Viêm tai giữa là bệnh lý phổ biến ở trẻ dưới 3 tuổi, ảnh hưởng đến ¾ trẻ sơ sinh. Điều khó khăn khi phát hiện bệnh ở trẻ sơ sinh là chúng không thể truyền đạt các triệu chứng của chúng bằng lời nói. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến các bạn những dấu hiệu viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh.
Viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh như thế nào?
Viêm tai giữa phổ biến ở mọi lứa tuổi, nhưng có thể gây khó chịu đặc biệt cho trẻ sơ sinh, vì chúng không hiểu cơn đau đến từ đâu và nó có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và cách bú.
Thậm chí, nếu cha mẹ chủ quan, không điều trị dứt điểm, viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến nguy cơ mất thính giác, thậm chí gây biến chứng viêm màng não, đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng hệ thống xương chũm và hòm nhĩ, phía sau màng nhĩ. Khi bị bệnh, khoảng không này sẽ chứa đầy dịch gây nhiễm trùng, các vi khuẩn, virus xâm nhập vào sẽ không thể thoát ra được, biến nơi này thành nơi trú ẩn lý tưởng.
Bệnh thường chia làm 2 giai đoạn:
- Viêm tai giữa cấp tính: Xuất hiện những cơn đau đột ngột, nếu không được can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến hiện tượng chảy dịch tai, gây mất thính lực
- Viêm tai giữa mãn tính: Hình thành khi viêm tai giữa cấp tính không được điều trị triệt để, khiến tổn thương niêm mạc ngày càng nghiêm trọng, gây chảy mủ trong tai
6 dấu hiệu viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh
Trẻ mới biết đi và trẻ sơ sinh không có ngôn ngữ để giao tiếp với bạn bằng lời nói rằng tai của chúng bị đau. Do đó, sẽ rất hữu ích nếu nhận biết được các dấu hiệu viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh.
Kéo tai
Trẻ sơ sinh có thể kéo tai vì một số lý do, và trong số đó có thể là do viêm tai giữa. Khó chịu và đau tai là những dấu hiệu viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh điển hình. Do đó, để cố gắng giảm đau, trẻ thường giật mạnh tai. Mặc dù viêm tai giữa không phải lý do duy nhất khiến trẻ sơ sinh kéo tai, nhưng đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Đặc biệt khi kết hợp với bất kỳ dấu hiệu viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh trong danh sách này thì cha mẹ có thể dễ dàng khẳng định được tình trạng của bé.
Khó nằm hoặc ngủ
Trẻ bị viêm tai giữa khi nằm xuống sẽ gây ra thay đổi áp suất bên trong tai giữa. Sự thay đổi áp lực đó gây đau đớn và không thoải mái, khiến việc ngủ hay chỉ đơn thuần là nằm thẳng trở thành một thử thách đối với bé.
Dẫn lưu tai
Đây là trong những dấu hiệu trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa rõ ràng nhất. Nó không xảy ra trong mọi trường hợp, nhưng nếu xuất hiện ở trẻ, gần như chắc chắn đó là do viêm tai giữa.
Dịch tiết ra dưới dạng một chất lỏng màu vàng đặc hoặc có lẫn máu. Đây là kết quả của việc màng nhĩ bị thủng, nhưng bản thân nó không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Khi trẻ được điều trị viêm tai giữa, màng nhĩ sẽ lành tự nhiên trong vài tuần.
Quấy khóc
Một trong những điều trẻ sơ sinh làm thường xuyên nhất là khóc, vì vậy bản thây đây không được coi là một dấu hiệu viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh. Có nhiều lý do khiến trẻ quấy khóc nhiều hơn, nhưng nếu kết hợp với các triệu chứng trong danh sách này, viêm tai giữa có thể là thủ phạm.
Khó nghe
Vì trẻ sơ sinh không nói được nên có thể khó nhận biết khi nào thính giác của chúng bị ảnh hưởng. Cách tốt nhất để kiểm tra điều này là xem liệu trẻ có phản ứng kém hơn với âm thanh hay không. Bạn hãy thử phát ra âm thanh mà trẻ thường phản hồi và xem chúng có nhận thấy điều đó không. Nếu trẻ liên tục không đáp ứng với kích thích âm thanh thì có thể là bị tắc nghẽn do viêm tai giữa.
Khó bú
Tư thế nằm bú sữa gây ra những áp lực trong tai làm bé thấy khó chịu. Vì vậy, nếu để ý, mẹ sẽ thấy khi bị viêm tai giữa, bé sẽ thường từ chối bú hoặc bú kém hơn so với bình thường.
Hậu quả của viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh là gì?
Sau khi bị nhiễm trùng tai, bạn có thể thấy con mình bị mất thính giác một chút, do đó không phản ứng như bình thường với giọng nói của bạn hoặc các âm thanh khác. Đừng quá lo lắng nếu điều này xảy ra, vì đây là hậu quả bình thường của viêm tai giữa ở trẻ và sẽ cải thiện trong vòng vài tuần. Nhưng nếu không, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Viêm tai giữa lặp đi lặp lại cũng có thể dẫn đến tình trạng gọi là tai dạng keo, là sự tích tụ chất lỏng dính trong tai, ảnh hưởng đến thính giác của bé. Triệu chứng rõ ràng nhất của tai dạng keo là con bạn khó nghe. Bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng bệnh bằng cách nhìn vào bên trong tai để tìm bất kỳ chất dịch nào phía sau trống tai. Không có cách điều trị dễ dàng nào cho tai dạng keo, nhưng nó thường tự khỏi trong vòng ba tháng. Vì vậy, tốt nhất khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh, cha mẹ nên đưa ngay đến bệnh viện để được chẩn đoán và định hướng điều trị phù hợp.
Khi nào trẻ bị viêm tai giữa nên đến bệnh viện?
Hầu hết các trường hợp viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi sau khoảng 3 ngày. Ngược lại, nếu trẻ vẫn chưa khỏi trong vòng 3 ngày hoặc nhận thấy trẻ có bấy kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy đưa đến bệnh viện ngay:
- Dịch chảy ra từ tai
- Sưng xung quanh tai
- Các triệu chứng khác như nôn mửa hoặc sốt cao
Trên đây là những dấu hiệu viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh. Cha mẹ cần hết sức cảnh giác, không nên chủ quan với những triệu chứng nhỏ ở trẻ. Tốt nhất nên đưa trẻ tới bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt.