Nội dung chính

Hình ảnh viêm tai giữa ở trẻ giúp bố mẹ dễ nhận biết

Viêm tai giữa là bệnh phổ biến ở trẻ, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng ảnh hưởng thính giác của con. Dưới đây là những thông tin về bệnh giúp mẹ có đủ kiến thức để giúp xử lý được hiệu quả.

Viêm tai giữa ở trẻ là gì?

Tai giữa của trẻ được kết nối trực tiếp với mặt sau của cổ họng thông qua ống thính giác. Thông thường, ống thính giác được mở cho phép chất lỏng ở tai trong thoát ra. Tuy nhiên, do cấu trúc chưa được hoàn chỉnh, miễn dịch yếu nên trẻ dễ bị vi khuẩn tấn công từ mũi lên họng. Dẫn đến tình trạng viêm nhiễm, tăng tiết dịch mủ, thậm chí nhiễm trùng.

Viêm tai giữa ở trẻ nhỏ
Viêm tai giữa ở trẻ nhỏ

Viêm tai giữa là bệnh có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào. Tuy nhiên thường gặp nhất là trẻ nhỏ. Bệnh có mức độ phổ biến thứ 2, chỉ sau căn bệnh nhiễm trùng hô hấp đường trên.Trung bình cứ 3 trẻ thì có 2 bé mắc bệnh viêm tai giữa ít nhất một đợt, chủ yếu là khi dưới 1.

Các dạng viêm tai giữa ở trẻ

Viêm tai giữa được chia thành 3 loại chính là viêm tai giữa cấp tính, viêm tai giữa ứ dịch và viêm tai giữa mãn tính. Mặc dù có mối liên hệ chặt chẽ nhưng viêm tai giữa cấp tính và viêm tai giữa ứ dịch vẫn là 2 tình trạng bệnh khác nhau. Cụ thể:

Viêm tai giữa cấp tính

Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng ứ dịch tai giữa cùng sự khởi phát cấp tính của các triệu chứng.

Các biểu hiện của viêm tai giữa cấp tính bao gồm: Đau tai, trẻ hay kéo, giật hoặc dụi tai, quấy khóc,… Ngoài ra ở một số bé còn có triệu chứng khác như sốt, nghe kém, ù tai, bú kém,…

Trẻ viêm tai giữa cấp tính, khi soi sẽ thấy màng nhĩ phồng lên, nhiều dịch phía sau. Trẻ có thể thủng màng nhĩ hoặc chảy dịch trong ống tai.

Viêm tai giữa cấp ở trẻ
Viêm tai giữa cấp ở trẻ

Viêm tai giữa ứ dịch

Là tình trạng xảy ra sau viêm tai giữa cấp tính. Khi các triệu chứng của viêm tai giữa cấp biến mất, mặc dù không còn nhiễm trùng nhưng tai vẫn còn dịch đọng.

Dịch bị mắc kẹt có thể gây ra tình trạng suy giảm thính lực nhẹ và tạm thời. Đồng thời làm nhiễm trùng tai dễ xảy ra hơn. Một nguyên nhân khác của tình trạng này là do bít tắc vòi eustache.

Viêm tai giữa mạn tính

Viêm tai giữa mạn tính được đặc trưng bởi viêm tai giữa liên tục, kéo dài hơn 3 tháng và chảy mủ tai qua màng nhĩ. Tình trạng này kéo dài có thể gây thủng màng nhĩ.

Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm tai giữa

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh viêm tai giữa. Cụ thể như:

1. Miễn dịch kém

Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ là đối tượng có đề kháng kém do hệ miễn dịch đang còn ở trong giai đoạn hoàn thiện. Đó cũng là lý do vì sao con dễ mắc bệnh nếu không được mẹ chăm sóc, bảo vệ đúng cách. Thông thường dưới 6 tháng tuổi, miễn dịch của bé chủ yếu được nhận từ mẹ. Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là lý do khiến trẻ khó hoặc không thể chống chọi lại sự tấn công ồ ạt của vi khuẩn, virus,…

2. Mắc bệnh tai mũi họng

Một trong những nguyên nhân dẫn tới bệnh viêm tai giữa hàng đầu là do biến chứng của bệnh về tai mũi họng. Một số bệnh lý như viêm họng, viêm amidan, viêm tai ngoài, viêm xoang nếu không điều trị đúng cách có thể khiến cho tác nhân gây hại gia tăng về mặt số lượng, làm tổn thương cấu trúc của tai.

3. Cấu trúc tai chưa hoàn chỉnh

Trẻ sơ sinh đến 2 tuổi có nguy cơ bị viêm tai giữa rất cao. Do cấu trúc tai chưa được hoàn thiện và hệ miễn dịch còn yếu.

