Hệ tiêu hóa của bé còn non yếu nên rất nhạy cảm với sự thay đổi. Trường hợp bé đổi sữa bị tiêu chảy cũng vậy! Đây là cách hệ tiêu hóa của bé đang làm quen với loại sữa mới. Tuy nhiên, điều này có thể kéo theo nhiều triệu chứng phiền toái khiến bé khó chịu. Vậy trẻ đổi sữa bị tiêu chảy phải làm sao? Cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!
- Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì, kiêng gì cho bệnh mau khỏi?
- Phân sống ở trẻ sơ sinh và những biện pháp mẹ cần biết
Dấu hiệu bé đổi sữa bị đi ngoài
Sữa là thực phẩm giàu dinh dưỡng, rất tốt cho sự phát triển của bé. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đôi khi sữa chính là “thủ phạm” gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Với trường hợp bé đổi sữa, tính chất phân thay đổi là điều bình thường.
Thói quen đi ngoài ở các bé không giống nhau. Vì vậy, chẩn đoán tiêu chảy không chỉ xác định dựa trên độ đặc của phân mà điều quan trọng là tần suất đi ngoài của bé có tăng đột ngột không? Vậy nên mẹ đừng vội kết luận bé đổi sữa bị đi ngoài và thử luôn các loại sữa bột mới ngay lập tức nhé. Bởi điều này có thể dẫn tới các rối loạn tiêu hóa khác.
Dưới đây là một số dấu hiệu bé mới đổi sữa bị tiêu chảy mà mẹ có thể nhận biết:
- Trẻ đang đi ngoài bình thường nhưng trong tuần đầu đổi sữa thì bị tiêu chảy: tần suất đi ngoài tăng mạnh, phân lỏng. Tình trạng này kéo dài đến 1 tuần hoặc lâu hơn
- Trong phân có dính máu
- Buồn nôn, nôn: Đây là hiện tượng thường gặp ở trẻ sau ăn. Nhưng nếu trẻ nôn trớ cả ngoài giờ ăn, cha mẹ nên đưa đi thăm khám để xác định bé dị ứng với thành phần sữa hay đang có vấn đề liên quan đến bệnh lý đường tiêu hóa
- Trẻ bị dị ứng da: Nổi mẩn đỏ, phát ban, mề đay, ngứa hoặc sưng phù quanh vùng mặt
- Trẻ gặp vấn đề hô hấp: ho, có đờm, khó thở. Đây có thể là phản ứng dị ứng với protein trong sữa
- Trẻ quấy khóc, cáu gắt: Đây có thể là biểu hiện cho thấy bé đang bị đau bụng do dị ứng với thành phần protein trong sữa
Nguyên nhân trẻ đổi sữa bị tiêu chảy
Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời là phương pháp nuôi con tối ưu được nhiều chuyên gia khuyến cáo. Nếu được thì duy trì cho con bú đến năm 2 tuổi là tốt nhất. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, rất hiếm mẹ có thể nuôi con theo phương pháp này. Do đó, các mẹ thường tìm đến sữa công thức để bổ sung dinh dưỡng cho con.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại sữa cho bé. Đau đầu trong việc lựa chọn sữa, nhưng bé cứ uống vào là lại tiêu chảy. Trước khi trả lời “trẻ đổi sữa bị tiêu chảy phải làm sao?”, hãy cùng Fitobimbi tìm hiểu một số nguyên nhân gây ra tình trạng này nhé!
Dị ứng với sữa
Ít ai biết rằng sữa cũng có thể gây dị ứng, đặc biệt trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Trong sữa và các chế phẩm từ sữa có nhiều Casein hay Whey protein,… bị cơ thể nhầm tưởng là các dị nguyên lạ.
Vì vậy, khi dung nạp, cơ thể sẽ sinh ra phản ứng miễn dịch. Khi bị dị ứng với sữa, triệu chứng đầu tiên ba mẹ thấy ở bé là mẩn đỏ khắp người, kèm tiêu chảy, nôn trớ. Trường hợp dị ứng nặng có thể khiến trẻ bị khó thở, tụt huyết áp, thậm chí là đe dọa tới tính mạng.
Trẻ không dung nạp lactose trong sữa
Theo thống kê, có tới ¾ trẻ đổi sữa bị tiêu chảy. Nguyên nhân phần lớn là do trẻ không dung nạp lactose trong sữa. Lactose là một loại đường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa bò. Lactose khi dung nạp sẽ chuyển hóa thành đường glucose, có khả năng làm mềm phân, tốt cho hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của trẻ.
Bất dung nạp lactose là tình trạng trẻ không có khả năng tiêu hóa và hấp thụ đường lactose. Sự dư thừa đường lactose có thể bị chuyển hóa thành acid lactic, gây nên những triệu chứng như sôi bụng, chướng bụng, tiêu chảy, hăm đỏ hậu môn, đi phân chua,…
Bảo quản và quá trình pha sữa không đảm bảo vệ sinh
Trong quá trình bảo quản sữa mẹ quên không đậy nắp hoặc đậy nắp không kín có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập và gây ra tình trạng tiêu chảy.
