Chảy nước dãi là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh trong giai đoạn phát triển. Điều này trở nên đặc biệt rõ ràng ở trẻ 3 – 6 tháng tuổi. Nhìn chung, trẻ sơ sinh chảy nước miếng thường không phải là tình trạng quá đáng lo.
Tình trạng trẻ sơ sinh chảy nước miếng có phổ biến không?
Trẻ sơ sinh chảy nước miếng là tình trạng phổ biến. Do khi còn nhỏ, trẻ không thể hoàn toàn kiểm soát được chức năng nuốt và cơ miệng. Vấn đề này có thể kéo dài trong 2 năm đầu đời.
Tình trạng chảy nhiều nước miếng được coi là bình thường ở trẻ sơ sinh, nhưng nó sẽ được coi là bất thường với trẻ trên 4 tuổi.
Tình trạng chảy nước miếng của trẻ sơ sinh ở từng giai đoạn
Trẻ có thể chảy nước miếng từ ít đến nhiều, thậm chí rất nhiều ở từng giai đoạn khác nhau trong cuộc đời.
- 1 – 3 tháng tuổi: Rất hiếm trẻ em chảy nước dãi trong giai đoạn 1 – 3 tháng tuổi, vì lúc này, em bé luôn nằm ở tư thế ngửa mặt lên trên.
- Sau 3 tháng tuổi: Lúc này, bé đã biết xoay trở mình (nằm nghiêng, nằm úp), nên tình trạng chảy nước miếng xuất hiện nhiều hơn.
- 6 tháng tuổi: Tình trạng chảy nước miếng đã được kiểm soát hơn, nhưng vẫn sẽ tiếp diễn. Khi bắt đầu mọc răng, trẻ sẽ chảy nước miếng nhiều hơn.
- 9 tháng: Ở giai đoạn này, trẻ vẫn đang mọc răng nên tình trạng chảy nước miếng sẽ vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.
- 15 tháng: Trong thời gian này, hầu hết trẻ đã bắt đầu biết đi và chạy; đồng thời chúng cũng có thể không chảy nước miếng nữa. Tuy nhiên, nếu con đam mê các hoạt động đòi hỏi sự tập trung, con có thể chảy nước miếng.
- 18 tháng: Trẻ có thể không chảy nước miếng khi chơi đùa bình thường, nhưng có thể chảy nước miếng khi được cho ăn hoặc đang mặc quần áo.
- 24 tháng: Vào thời điểm này, trẻ hiếm khi chảy nước miếng.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh chảy nước miếng
Có nhiều nguyên nhân có thể khiến trẻ chảy nước miếng. Các nguyên nhân này được chia thành 2 nhóm: nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý.
Nguyên nhân sinh lý
Mọc răng
Những chiếc răng bắt đầu nhú ra khỏi nướu có thể khiến trẻ cảm thấy đặc biệt khó chịu, kích thích tiết nước bọt nhiều hơn. Trong giai đoạn này, con thường có các biểu hiện như cắn, mút tay, khó chịu, bồn chồn, sốt. Đặc biệt, trẻ đang mọc răng thường muốn nhai tất cả mọi thứ đang cầm nắm trên tay.
Tư thế mở miệng
Việc há miệng trong một thời gian dài khiến trẻ sẽ không thể nuốt được nước bọt thường xuyên. Khi lượng nước bọt tích tục trong miệng quá nhiều, nó sẽ tràn ra ngoài gây ra tình trạng chảy nước miếng.
Trẻ quá tập trung
Khi trẻ tập trung vào một điều gì đó, lượng nước bọt tiết ra có thể tăng gấp 6 lần. Cùng với đó, trẻ cũng không chú ý vào việc nuốt nước bọt, kết quả là trẻ bị chảy nước miếng.
Thức ăn kích thích
Việc được nếm các loại thức ăn chua hoặc cay có thể kích thích tuyến nước bọt hoạt động mạnh hơn. Do đó, nếu được ăn thức ăn cay hoặc các loại trái cây như cam, chanh, quýt,… con có thể chảy nhiều nước miếng hơn.
Chống trào ngược
Trẻ sơ sinh dễ bị trào ngược axit, gây ra tình trạng nôn trớ. Lý do là bởi thực quản của các bé chưa hoàn thiện nên có thể đóng mở bất cứ lúc nào. Trong trường hợp này, việc chảy nước dãi giúp làm dịu thực quản bị kích thích, làm giảm cảm giác nóng rát ở cổ họng bé.
Nguyên nhân bệnh lý
Rối loạn thần kinh
Nhiều chứng rối loạn thần kinh như bại não, liệt thần kinh mặt có thể gây ra tình trạng chảy nước miếng quá mức. Các bệnh này ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát cơ bắp, gây khó nuốt, đọng nước bọt trong miệng, vị trí môi bất thường,… Tất cả những vấn đề này đều có thể dẫn đến hiện tượng chảy nước dãi.
Viêm miệng
Trẻ bị viêm nhiễm do vi khuẩn herpes gây ra có thể bị nổi phồng rộp quanh miệng, khiến nước dãi chảy ra nhiều hơn. Tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn trong những ngày hè nóng bức.
Bệnh tay chân miệng
Khi mắc bệnh tay chân miệng, trên cơ thể trẻ sẽ xuất hiện nhiều vết phồng rộp ở tay, chân và miệng. Những vết phồng rộp có thể mọc ở hạch và cổ khiến bé khó nuốt, gây ra tình trạng chảy nước dãi nhiều hơn.
Tự kỷ
Bên cạnh tình trạng chậm phát triển, trẻ tự kỷ cũng khó kiểm soát cơ bắp, bao gồm cơ mặt. Do đó, tình trạng chảy nước dãi là một biểu hiện khá phổ biến.