Cụ thể, ở trẻ sơ sinh tai trong sẽ được liên kết với mặt sau ống họng bằng ống thính giác hay còn gọi là ống Eustchya. Bình thường, ông thính giác này sẽ mở để cho chất lỏng, chất thải dư thừa ra ngoài. Tuy nhiên, nếu ống thính giác bị tắc hoặc sưng thì các chất lỏng sẽ tồn đọng lại dẫn đến nhiễm trùng. Đặc biệt, ở trẻ nhỏ ống thính giác thường ngắn, rộng và nằm ngang nên càng dễ cho vi khuẩn xâm nhập.

Trẻ sơ sinh cấu trúc tai chưa được hoàn chỉnh
Trẻ sơ sinh cấu trúc tai chưa được hoàn chỉnh

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ

Bên cạnh các nguyên nhân trên, trẻ viêm tai giữa có thể còn do các yếu tố sau:

  • Polyp trong tai che lấp phần tai giữa
  • Trẻ bị ốm, ho, sốt, cảm lạnh, khiếm đờm, dịch mũi lây sang tai
  • Trẻ bị dị ứng thời tiết, thức ăn
  • Trẻ sống trong môi trường có khói thuốc lá hoặc thường xuyên hít khí thuốc
  • Khi tắm để nước vào tai của bé mà không vệ sinh sạch
  • Vệ sinh tai không đúng cách cho con

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm tai giữa

Hầu hết các bé bị viêm tai giữa đều có biểu hiện điển hình dưới đây.

Đau tai là dấu hiệu thường gặp ở trẻ bị viêm tai giữa
Đau tai là dấu hiệu thường gặp ở trẻ bị viêm tai giữa

Đau tai

Dấu hiệu trẻ bị viêm tai giữa thường gặp nhất đó là tình trạng đau tai. Trẻ có thể nói với cha mẹ khi bị đau. Tuy nhiên, ở trẻ sơ sinh, triệu chứng đau thường khó nhận biết. Thông thường, trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi sẽ có các biểu hiện dụi hoặc giật tai.

Chán ăn, khó chịu, ngủ kém

Tình trạng chán ăn có thể dễ gặp ở trẻ, nhất là các bé bú bình. Áp lực trong tai giữa thay đổi khi trẻ nuốt nhiều sẽ gây đau hơn. Do đó, sẽ khiến các bé lười ăn. Ngoài ra trẻ còn cảm thấy khó chịu, bứt rứt và không ngủ ngon.

Sốt

Nhiễm trùng tai có thể khiến trẻ sốt tầm 38-39 độ. Khoảng 50% trẻ sẽ bị sốt khi nhiễm trùng tai.

Chảy dịch tai

Trẻ có thể sẽ bị chảy dịch màu vàng, nâu hoặc trắng khi tai bị viêm. Khi gặp các dấu hiệu này cần phải kiểm tra màng nhĩ để xem có thủng hay không nhằm xử trí kịp thời.

Nghe kém

Hệ thống xương con của tai kết nối với dây thần kinh để gửi tín hiệu đến não. Dịch sau màng nhĩ sẽ làm giảm chuyển động qua xương con khiến trẻ nghe kém.

Các dấu hiệu khác

Ngoài 5 dấu hiệu kể trên, biểu hiện viêm tai giữa ở trẻ còn được thể hiện bởi các yếu tố như sau:

  • Đi ngoài, tiêu chảy
  • Mất thăng bằng, dễ ngã khi đi
  • Người mệt mỏi
  • Quấy khóc
  • Tai đỏ tấy

Viêm tai giữa ở trẻ có nguy hiểm không?

Trẻ bị viêm tai giữa nếu không điều trị thích hợp có thể khiến dịch tràn sang vị trí giải phẫu lân cận, gây ra biến chứng ở nhiều mức độ khác nhau. Cụ thể:

  • Thính lực suy giảm, khả năng dẫn truyền, tiếp nhận âm thanh kém
  • Thủng màng nhĩ
  • Viêm xương chũm và viêm mê đạo
  • Liệt mặt
  • Xẹp màng nhĩ, xơ cứng màng nhĩ
  • Biến chứng nội sọ như viêm màng não, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên, áp xe ngoài màng cứng,…
Biến chứng nguy hiểm của viêm tai giữa
Biến chứng nguy hiểm của viêm tai giữa

Theo các chuyên gia, triệu chứng về tai mũi họng ở trẻ thường không nghiêm trọng. Vì vậy cha mẹ chủ quan, lơ là triệu chứng mà bé gặp phải. Hậu quả là gây chậm trễ trong công tác điều trị dẫn đến biến chứng nguy hiểm không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn đe dọa tính mạng của con. Vì vậy khi bé có các dấu hiệu bất thường về tai bố mẹ nên đưa con tới bệnh viện kiểm tra, thay vì tự ý điều trị kháng sinh tại nhà.

