Nội dung chính

Trẻ 6 tháng bị sổ mũi: Nguyên nhân và cách chăm sóc tại nhà

Cơ thể, hệ miễn dịch của trẻ 6 tháng tuổi còn rất non nớt. Vì vậy, bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cũng có thể khiến cha mẹ cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, phần đông các trường hợp trẻ 6 tháng bị sổ mũi đều không đáng ngại và có thể được điều trị ngay tại nhà.

Trẻ 6 tháng bị sổ mũi
Trẻ 6 tháng bị sổ mũi

Nguyên nhân trẻ 6 tháng bị sổ mũi

Trẻ 6 tháng tuổi có thể bị sổ mũi do nhiều nguyên nhân.

Trẻ 6 tháng mọc răng dễ bị sổ mũi

Một nghiên cứu năm 2011 được công bố trên tạp chí của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho thấy, trẻ mọc răng có thể có một số biểu hiện như:

  • Cáu gắt
  • Tăng tiết nước bọt (chảy nước dãi)
  • Sổ mũi
  • Bú kém hơn

Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng, mọc răng không trực tiếp khiến trẻ bị sốt hay sổ mũi; nhưng nó có ảnh hưởng một cách gián tiếp.

Khi được 6 tháng tuổi, răng của trẻ bắt đầu mọc và hệ miễn dịch cũng có nhiều thay đổi. Sự bảo vệ mà một đứa trẻ nhận được thông qua sữa mẹ bắt đầu giảm xuống. Cũng trong giai đoạn này, con được tiếp xúc nhiều hơn với thế giới và ngày càng dễ mắc các bệnh thời thơ ấu. Và sổ mũi thường là triệu chứng của những căn bệnh này.

Nếu con được 6 tháng tuổi và có biểu hiện chảy nước mũi trong suốt, trong vòng 2 – 3 ngày, đó có thể là kết quả của việc tiết nhiều chất lỏng do tình trạng viêm khi mọc răng.

Sổ mũi có thể là dấu hiệu cho thấy bé đang mọc răng
Sổ mũi có thể là dấu hiệu cho thấy bé đang mọc răng

Các nguyên nhân khiến trẻ 6 tháng bị sổ mũi phổ biến khác

Dưới đây là những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ 6 tháng tuổi bị sổ mũi:

  • Thời tiết lạnh: Điều này có thể kích hoạt cơ thể tiết ra nhiều chất nhầy hơn
  • Viêm mũi dị ứng: Trẻ có thể bị sổ mũi khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng hoặc chất kích thích, chẳng hạn như khói, bụi, phấn hoa
  • Cảm lạnh và cảm cúm: Khi virus xâm nhập vào mũi, nó sẽ kích ứng niêm mạc mũi và xoang. Khi đó, mũi bắt đầu tiết ra nhiều chất nhầy trong suốt. Chất nhầy này bẫy virus và tống chúng ra khỏi mũi và xoang
  • Có dị vật trong mũi: Nếu trong mũi con có dị vật, chất nhầy sẽ được tiết ra nhiều hơn dẫn đến tình trạng chảy nước mũi
  • Nhiễm trùng Adenoids: Adenoids là các mô ở phía sau mũi. Ở trẻ em, nhiễm trùng ở mô này có thể dẫn đến chảy nước mũi

Các nguyên nhân khiến bé 6 tháng bị sổ mũi ít phổ biến

  • Nhiễm trùng xoang: Các xoang của trẻ 6 tháng tuổi chưa phát triển đầy đủ vì vậy nhiễm trùng xoang không phổ biến ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, đây vẫn có thể là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị sổ mũi
  • Lệch vách ngăn mũi: Vách ngăn mũi là phần xương sụn ngăn cách 2 bên mũi. Trong một số trường hợp, vách ngăn này có thể nghiêng sang một bên và gây tắc nghẽn (có thể do bẩm sinh hoặc chấn thương ở mũi khi xảy ra va chạm)

Tìm hiểu về màu sắc nước mũi của trẻ

Màu sắc nước mũi có thể cho bạn biết vấn đề mà trẻ đang gặp phải.