Ngoài ra, với quá trình pha sữa cho bé cũng cần phải có những nguyên tắc cơ bản để đảm bảo an toàn vệ sinh. Ba mẹ nên rửa tay sạch sẽ trước khi pha sữa. Các dụng cụ pha sữa như bình, muỗng, núm ti,… cần tráng bằng nước ấm. Sau khi bé uống xong thì nên rửa thật sạch bình, sấy khô và để nơi khô thoáng. Nếu không đảm bảo điều này, bé có thể bị tiêu chảy.
Nguyên nhân khác
- Trẻ không hợp với loại sữa đang dùng
- Loại sữa bé dùng sai độ tuổi nên bé khó hấp thu
- Trẻ uống quá nhiều sữa trong ngày khiến hệ tiêu hóa hình thành phản ứng đào thải và gây tiêu chảy
- Trẻ đang sử dụng kháng sinh gây mất cân bằng đường ruột
Trẻ đổi sữa bị tiêu chảy phải làm sao?
Trẻ đổi sữa bị đi ngoài là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, nếu kéo dài quá 1 tuần không thuyên giảm thì cha mẹ cần khắc phục ngay. Dưới đây là một số biện pháp cải thiện tình trạng đi ngoài do thay đổi sữa. Cùng tham khảo nhé!
Đổi sữa từ từ để bé kịp thích nghi
Nhiều mẹ đang cho bé ăn sữa cũ bình thường, nhưng muốn đổi sang sữa mới, có thể vì muốn trẻ tăng cân, phát triển chiều cao hay tiết kiệm chi phí,… Song, bé chưa kịp thích nghi và bị tiêu chảy thì đừng vội đổi sữa mới ngay. Thay vào đó, bạn nên cho bé sử dụng đồng thời sữa mới và sữa cũ để con thích nghi dễ dàng hơn nhé.
Bạn bắt đầu cho bé làm quen bằng việc pha sữa với ¼ sữa mới và ¾ sữa cũ. Sau đó là ½ sữa mới, ½ sữa cũ. Tiếp tục ¾ sữa mới và ¼ sữa cũ. Bạn tăng tỷ lệ này 2 ngày 1 lần. Sau khoảng 1 tuần, khi bé đã làm quen với sữa mới thì mẹ không cần dùng đồng thời 2 loại sữa nữa.
Trong lần đổi sữa sau, bạn nên áp dụng cách này để tránh tình trạng tiêu chảy nhé!
Kiểm tra lại quy trình pha sữa và bảo quản sữa
Trẻ đổi sữa bị tiêu chảy phải làm sao? Đôi khi mẹ gặp sai sót trong quá trình bảo quản, pha sữa khiến bé có nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Do đó, bạn cần kiểm tra lại từng khâu: rửa tay trước khi pha sữa, vệ sinh sạch sẽ dụng cụ pha sữa, đậy kín nắp hộp sữa, bảo quản nơi khô ráo,…
Không nên đổi sữa thường xuyên
Hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu nên cần thời gian thích nghi với loại sữa mới. Việc thay đổi sữa đột ngột và thường xuyên sẽ khiến con bị rối loạn tiêu hóa, gây ra các vấn đề như tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu, quấy khóc. Vì vậy ở giai đoạn đầu mẹ nên hạn chế đổi sữa trong trường hợp không cần thiết. Nếu có chỉ định đổi sữa của bác sĩ việc thực hiện nên được tiến hành từ từ.
Lựa chọn loại sữa thủy phân
Nếu bé bị tiêu chảy do dị ứng với sữa bò, cách tốt nhất để cách khắc là lựa chọn sữa thủy phân. Thành phần protein trong sữa thủy phân đã bị phá vỡ nên dễ tiêu hóa và ít gây dị ứng hơn. Bên cạnh đó, nếu bé đang bú mẹ, bạn nên loại bỏ khỏi chế độ ăn uống các loại sữa bò và sản phẩm từ sữa bò. Vì protein sữa này có thể truyền sang bé thông qua sữa mẹ.
Sử dụng sữa Free Lactose
Trẻ đổi sữa bị tiêu chảy phải làm sao khi không dung nạp lactose? Với trường hợp này, mẹ mẹ có thể thay thế bằng sữa free lactose cho đến khi trẻ ngừng tiêu chảy hẳn. Sau 1 – 2 tuần khi đường ruột bé phục hồi, men lactase được sản xuất đầy đủ để tiêu hóa lactose thì bạn có thể cho bé ăn theo chế độ trước đó.
Bổ sung men vi sinh
Là việc các mẹ thường làm khi con tiêu chảy, nhất là trong các trường hợp dùng sữa công thức mới. Men vi sinh cung cấp lợi khuẩn có thể làm giảm các triệu chứng tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi ở trẻ.
Từ đó, giúp hệ vi sinh đường ruột cân bằng, quá trình tiêu hóa tốt hơn để bé có thể hấp thu hiệu quả dinh dưỡng.
Dinh dưỡng khi trẻ đổi sữa bị tiêu chảy
Khi trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày của bé:
- Ưu tiên cho bé ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu như bột, cháo. Đồng thời chia nhỏ phần ăn trong ngày thành nhiều bữa
- Ngoài ra, nếu đang cho con bú, mẹ nên cố gắng bồi bổ cơ thể, làm các biện pháp giúp tăng tiết sữa để có nhiều sữa cho bé bú nhé!
Trên đây là giải đáp “trẻ đổi sữa bị tiêu chảy phải làm sao?”. Hãy theo sát tình trạng của con và lựa chọn cách khắc phục phù hợp nhé!