Cách chữa viêm tai giữa ở trẻ em

Hiện nay, việc điều trị viêm tai giữa cho trẻ thường được áp dụng theo các phương pháp chính sau.

Điều trị bằng phương pháp nội khoa

Điều trị nội khoa bằng thuốc là cách được nhiều bác sĩ chỉ định
Điều trị nội khoa bằng thuốc là cách được nhiều bác sĩ chỉ định

Các phương pháp điều trị nội khoa

Viêm tai giữa cấp thường được chia thành 3 giai đoạn

  • Giai đoạn sung huyết
  • Giai đoạn ứ mủ
  • Giai đoạn vỡ mủ

Tùy vào giai đoạn bệnh lý mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp như:

  • Giai đoạn sung huyết: Điều trị nội khoa bằng kháng sinh đường uống để loại bỏ tác nhân gây bệnh như liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm đơn thuốc kháng viêm, chống phù nề, giảm đau, hạ sốt,… Hydrocortison, Ciprofloxacin 0.3%, Ofloxacin Otic, Otosan, Earex Plus,…
  • Giai đoạn ứ mủ: Điều trị bằng phương pháp nội khoa như giai đoạn sung huyết. Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định chích rạch màng nhĩ để dẫn mủ ra ngoài, giảm áp lực cho tai
  • Giai đoạn vỡ mủ: Mủ vỡ màng nhĩ thường sẽ bị thủng nên ngoài điều trị bằng thuốc bác sĩ sẽ cân nhắc các phương pháp điều trị chuyên sâu hơn

Thuốc nhỏ viêm tai giữa cho trẻ em

Đa số trường hợp điều trị nội khoa đều được bác sĩ chỉ định dùng thuốc. Dưới đây là những loại thuốc thường dùng để nhỏ khi trị viêm tai giữa.

Sử dụng thuốc nhỏ tai để nhanh đạt hiệu quả
Sử dụng thuốc nhỏ tai để nhanh đạt hiệu quả
  • Ciprodex: Là thuốc nhỏ viêm tai giữa cho cả trẻ em và người lớn. Đây là loại thuốc kháng sinh dùng để phòng ngừa và trị các bệnh về tai do vi khuẩn gây ra. Thuốc có tác dụng hạn chế tình trạng chảy mủ, tiêu diệt vi khuẩn và cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên việc lạm dụng nhiều có thể khiến bé phát ban, ngứa hoặc có cảm giác khó chịu
  • Hydrocortison: Đây là kháng sinh dạng nhỏ có chứa steroid và các tá dược. Thuốc có công dụng tiêu diệt vi khuẩn, điều trị viêm tai chảy mủ. Đồng thời ngăn chặn vi khuẩn tấn công lên não. Khi sử dụng thuốc nếu trẻ có các dấu hiệu phát ban, sưng mặt, khó thở mẹ cần ngừng ngay và liên hệ với bác sĩ
  • Ciprofloxacin 0,3%: Với những trường hợp không hợp hai loại thuốc trên bác sĩ sẽ chỉ định Ciprofloxacin. Thuốc giúp hỗ trợ điều trị viêm tai giữa cấp và mãn tính. Ngăn chặn vi khuẩn tấn công tai giữa. Khi dùng thuốc nếu có triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, đi ngoài, tiêu chảy hoặc sốt mẹ cần ngưng thuốc cho con
  • Ofloxacin Otic: Đây là kháng sinh dạng nhỏ dùng được cho trẻ 1 tuổi trở nên. Với thành phần chính là quinolon, Ofloxacin mang đến tác dụng giảm thiểu tấn công của các vi khuẩn đồng thời tiêu diệt yếu tố nguy cơ. Thuốc có thể gây ra một vài tác dụng phụ không mong muốn như đau đầu, chóng mặt, phát ban, tim đập nhanh
  • Earex Plus: Đây là loại thuốc nhỏ viêm tai giữa cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên với tác dụng chính là chống viêm, hạn chế triệu chứng. Khi sử dụng Earex Plus, trẻ nhỏ có thể gặp tác dụng phụ như chóng mặt, đau đầu, sưng tai,…

Ngoài ra, các bác sĩ còn có thể chỉ định Otosan, Betnesol-N, Otofa tùy theo tình trạng sức khỏe của bé.

