Trẻ 4 tháng tuổi đã bế ngồi được chưa? Bạn có đang băn khoăn về điều này? Hãy cùng Fitobimbi tìm ra câu trả lời và khám phá các cách bế trẻ 4 tháng tuổi an toàn mẹ nhé!
Trẻ 4 tháng tuổi đã bế ngồi được chưa?
Những người mới lần đầu làm mẹ có hàng trăm nỗi lo và không ít người trong số họ băn khoăn không rõ liệu trẻ 4 tháng tuổi đã bế ngồi được chưa, liệu tư thế bế này có ảnh hưởng tới cột sống của con hay không.
Trong một bài đăng trên Facebook liên quan đến vấn đề này, nhiều mẹ chia sẻ rằng việc bế trẻ 4 tháng với tư thế ngồi là an toàn và không có gì đáng ngại. Mẹ Lan Anh chia sẻ: “Con mình mới 3 tháng mà đã bế ngồi rồi đây! Vì thấy bé cứng cáp hơn cô chị, ngày xưa thì cô chị 5 tháng mới bề ngồi được”. Mẹ Huyền Phương cũng đồng tình với điều này: “Bé nhà mình bế ngồi từ lúc lẫy 3 tháng cơ, giờ 4 tháng bế ngửa là không chịu nữa rồi, cho nằm võng là rướn người lên ngồi. Mình chắc không sao đâu.”
Nhìn chung, bế trẻ 4 tháng với tư thế ngồi được coi là an toàn, không ảnh hưởng gì tới con. Tư thế này luôn nằm trong danh sách những tư thế bế trẻ em an toàn nhất cả ở Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, mẹ không nên bế ngồi khi con còn quá nhỏ, các chuyên gia khuyến nghị rằng tư thế này nên được thực hiện khi cơ cổ của bé đã phát triển, thường là sau tháng thứ 3.
Thực tế, rất nhiều em bé thích được bế theo cách này. Vì khi ngồi trong lòng mẹ, hướng mặt ra ngoài, con có thể quan sát thế giới xung quanh ở một góc nhìn mới mẻ, với tầm nhìn cao và rộng hơn.
Cần lưu ý gì khi bế trẻ 4 tháng tuổi với tư thế ngồi?
Khi áp dụng tư thế bế ngồi với trẻ 4 tháng tuổi, mẹ cần lưu ý 2 điều sau:
Để bé dựa vào người
Khi được 4 tháng, trẻ thường có thể giữ cố định đầu mà không cần hỗ trợ. Tuy nhiên, bác sĩ nhi khoa Kurt Heyrman khuyên rằng, mẹ không nên cho con tự ngồi thẳng quá sớm. Nhưng trẻ có thể ngồi dậy với sự hỗ trợ của mẹ.
Điều này có nghĩa là, khi bế con theo tư thế “xin chào thế giới”, mẹ nên áp dụng đúng kỹ thuật: để đầu và lưng của con dựa vào người mẹ.
Không bế trẻ quá lâu trong tư thế ngồi
Mặc dù cơ thể con đã cứng cáp hơn so với trước đó, tuy nhiên, cột sống của con vẫn đang phát triển. Vì vậy, mẹ cần chú ý, tránh bế con trong tư thế ngồi quá lâu. Ngồi lâu sẽ khiến bé bị mỏi và cũng không tốt cho cơ, xương còn yếu của con.
