Nội dung chính

Vàng da bệnh lý: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Vàng da bệnh lý là thể bệnh nặng, không thể coi thường.  Nếu không được chữa trị có thể gây ra biến chứng nguy hiểm. Vậy vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau.

Vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh là gì?

Bệnh lý vàng da ở trẻ sơ sinh không phải hiện tượng hiếm gặp. Bệnh sẽ khởi phát khi bị ứ đọng bilirubin gián tiếp hoặc bilirubin trực tiếp. Ở trẻ sơ sinh, tế bào hồng cầu luôn được tạo mới và phá hủy. Khi hồng cầu bị vỡ sẽ giải phóng ra hemoglobin từ đó chuyển hóa tạo thành bilirubin – sắc tố màu vàng.

Lượng Bilirubin này sau đó sẽ được chuyển hóa tại gan, đào thải ra ngoài qua phân và nước tiểu. Tuy nhiên do gan của bé làm việc chưa được hiệu quả nên bilirubin có thể tăng cao, ứ đọng tại máu và gây vàng da ở trẻ sơ sinh.

Hầu hết trường trẻ bị vàng da sinh lý đều sẽ tự hết mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên với những trường hợp trẻ bị vàng da bệnh lý sẽ có tác động nghiêm trọng đến với sức khỏe con. Vậy vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh là gì? Theo các chuyên gia, tình trạng vàng da bệnh lý thường kèm những bất thường sau:

Trẻ sơ sinh bị vàng da do bệnh lý
Trẻ sơ sinh bị vàng da do bệnh lý
  • Vàng da xuất hiện sớm, trước 48h sau sinh
  • Bé bị vàng da toàn thân, cả lòng bàn tay, bàn chân
  • Vàng da kèm theo các hiện tượng bú ít, co giật, sốt, phân bạc màu

bệnh lý vàng da ở trẻ sơ sinh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm. Do vậy mẹ cần trang bị kiến thức cơ bản để sớm nhận biết được tình trạng này.

Dấu hiệu nhận biết vàng da bệnh lý

Khác với vàng da sinh lý, vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh thường được nhận biết dựa vào các dấu hiệu sau:

  • Tình trạng vàng da xuất hiện sớm, trước 24-36h
  • Mức độ vàng da đậm, bị vàng toàn thân bao gồm lòng bàn tay, bàn chân, kết mạc mắt
  • Tốc độ vàng da tăng nhanh
  • Vàng da kéo dài và không tự hết trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần với trẻ thiếu tháng

Ngoài ra mẹ còn nhận thấy một số dấu hiệu bất thường của con như:

  • Nôn
  • Bú kém
  • Chướng bụng
  • Ngưng thở
  • Nhịp tim chậm
  • Thân nhiệt thấp
  • Sụt cân
  • Da xanh
  • Ban xuất huyết
  • Bé ngủ li bi, co giật, hôn mê
  • Ngoài ra còn có triệu chứng của một số bệnh lý như gan to, lá lách to,…

Bệnh lý vàng da ở trẻ sơ sinh do nguyên nhân nào?

Tình trạng vàng da bệnh lý thường sẽ khởi phát do những yếu tố dưới đây.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị vàng da bệnh lý
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị vàng da bệnh lý
  • Thiểu năng tuyến giáp: Một trong những nguyên nhân khiến trẻ vàng da đó là thiểu năng tuyến giáp. Theo các chuyên gia có đến 10% trẻ suy giáp bẩm sinh sẽ có triệu chứng vàng da kéo dài
  • Tắc nghẽn đường tiêu hóa: Việc bị tắc nghẽn tại môn vị, tá tràng, ruột non nếu không kịp thời điều trị có thể khiến trẻ bị hạ đường huyết, kích thích hoạt động tại ruột và gan. Từ đó gây ra hiện tượng vàng da. Theo thống kê có khoảng 10-25% trẻ hẹp môn vị sẽ có triệu chứng này
  • Bất đồng nhóm máu mẹ và con: Khi mẹ và bé có các nhóm máu bất đồng (bao gồm xung đột hệ ABO và hệ Rh), cơ thể người mẹ sẽ tạo kháng thể tấn công lại các tế bào hồng cầu của con. Điều này đồng nghĩa với việc tế bào hồng cầu của bé sẽ bị phá vỡ khiến lượng bilirubin tăng cao. Trẻ có bị thiếu máu bẩm sinh hoặc vàng da thể nặng
  • Nhiễm virus viêm gan: Việc nhiễm virus viêm gan bao gồm cytomegalovirus, rubella, virus viêm gan A, B và C cũng là nguyên nhân khiến trẻ vàng da bệnh lý. Bởi vì lúc này chức năng gan bị suy yếu, không còn khả năng đào thải sắc tố màu vàng
  • Teo mật bẩm sinh: Thông thường, bilirubin sẽ đi từ gan qua ống mật và tích tụ ở tại túi mật trước khi đào thải ra ngoài. Với trẻ bị teo đường mật bẩm sinh, các ống dẫn này sẽ bị tắc nghẽn khiến cho bilirubin không thể đào thải ra ngoài. Từ đó gây ra hiện tượng vàng da

Ngoài ra vàng da bệnh lý còn có thể khởi phát do bé bị nhiễm trùng, hội chứng Crigler Najjar hoặc bị Galactosemia, thiếu máu tan huyết,…