Phẫu thuật viêm tai giữa ở trẻ

Phẫu thuật vá nhĩ được chỉ định trong trường hợp viêm tai giữa vỡ mủ khiến màng nhĩ bị thủng, không thể phục hồi. Lúc này, việc phẫu thuật sẽ có tác dụng vá lại màng nhĩ bảo vệ sức khỏe thính lực. Ngoài ra sau khi phẫu thuật, bác sĩ cũng sẽ cho trẻ sử dụng một số loại thuốc đẩy lùi viêm nhiễm, thúc đẩy quá trình phục hồi của tai.

Cách phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ

Phòng ngừa là cách tốt nhất để trẻ không gặp biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm tai. Dưới đây là những biện pháp mẹ nên áp dụng cho con.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi là đối tượng dễ bị viêm tai giữa nhất. Do sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ còn yếu. Ngoài ra cấu trúc của tai cũng chưa hoàn thiện. Vì vậy bố mẹ cần làm một số biện pháp dưới đây.

Vệ sinh tai sạch sẽ là cách phòng ngừa tốt nhất
Vệ sinh tai sạch sẽ là cách phòng ngừa tốt nhất
  • Nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất 6 tháng. Các kháng thể trong sữa mẹ sẽ giúp trẻ chống lại bệnh tật tốt hơn
  • Không cho trẻ nằm bú vì điều này dễ sặc lên mũi và tai
  • Giữ vệ sinh tai cho bé sạch sẽ bằng khăn mềm. Khăn sau đó cần giặt sạch, phơi khô
  • Khi tắm gội không được để nước chảy vào tai bé
  • Không tự ý dùng tăm bông lau tai bé vào sâu bên trong
  • Không tự ý dùng dụng cụ lấy ráy tai cho bé khi con ngứa
  • Tiêm chủng theo đúng lịch quy định, đồng thời tránh cho bé tiếp xúc với khói thuốc

Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên

  • Không cho trẻ bơi tắm hoặc bơi ở nơi có nguồn nước bẩn
  • Không để nước vào tai khi trẻ tắm gội
  • Cho trẻ bú bình sữa, uống sữa ở tư thế ngồi thẳng
  • Vệ sinh tai sau khi trẻ tắm xong bằng khăn mềm hoặc tăm bông. Chú ý không đưa tăm bông vào tai, chỉ lau bên ngoài
  • Khi trẻ bị ốm, sổ mũi nên điều trị dứt điểm triệu chứng
  • Giữ ấm và vệ sinh môi trường sống, đồ chơi cho bé thường xuyên

Hình ảnh viêm tai giữa ở trẻ giúp mẹ dễ dàng nhận biết

Ngoài việc bỏ túi dấu hiệu mẹ cũng có thể nhận biết tình trạng viêm tai giữa nhờ vào hình ảnh dưới đây.

Tình trạng viêm tai giữa ở trẻ
Tình trạng viêm tai giữa ở trẻ
Viêm tai giữa cấp tính
Viêm tai giữa cấp tính
Viêm tai giữa rỉ dịch
Viêm tai giữa rỉ dịch
Trẻ bị đau khi viêm tai giữa
Trẻ bị đau khi viêm tai giữa
Biến chứng thủng màng nhĩ khi viêm tai giữa
Biến chứng thủng màng nhĩ khi viêm tai giữa

Một số câu hỏi thường gặp

Viêm tai giữa có tự khỏi không?

Viêm tai giữa có thể tự khỏi trong vòng 2-3 ngày nếu được chăm sóc, vệ sinh tai đúng cách. Tuy nhiên, nếu nhiễm trùng tai kéo dài hoặc nhiễm trùng tai nghiêm trọng, lặp đi lặp lại nhiều lần có thể gây ra biến chứng nguy hiểm.

Viêm tai giữa có phải dùng kháng sinh?

Trước đây hầu hết bệnh nhân viêm tai giữa sẽ được kê thuốc kháng sinh điều trị. Tuy nhiên hiện nay không phải trường hợp nào cũng cần dùng đến, có nhiều trường hợp chữa viêm tai giữa không cần kháng sinh.

Viêm tai giữa uống kháng sinh bao lâu?

Thông thường, liều lượng dùng thuốc kháng sinh để chữa bệnh viêm tai giữa là khoảng 10 ngày.

Mặc dù viêm tai giữa ở trẻ em phổ biến nhưng thường không quá nguy hiểm. Hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa. Do đó bố mẹ không cần lo lắng chỉ cần theo dõi triệu chứng, kịp thời đưa bé đi khám nếu có dấu hiệu nghiêm trọng.

Chia sẻ bài viết này