Trong suốtTrắng đụcXanh lá hoặc vàngĐỏ hoặc hồngNâu hoặc camĐen
Bình thườngx
Viêm xoang dị ứngx
Cảm lạnh thông thườngxx
Nhiễm nấmx
Mũi bị chấn thương hoặc kích ứng (dẫn đến khô quá mức)xx
Viêm xoangxx

Trẻ 6 tháng bị sổ mũi, cha mẹ cần làm gì?

Nếu con yêu của bạn bị sổ mũi và nước mũi có màu trong suốt hoặc trắng đục; vẫn khỏe mạnh, không bị sốt hoặc sốt nhẹ thì bạn có thể tự chăm sóc con tại nhà bằng những cách sau:

  • Cho trẻ bú nhiều hơn: Mẹ có thể cho con bú nhiều hơn ngày thường để tránh tình trạng mất nước (nhất là khi con bị sổ mũi do cảm lạnh hoặc cảm cúm)
  • Hút mũi cho trẻ: Mẹ nên sử dụng bóng hút mũi để hút chất nhầy giúp đường thở của con thông thoáng hơn. Cách thực hiện rất đơn giản, mẹ dùng ngón tay bóp xẹp bóng hút (như hình dưới đây), sau đó đưa đầu hút vào trong mũi. Buông ngón tay cái bóp bóng ra, ngón trỏ và ngón giữa vấn giữ bóng hút. Khi bóng hút phình lên như hình dạng ban đầu, bạn rút đầu hút ra khỏi mũi và bóp để đẩy sạch chất nhầy trong bóng ra ngoài. Vệ sinh bóng hút bằng nước và nước rửa bình sữa
Cách cầm bóng hút mũi
Cách cầm bóng hút mũi
  • Nhỏ nước muối sinh lý: Bạn có thể nhỏ nước muối sinh lý để làm ẩm đường mũi và làm lỏng chất nhầy đặc trong mũi. Bạn cần cho bé nằm, đầu hơi ngửa nhẹ ra sau khi nhỏ nước muối. Để trẻ nằm im trong khoảng 30 giây để dung dịch phát huy tác dụng, sau đó dùng bóng hút để hút chất nhầy ra
  • Tắm nước gừng ấm: Hơi nước gừng có thể làm lỏng dịch mũi, giúp mẹ dễ dàng làm sạch bằng dụng cụ hút mũi

Trẻ 6 tháng bị sổ mũi do dị ứng, phải làm sao?

Với trẻ bị sổ mũi do dị ứng, mẹ cần:

  • Không để trẻ tiếp xúc với môi trường có tác nhân gây dị ứng (bụi, phấn hoa,…)
  • Đóng cửa sổ trong mùa dị ứng
  • Cha mẹ, người chăm sóc,… cần thay quần áo và tắm trước khi tiếp xúc với trẻ
  • Tránh để con tiếp xúc với chó, mèo nếu con nhạy cảm với lông động vật

Hướng dẫn phòng ngừa sổ mũi cho trẻ 6 tháng tuổi

Để phòng ngừa sổ mũi cho con, cha mẹ cần:

  • Giữ ấm cho bé, đặc biệt là trong những ngày lạnh, chuyển mùa
  • Không để con tiếp xúc với những người có triệu chứng cảm cúm, cảm lạnh
  • Làm sạch và khử trùng chăn, ga, gối, đệm, đồ chơi,… của con

Trẻ 6 tháng bị sổ mũi cần đi khám bác sĩ khi nào?

Nếu bé xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng sau đây, bạn nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

  • Tình trạng sổ mũi, quấy khóc ngày càng trở nên tệ hơn
  • Sổ mũi không cải thiện sau 10 ngày
  • Tiết dịch màu vàng hoặc xanh lá cây trong hơn 10 – 14 ngày
  • Xuất hiện các triệu chứng khác ngoài sổ mũi như ho dai dẳng, sốt hơn 3 ngày

Sổ mũi là một trong những vấn đề dễ thấy ở trẻ em 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, nó thường không nguy hiểm và có thể được điều trị ngay tại nhà. Điều quan trọng là cha mẹ cần để ý các triệu chứng bất thường khác ở trẻ 6 tháng bị sổ mũi (sốt, ho lâu ngày, quấy khóc, dịch nhầy có màu bất thường,…) để đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Chia sẻ bài viết này