Những trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh vàng da bệnh lý

Ngoài các nguyên nhân kể trên thì còn có 3 yếu tố gây ra vàng da ở trẻ sơ sinh. Cụ thể:

Trẻ sinh non thường bị vàng da
Trẻ sinh non thường bị vàng da
  • Sinh non: Những trẻ sinh non trước 36 tuần thường có nguy cơ mắc bệnh vàng da cao hơn do gan không có khả năng xử lý bilirubin
  • Bầm tím trong khi sinh: Quá trình chuyển dạ, sinh nở tự nhiên hoặc sinh mổ một số em bé sẽ bị bầm tím. Theo các nghiên cứu khoa học, việc trẻ sơ sinh có vết bầm tím thường sẽ vượt ngưỡng bình thường của Bilirubin, gây ra hiện tượng vàng da bẩm sinh
  • Nhóm máu: Sự bất đồng về nhóm máu giữa mẹ và con cũng ẩn chứa nhiều khả năng đứa trẻ sinh ra sẽ bị vàng da
  • Cho con bú: Một số em bé bú mẹ cũng có nguy cơ mắc bệnh vàng da. Tuy nhiên, so với lợi ích mà loại sữa này mang lại thì các chuyên gia vẫn khuyến cáo mẹ nên cho con bú từ khi lọt lòng

Vàng da bệnh lý có nguy hiểm không?

Trẻ bị vàng da bệnh lý cần được điều trị sớm. Bởi nếu kéo dài có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như:

Vàng da bệnh lý rất nguy hiểm nếu không chữa trị kịp thời
Vàng da bệnh lý rất nguy hiểm nếu không chữa trị kịp thời
  • Bilirubin não cấp tính: Nếu mẹ phát hiện trẻ bị vàng da kèm theo dấu hiệu như ngủ li bì, không tập trung, khóc nhiều, bỏ bú thì cần nghĩ ngay đến trường hợp này. Theo các bác sĩ, Bilirubin rất độc với tế bào não. Việc để cho hoạt chất này đi vào bên trong có thể gây ra biến chứng nguy hiểm
  • Vàng da nhân: Khi lượng Bilirubin vượt quá giới hạn và gan không thể đào thải ra ngoài trẻ sẽ có nguy cơ bị vàng da nhân. Điều này sẽ gây tổn thương màng não nếu không khắc phục kịp thời. Vì vậy nếu trẻ vàng da bệnh lý thì mẹ cần phải điều trị trước 7 ngày sau sinh

Cách điều trị vàng da bệnh lý hiệu quả

Theo các chuyên gia, tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà các bác sĩ sẽ dùng phương pháp điều trị khác nhau. Cụ thể:

Điều trị vàng da bệnh lý do bilirubin gián tiếp tăng cao

Với trường hợp này bé sẽ được làm các biện pháp sau:

  • Cung cấp đủ nước và năng lượng thông qua bú hoặc truyền dịch
  • Truyền albumin và một số loại thuốc để tăng tốc độ chuyển hóa bilirubin gián tiếp
  • Chiếu đèn nhằm giúp chuyển hóa bilirubin tự do trong máu thành các chất khác không độc để thải qua phân và nước tiểu. Phương pháp này thường sẽ sử dụng ánh sáng xanh hoặc trắng. Khi chiếu đèn trẻ sẽ được cởi bỏ quần áo, ở trần, che kín mỗi mắt và bộ phận sinh dục. Sau đó xoay trở thường xuyên để tăng diện tích tiếp xúc với da. Thường thì phương pháp chiếu đèn sẽ được chỉ định sau 24h khi con chưa có triệu chứng nhiễm độc thần kinh.
  • Thay máu là phương pháp áp dụng cho trẻ vàng da thể nặng khi mà các liệu pháp chiếu đèn, dùng thuốc không có hiệu quả, trẻ đã xuất hiện triệu chứng thần kinh
Chiếu đèn trị vàng da cho bé
Chiếu đèn trị vàng da cho bé

Điều trị vàng da bệnh lý do tăng Bilirubin trực tiếp

Với trường hợp này, bác sĩ sẽ thường chỉ định một trong 2 biện pháp sau:

  • Dùng kháng sinh với những trường hợp vàng da nhiễm khuẩn
  • Phẫu thuật nếu trẻ bị bệnh teo đường mật, tắc ống ruột, hoặc giãn đường mật bẩm sinh

Cách phòng ngừa

Vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh là một trong những tình trạng nguy hiểm. Vì vậy để tránh biến chứng mẹ hãy phòng ngừa bằng cách dưới đây.

  • Chăm sóc sức khỏe tốt khi mang thai, thăm khăm đầy đủ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để kịp thời phát hiện vấn đề bất thường, tránh sinh non, nhiễm trùng ối
  • Khi sinh mẹ cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn theo dõi, đỡ sinh
  • Cho trẻ bú sữa non ngay sau sinh, bú đủ và giữ ấm để con không hạ thân nhiệt hoặc đường huyết
  • Phòng của trẻ nên có đủ ánh sáng để có thể dễ dàng theo dõi màu sắc của da

Vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh nếu không phát hiện kịp thời sẽ rất phức tạp, nghiêm trọng. Nhưng nếu trẻ được can thiệp, điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa biến chứng của bệnh. Do đó, mẹ cần bỏ túi dấu hiệu nhận biết để giúp bé có cơ thể khỏe mạnh.

Chia sẻ bài viết này