Tổn thương thực quản
Thắt thực quản hoặc có dị vật trong thực quản có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn thực quản, khiến trẻ chảy nhiều nước miếng.
Tại sao trẻ ngủ hay chảy nước miếng?
Không chỉ trẻ em, người lớn cũng có thể chảy nước miếng khi đang ngủ. Lý do là bởi, khi ngủ, các cơ trên khuôn mặt được thư giãn và chúng ta có thể quên mất việc phải nuốt nước bọt. Nước bọt không được nuốt sẽ tích tụ trong miệng. Nếu bạn nằm nghiêng, nó sẽ rất dễ chảy ra ngoài. Nhìn chung, tình trạng ngủ chảy nước miếng thường cho biết trẻ đang có một giấc ngủ ngon.
Mặc dù vậy, mọc răng, rối loạn thần kinh, viêm miệng,… cũng có thể dẫn đến tình trạng chảy nhiều nước miếng trong lúc ngủ.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh chảy nhiều nước miếng?
Khi trẻ sơ sinh chảy nước miếng cha mẹ nên thực hiện những biện pháp hỗ trợ sau:
Đưa con đến gặp bác sĩ nếu con có các biểu hiện bất thường
Nếu trẻ khỏe mạnh, thì cha mẹ không cần quá lo lắng về tình trạng con chảy nước miếng. Tuy nhiên, trong trường hợp con chảy nhiều nước miếng kèm theo những biểu hiện sau, cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ:
- Chảy nước miếng đột ngột: Trẻ đột ngột chảy nhiều nước miếng có thể do có dị vật mắc kẹt trong cổ họng. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm, có thể gây ngạt thở.
- Sốt từ 38 độ C trở lên: Sốt là biểu hiện của nhiều bệnh lý cần được điều trị bằng thuốc.
- Quấy khóc quá mức; không thể ăn, ngủ bình thường: Tình trạng này kéo dài có thể khiến trẻ bị kiệt sức, suy yếu. Ngoài ra, nó cũng là biểu hiện cho thấy cơ thể trẻ đang không khỏe.
- Miệng và cổ họng của bé xuất hiện các vết đỏ: Dấu hiệu của viêm họng/viêm amidan/… do virus hoặc vi khuẩn gây ra.
- Trẻ hơn 4 tuổi chảy nước dãi: Đây là một tình trạng bất thường cần được chẩn đoán bởi các chuyên gia y tế.
Nếu trẻ bị chảy nước miếng do các nguyên nhân bệnh lý, bác sĩ có thể đưa ra một số phương pháp giúp kiểm soát tình trạng như:
- Kê đơn thuốc điều trị trong trường hợp trẻ tiết nhiều nước bọt do bị viêm miệng, chân tay miệng,…
- Kê đơn thuốc giúp giảm tiết nước bọt
- Giúp trẻ học cách kiểm soát cơ mặt
- Áp dụng liệu pháp vận động để tăng cường sức mạnh cho hàm, má, môi
- Giúp trẻ tập tư thế khép môi
Cho trẻ dùng áo yếm
Khi trẻ chảy nhiều nước dãi, cha mẹ nên cho con đeo yếm để tránh nước miếng chảy xuống cổ, gây viêm da. Cha mẹ nên chọn cho con loại yếm làm từ bông để tăng khả năng thấm hút. Và đừng quên thường xuyên thay mới, giặt yếm của con bằng các dung dịch giặt tẩy chuyên dùng cho trẻ em.
Chăm sóc vùng da quanh miệng
Khi trẻ chảy nhiều nước miếng, vùng da quanh miệng bao gồm cằm, gò má sẽ dễ bị viêm nhiễm. Để trẻ không cảm thấy khó chịu do đau, ngứa, cha mẹ nên lấy khăn sạch hoặc gạc để lau nhẹ nhàng. Da trẻ cũng rất non nớt nên dễ bị tổn thương bởi các yếu tố bên ngoài, vì vậy cha mẹ nên thường xuyên bôi kem dưỡng ẩm cho con.
Giữ môi trường sạch sẽ
Cha mẹ nên vệ sinh môi trường sống, giặt chăn gối của con và khử trùng các vật dụng trong nhà thường xuyên. Điều này giúp loại bỏ vi khuẩn gây hại trong môi trường, giảm nguy cơ con bị các bệnh như viêm miệng, viêm chân tay miệng – nguyên nhân khiến trẻ chảy nhiều nước dãi.
Cho trẻ dùng đồ chơi gặm nướu
Nếu con chủ yếu chảy nước dãi khi mọc răng, cha mẹ hãy thử cho con chơi đồ chơi gặm nướu. Loại đồ chơi này giúp giảm đau nướu và giảm tiết nước bọt dư thừa do nướu bị kích thích. Khi cho con chơi các loại đồ chơi này, cha mẹ đừng quên vệ sinh chúng thật sạch sẽ.
Thay đổi tư thế ngủ
Nếu con có xu hướng chảy nước miếng khi đang ngủ, cha mẹ hãy khuyến khích con thay đổi tư thế ngủ. Nằm ngửa khi ngủ sẽ hữu ích vì trọng lực giúp ngăn nước bọt chảy ra khỏi miệng.
Trẻ sơ sinh chảy nước miếng thường không phải là vấn đề đáng lo. Tuy nhiên, nếu trẻ vẫn tiếp tục chảy nước miếng khi được hơn 4 tuổi, hoặc chảy nước miếng kèm theo các biểu hiện bất thường khác (sốt, mệt mỏi quá mức, vết đỏ ở miệng,…), cha mẹ nên đưa con đến gặp các bác sĩ để được thăm khám và có phương án điều trị phù hợp.