Theo quan niệm dân gian, phụ nữ sau khi trải qua thời kỳ sinh nở cần kiêng ăn đồ tanh trong vòng 3 tháng. Cá cũng là một loại đồ tanh, vậy sau sinh ăn cá được không? Cần lưu ý gì khi đưa cá vào chế độ ăn của mẹ sau sinh?
Sau sinh ăn cá được không?
Bà đẻ ăn được cá không? Người xưa cho rằng, phụ nữ mới sinh ăn đồ tanh có thể bị đau bụng, tiêu chảy. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, việc kiêng đồ tanh nói chung và cá nói riêng trong vòng 3 tháng sau khi sinh là quan niệm sai lầm, không có cơ sở.
Sau sinh, mẹ có thể ăn cá mà không cần kiêng cữ bất kỳ khoảng thời gian nào. Nhưng để đảm bảo an toàn, mẹ cần phải thận trọng về loại cá và lượng cá ăn hàng tuần.
Lợi ích khi ăn cá sau khi sinh con
Cá là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng của các bà mẹ mới sinh con và đang cho con bú. Vì nó chứa các chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe của cả mẹ và con.
Cá có nhiều chất đạm, ít chất béo bão hòa. Nó chứa nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm một số chất dinh dưỡng không có trong nhiều loại thực phẩm khác, chẳng hạn như iot, vitamin D, axit docosahexaenoic (DHA) và axit béo Omega-3.
Một số chất dinh dưỡng trong cá có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim và góp phần vào sức khỏe tổng thể. Thêm vào đó, khi được truyền sang con qua sữa mẹ, các chất dinh dưỡng như DHA có lợi cho sự phát triển của hệ thần kinh, não và mắt bé.
Thực tế cho thấy rằng con của những bà mẹ ăn cá trong suốt thời kỳ mang thai và cho con bú sẽ khỏe mạnh hơn những đứa trẻ có mẹ không ăn cá thời gian này. Vì vậy, cá là thực phẩm mẹ nhất định phải bổ sung vào chế độ ăn trong thời kỳ cho con bú.
Mẹ sau sinh nên ăn bao nhiêu cá mỗi tuần?
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ khuyến nghị phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú nên ăn từ 230 – 340gr thịt cá mỗi tuần, chia thành 2 – 3 bữa.
Vậy có thể ăn cá hàng ngày không? Eric Bruce Rimm – nhà khoa học dinh dưỡng và dịch tễ học người Mỹ từng chia sẻ: “ăn cá hàng ngày sẽ tốt cho sức khỏe hơn là ăn thịt bò mỗi ngày”, “đối với hầu hết mọi người, ăn cá mỗi ngày là tốt”. Tuy nhiên, việc ăn cá hàng ngày không được khuyến khích bằng việc thực hiện chế độ ăn uống đa dạng với nhiều loại thực phẩm khác nhau. Vì nếu chỉ ăn cá mà không ăn gà, bò, lợn,… mẹ có thể không nhận được đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Bà đẻ ăn được cá gì?
Cá mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của mẹ và bé. Tuy nhiên, không phải loại cá nào cũng tốt. Mẹ ăn cá và hải sản có chứa nhiều thủy ngân có thể gây hại cho não và hệ thần kinh đang phát triển của con. Vậy đâu là những loại cá mẹ nên ăn và không nên ăn? Cùng Fitobimbi tìm hiểu nhé!
Các loại cá tốt mẹ nên ăn
Mẹ nên ưu tiên chọn các loại cá giàu omega-3 như:
- Cá thu
- Cá hồi
- Cá chích
Ngoài ra, các loại cá nước ngọt dưới đây cũng là một lựa chọn tốt mà mẹ không nên bỏ qua:
- Cá chép: giàu vitamin, omega-3, amino acid có tác dụng bồi bổ, chữa ứ huyết sau sinh, lợi sữa.
- Cá diếc: bổ huyết, lợi sữa, tốt cho hệ tiêu hóa.
- Cá trê: bổ huyết, lợi sữa, tốt cho sinh lý.
- Cá quả: giàu calo, dưỡng huyết, giúp thanh nhiệt, an thần.
- Cá trắm cỏ: giàu đạm, canxi, bổ huyết, tốt cho não bộ.
- Cá bống: giàu đạm, bổ gan thận, ít chất béo, tốt cho hệ tiêu hóa.
- Cá mòi: giàu omega-3.
Những loại cá mẹ không nên ăn
Mẹ sau sinh nên tránh ăn những loại cá có hàm lượng thủy ngân cao như:
- Cá kiếm
- Cá mập
- Cá thu vua
- Cá ngừ mắt to
- Cá marlin
- Cá ngừ đóng hộp
- Cá tuyết
- Cá ngói
Những lưu ý khi ăn cá sau sinh
Mẹ sau sinh cần lưu ý những điều sau để nhận được tối đa lợi ích từ việc ăn cá:
- Nên chế biến cá trước khi ăn; không ăn cá sống (sashimi, gỏi cá,…) vì chúng có thể chứa nhiều ký sinh trùng gây hại cho mẹ và con.
- Nên ăn cá tươi, không ăn cá ươn. Ăn cá ươn có thể gây ra ngộ độc histamine.
- Giảm lượng muối khi chế biến cá biển. Vì trong những loại cá này đã có chứa một lượng iot nhất định. Mẹ tiêu thụ quá nhiều iot có thể bị buồn nôn, đau bụng, sổ mũi, đau đầu, tiêu chảy,…
Với câu hỏi “sau sinh có được ăn cá không?”, câu trả lời là “có”. Mẹ hoàn toàn có thể yên tâm đưa cá vào chế độ ăn uống sau sinh để nhận được hàng loạt lợi ích sức khỏe từ loại thực phẩm này.