghế ngay cả khi có sự nhắc nhở từ người lớn
- Thường không thể chơi hoặc tham gia các hoạt động vui chơi một cách lặng lẽ
- Thường di chuyển và hành động như thể “được điều khiển bởi một động cơ” trong thời gian kéo dài mà không có cảm giác mệt mỏi hay khó chịu: Chúng không thể đứng yên khi ở nhà hoặc nơi đông người
- Thường nói quá mức
- Thường thốt ra câu trả lời trước khi câu hỏi được hoàn thành
- Thường gặp khó khăn khi chờ đợi đến lượt mình. Ví dụ như xếp hàng chờ đợi, hoặc khi nói trong cuộc trò chuyện
- Sử dụng những món đồ của người khác mà không cần xin phép, làm gián đoạn các cuộc trò chuyện
- Dễ cáu gắt, khó kiềm chế cảm xúc. Thậm chí đôi lúc mẹ sẽ thấy những cơn “thịnh nộ” của trẻ đến bất ngờ
- Ngôn ngữ kém, khó khăn khi bộc lộ cảm xúc
Các triệu chứng kết hợp
Trẻ ADHD dạng giảm chú ý – tăng động, bốc đồng sẽ có sự kết hợp của cả 2 nhóm triệu chứng kể trên. Tuy nhiên, hiếm khí trẻ ADHD kết hợp giữa 2 dạng này.
??? 20 dấu hiệu trẻ tăng động bố mẹ chớ bỏ qua
Chẩn đoán trẻ tăng động giảm chú ý
- Trẻ em có thể được chẩn đoán mắc một trong ba loại rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) dựa trên những hành vi và ứng xử của trẻ khi ở nhà và tại trường
- Bác sĩ sẽ thu thập thông tin về tình trạng sức khỏe của những người trong gia đình
- Tuổi của trẻ: Các triệu chứng của trẻ phải bắt đầu trước 12 tuổi và không nhỏ hơn 5 tuổi. Bởi có rất nhiều lý do khác dẫn đến hành vi khó tập trung, bốc đồng ở trẻ nhỏ hơn
- Thời gian xuất hiện triệu chứng: Đứa trẻ phải có các triệu chứng ít nhất 6 tháng
- Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng: Các triệu chứng của trẻ phải nặng hơn những trẻ cùng tuổi. Ngoài ra, các triệu chứng phải ảnh hưởng nghiêm trọng đến 2 lĩnh vực trong cuộc sống của trẻ. Ví dụ như trường học và tại nhà
- Ngoài ra, bác sĩ sẽ có một cuộc phỏng với với bạn, những người chăm sóc chính khác của con bạn và trẻ
- Con cũng có thể được chỉ định tham gia các các bài kiểm tra: Kiểm tra phát triển, học tập, IQ, ngôn ngữ, lời nói, cử động, thị lực, thính giác và sức khỏe tổng thể
Biện pháp đối phó tăng động giảm chú ý ở trẻ
Có nhiều phương pháp cải thiện hành vi tăng động giảm chú ý ở trẻ. Bao gồm:
Liệu pháp hành vi
- Phân luồng năng lượng: Tìm cách giải tỏa năng lượng và xoa dịu tâm trí của trẻ. Trẻ em vốn hiếu động thích vui chơi ngoài trời nhiều. Vì vậy, bố mẹ hãy cùng bé tham gia nhiều hơn các hoạt động ngoài trời như chạy bộ, cầu lông, đi xe đạp,… để giúp trẻ sử dụng hết năng lượng và bình tâm
- Giảm thiếu phiền nhiễu: Các nhiệm vụ như bài tập về nhà đòi hỏi sự tập trung nên cần được thực hiện trong phòng hoặc không gian ít bị phân tâm. Hãy để con bạn di chuyển xung quanh nhưng đừng để chúng bị phân tâm, mất tập trung. Đặc biệt, đừng để con bạn cảm thấy rằng mình đang bị trừng phạt. Hãy kiên nhẫn giải thích cho trẻ hiểu tầm quan trọng của việc tập trung vào nhiệm vụ trước mắt