Gợi ý các cách bế trẻ 4 tháng tuổi an toàn
Ngoài tư thế bế ngồi, mẹ có thể bế bé yêu của mình với các tư thế sau:
Tư thế giữ vai
- Đặt cơ thể của con song song với cơ thể bạn, nâng bé lên ngang vai
- Để bé tựa đầu vào vai bạn để con có thể nhìn ra phía sau
- Đỡ đầu và cổ bé bằng một tay và đỡ mông bằng tay còn lại
Tư thế ôm nôi
Với tư thế này, mẹ cần:
- Ôm bé bằng cả 2 tay với một tay đỡ mông và tay còn lại ôm dọc cơ thể con. Hãy để cả đầu và cổ con dựa vào chỗ gập khuỷu tay mẹ
- Khi bế con với tư thế này, đầu con sẽ ngửa lên, áp sát vào cánh tay và ngực mẹ. Mông con nằm sát bụng mẹ. Đầu, cổ và mông con cần nằm trên một đường thẳng
Tư thế nằm sấp
- Hãy đặt con nằm sấp trên một trong hai cánh tay của bạn, má áp vào cánh tay, đầu hướng ra phía ngoài
- Bàn tay mẹ sẽ giữ vững phần thân dưới của con
- Khi bế con bằng cách này, tay còn lại của mẹ nên đặt trên lưng trẻ để đảm bảo an toàn
Tư thế mặt đối mặt
- Với tư thế này, phần chân của bé sẽ được đặt ngay dưới ngực mẹ. Cơ thế con và cơ thế mẹ sẽ tạo thành một góc 45 độ để con có thể nhìn thấy mặt mẹ
- Mẹ cần đỡ đầu và cổ con bằng một tay. Tay còn lại đỡ mông con
Tư thế ôm cho ăn
Tư thế này thích hợp khi mẹ cần cho bé ăn. Cách bế con cụ thể như sau:
- Mẹ ôm con vào lòng, 2 tay tạo thành vòng cung chắc chắn
- Mẹ cho con bú bên nào thì tay bên đấy sẽ gập lại và ôm cả phần cổ và đầu con. Cổ, đầu con sẽ nằm trên phần khuỷu tay
- Tay còn lại mẹ ôm mông con
Tư thế nằm trong lòng mẹ
Tư thế này được áp dụng khi mẹ đang ngồi. Theo đó, mẹ cần:
- Đặt chân vuông góc với mặt đất một cách chắc chắn
- Đặt con nằm trên đùi, đầu ngửa nằm gần đầu gối, phần chân hướng về bụng mẹ
- Hai tay mẹ đặt hai bên cơ thể con, bàn tay đặt dưới đầu con một cách nhẹ nhàng
Bí quyết bế trẻ 4 tháng tuổi đúng cách
Khi bế con, mẹ cần chú ý đến tâm trạng của trẻ. Nếu con khóc hoặc cáu kỉnh, điều đó cho thấy con cảm thấy không thoải mái với tư thế hiện tại, mẹ cần thay đổi một tư thế bế khác. Ngoài ra, mẹ cũng cần lưu ý những điều sau khi bé con.
- Mẹ cần đảm bảo an toàn cho con, đặc biệt chú ý vào phần đầu và cổ bé. Tuy nhiên, đừng quá cứng nhắc, hãy để đầu bé tự do để bé cảm thấy thoải mái và có thể xoay người, cũng như quan sát thế giới xung quanh
- Nếu cảm thấy lo lắng khi bế con, bạn nên chọn các tư thế mà bạn có thể ngồi
- Không bế bé khi cần làm các việc khác như nấu ăn, quét nhà,…
- Luôn giữ đầu con cao hơn ngực để tránh nguy cơ con bị sặc hoặc nôn ra
- Mẹ cần rửa sạch tay trước khi bế con, giúp ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn, virus
- Nếu cần mẹ có thể sử dụng các phụ kiện hỗ trợ khi bế con
Trẻ 4 tháng tuổi đã bế ngồi được chưa? Mẹ có thể bế trẻ với tư thế ngồi khi con được 4 tháng tuổi. Nhưng mẹ cần lưu ý rằng khi bế con, hãy để con tựa đầu và lưng vào người mình; đồng thời, không để con ngồi quá lâu vì con có thể bị mỏi và ngồi lâu cũng có thể ảnh hưởng tới cột sống đang phát triển.