- Chia nhỏ nhiệm vụ: Trẻ tăng động giảm chú ý có khoảng thời gian tập trung rất ngắn. Vì vậy, với những nhiệm vụ lớn, đòi hỏi mất nhiều thời gian để hoàn thành, bố mẹ hãy cố gắng chia nhỏ từng bước. Đồng thời hướng dẫn bé để chúng thực hiện dễ dàng. Sau khi trẻ hoàn thành nhiệm vụ, đừng quên dành những lời động viên, khen ngợi để chúng thấy rằng “mình thật cừ, và có thể làm được nếu tập trung 100%”
- Xác định điểm mạnh, điểm yếu: Đôi khi trẻ thiếu tập trung chú ý vào nhiệm vụ trước mắt chỉ là do cảm thấy điều mình đang làm thật tẻ nhạt và không có sự hứng thú. Là bố mẹ, bạn hãy hiểu hơn về trẻ, biết được điểm mạnh, điểm yếu và sở thích của con. Từ đó có cách giáo dục phù hợp hơn với trẻ
- Tránh mệt mỏi: Những đứa trẻ tăng động giảm chú ý đôi khi gặp khó khăn trong việc truyền đạt những gì chúng cảm thấy và cần. Do đó, với tư cách là cha mẹ, chúng ta có nhiệm vụ theo dõi những gì con mình đang làm. Và cố gắng giúp trẻ tìm ra những điều đó. Đảm bảo rằng bạn không để trẻ quá mệt vì khi bị kiệt sức, bạn sẽ khó kiểm soát hơn. Đặt ra một số quy tắc cơ bản như cố định thời gian chơi, thời gian ngủ trưa,… để tránh làm ảnh hưởng đến việc học
- Cho cơ hội thứ 2: Không sao nếu con bạn bị điểm kém , không sao cả nếu con bạn không thể đạt được nhiều điểm như bạn mong đợi. Những đứa trẻ hiếu động rất khó tập trung. Công việc của cha mẹ là hiểu và giúp bọn trẻ hoạt động tốt hơn. Tuyệt đối không được la mắng hay có những lợi nói tiêu cực tới trẻ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của chúng
Chế độ ăn uống và dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng cũng là một phần trong phác đồ điều trị tăng động giảm chú ý ở trẻ nhỏ. Dưới đây là những thực phẩm nên và không nên bổ sung trong khẩu phần ăn của trẻ:
- Carbohydrate phức tạp: Cung cấp năng lượng cho cơ thể và não bộ. Thực phẩm thuộc nhóm chất này có thể kể đến như khoai lang, khoai tây, gạo lứt, đậu xanh, đậu đen, bí đỏ, yến mạch,…
- Acid béo Omega 3: “Vitamin” của bộ não và mắt, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển nhận thức, trí thông minh của trẻ nhỏ. Đồng thời, nó còn giúp cải thiện tinh thần, cho bé có giấc ngủ ngon để có năng lượng tốt dành cho việc học tập. Thực phẩm giàu acid béo Omega 3 điển hình là các loại béo. Ngoài ra, mẹ có thể bổ sung cho bé thêm nguồn Omega 3 thực vật từ hạnh nhân, quá óc chó, hạt lanh,…
- Phospholipid: Hoạt chất này có trong màng tế bào não, nó giữ vai trò “truyền tin” tới các tế bào, giúp hệ thần kinh hoạt động hiệu quả hơn. Đậu phộng, lòng đỏ trứng, dầu thực vật, sữa,… là những thực phẩm rất giàu Phospholipid
- Vitamin và khoáng chất: Đây là những dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ nhỏ, bao gồm cả trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý. Những gợi ý về dinh dưỡng cho trẻ là thịt bò, thịt gà, đậu, rau bina, gan, trái cây khô, ngũ cốc nguyên hạt, trứng,…
??? Bệnh tăng động có chữa khỏi không? Điều trị bằng cách nào?
Trên đây là một số thông tin xoay quanh trẻ tăng động giảm chú ý. Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp bố mẹ hiểu về chứng bệnh của con hơn. Qua đó thông cảm và có những cách cư xử hợp lý, không làm tổn thương đến trẻ.