Trẻ dưới 1 tuổi vô cùng non nớt. Đây là giai đoạn trẻ tập làm quen với môi trường bên ngoài cũng như hoàn thiện các hệ cơ quan trong cơ thể. Trong 1 năm đầu đời, trẻ có nguy cơ cao phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe như đẻ non, nhiễm trùng, nhẹ cân, thiếu vi chất…
Đó chính là lý do các bậc phụ huynh rất quan tâm đến việc bổ sung vitamin cho trẻ dưới 1 tuổi để trẻ phát triển khỏe mạnh. Vậy trẻ 0 – 12 tháng tuổi nên được bổ sung những loại vitamin nào? Cùng Fitobimbi khám phá trong bài viết dưới đây nhé!
>>> Xem thêm: Trẻ hay cắn móng tay thiếu chất gì? Khắc phục như nào?
Các loại vitamin cần bổ sung cho bé dưới 1 tuổi
Một năm đầu đời có thể được chia thành 2 giai đoạn: 0 – 6 tháng tuổi và trên 6 tháng tuổi. Sở dĩ cần phân chia rõ ràng như vậy vì mốc thời gian 6 tháng tuổi đánh dấu sự biến chuyển trong chế độ dinh dưỡng của trẻ. Trẻ dưới 6 tháng tuổi bú mẹ hoặc ăn sữa công thức, trong khi ngoài 6 tháng, trẻ bắt đầu ăn dặm, tức là tiếp nhận thêm nguồn dinh dưỡng từ thực phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung cấp vitamin cho trẻ trước 6 tháng tuổi và sau 6 tháng tuổi khác nhau. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển của trẻ trong 2 giai đoạn này không tương đồng, dẫn đến nhu cầu năng lượng và vi chất cũng tăng giảm khác biệt.
Trẻ sơ sinh và dưới 6 tháng tuổi cần bổ sung vitamin gì?
Trẻ sơ sinh và dưới 6 tháng tuổi có thể bú mẹ hoàn toàn, bú mẹ một phần hoặc 100% sử dụng sữa công thức. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng dồi dào, có đầy đủ hầu hết các loại vitamin và khoáng chất. Sữa công thức cũng được sản xuất đảm bảo các quy chuẩn nghiêm ngặt về hàm lượng vitamin. Do đó, ở lứa tuổi này, trẻ hầu như không phải bổ sung thêm vi chất nào khác. Duy chỉ có 1 loại vitamin mà bạn cần cho trẻ uống ngoài, đó chính là vitamin D.
Vitamin D là vi chất quan trọng đảm bảo hệ xương, răng của trẻ hình thành và phát triển chắc khỏe. Bên cạnh đó, vi chất này còn tham gia củng cố hệ miễn dịch non yếu của trẻ sơ sinh và dưới 6 tháng tuổi. Trẻ thiếu vitamin D có nguy cơ cao mắc bệnh lý còi xương, viêm phổi và viêm tiểu phế quản tái diễn, kéo dài.
Vậy câu hỏi đặt ra là sữa mẹ không có đủ vitamin D hay sao mà trẻ phải uống bổ sung? Đúng vậy. Mặc dù sữa mẹ rất giàu năng lượng, vi chất và kháng thể nhưng lại có hàm lượng vitamin D rất thấp. Trung bình trong 1 lít sữa mẹ chỉ có 50 IU vitamin D. Hàm lượng này chỉ bằng 1/8 so với nhu cầu hàng ngày của trẻ. Tức là nếu bú mẹ hoàn toàn, trẻ chắc chắn không thu nhận đủ lượng vitamin D theo nhu cầu của cơ thể.
Vậy sữa công thức thì sao? Hiểu được hạn chế của sữa mẹ nên các công ty thực phẩm đã tăng hàm lượng vitamin D trong sữa công thức. Cụ thể, 1 lít sữa công thức có thể chứa 300 – 400 IU vitamin D. Tức là nếu trẻ uống được 1 lít sữa công thức hàng ngày thì có thể nhận đủ nhu cầu vitamin D. Tuy nhiên, lượng sữa này là quá lớn so với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Từ tất cả những điều đó, bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi cần được uống bổ sung vitamin D cho dù bú mẹ hay sử dụng sữa công thức.
Trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi cần bổ sung vitamin gì?
Cũng giống như trẻ 0 – 6 tháng tuổi, khi bước sang giai đoạn ăn dặm, trẻ vẫn cần được bổ sung vitamin D hàng ngày. Ngoài ra, bạn cần lưu ý bổ sung thêm cho trẻ 3 loại vitamin khác là vitamin A, B, C. Không phải trẻ dưới 6 tháng tuổi không cần 3 loại vitamin này mà vì sữa mẹ đã có đầy đủ hàm lượng những vi chất này. Bú mẹ trong 6 tháng đầu đảm bảo trẻ có đủ lượng vitamin A, B, C cần thiết.
Tuy nhiên, khi bước sang giai đoạn ăn dặm, hàm lượng vitamin trong sữa mẹ giảm đi. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng nhanh, mạnh của trẻ 6 – 12 tháng tuổi cũng đòi hỏi lượng vitamin nhiều hơn trẻ nhỏ. Đó chính là lý do bạn cần bổ sung vitamin A, B, C, D cho trẻ trong giai đoạn này để trẻ phát triển khỏe mạnh.
Vitamin A đóng vai trò quan trọng với sự phát triển thị giác của trẻ. Thiếu hụt vi chất này sẽ dẫn đến suy giảm thị lực, thậm chí mù lòa vĩnh viễn. Bên cạnh đó, vitamin A cũng tham gia vào hàng rào miễn dịch, bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây bệnh.
Vitamin B là vi chất không thể thiếu để hình thành, duy trì và phát triển hệ thần kinh khỏe mạnh. Trẻ được bổ sung đầy đủ vitamin B sẽ thông minh, nhanh nhẹn, vui vẻ và không bị thiếu máu.
Như bạn đã biết, muốn trẻ khỏe mạnh, ít bị ốm thì không thể bỏ qua vitamin C. Loại vi chất này hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, làm vững bền thành mạnh và là chất chống oxy hóa hiệu quả của cơ thể.
Xem thêm:
- Bổ Sung Vitamin Gì & Bổ Sung Như Thế Nào Cho Trẻ Sau Ốm
- Bổ Sung Vitamin Cho Trẻ Biếng Ăn Như Thế Nào Cho Đúng?
Nhu cầu vitamin ở trẻ dưới 1 tuổi
Với vitamin D, trẻ dưới 1 tuổi cần bổ sung 400 IU mỗi ngày. Nhu cầu vitamin C của trẻ thay đổi theo 2 giai đoạn: trẻ dưới 6 tháng cần 40mg/ ngày, trẻ 7 – 12 tháng cần nhiều hơn, là 50 mg/ ngày. Khác với 3 loại vitamin còn lại, vitamin A không cần uống hàng ngày mà chỉ bổ sung 1 lần duy nhất trong giai đoạn 6 – 12 tháng tuổi với liều lượng 100.000 IU. Vitamin B thực chất gồm 8 loại vitamin, được đánh số từ 1 – 12. Nhu cầu của trẻ với mỗi loại vitamin B rất khác nhau.
Cách bổ sung vitamin cho trẻ từ 0 – 12 tháng tuổi
Vậy là bạn đã biết loại vitamin cần bổ sung cho trẻ theo từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, cách bổ sung như thế nào là hợp lý? Câu trả lời là cũng phụ thuộc vào lứa tuổi: dưới 6 tháng tuổi hay trên 6 tháng tuổi.
Bổ sung vitamin cho trẻ sơ sinh và dưới 6 tháng tuổi
Uống bổ sung vitamin D
Có nên bổ sung vitamin cho trẻ sơ sinh và dưới 6 tháng tuổi không? Nếu có, cần bổ sung những vitamin gì? Câu trả lời là chỉ cần duy nhất 1 loại. Đó chính là vitamin D. Mỗi ngày bạn cần cho trẻ uống 400 IU vi chất này. Thời điểm tốt nhất để cho trẻ uống vitamin D hàng ngày là ngay trước hoặc trong bữa bú buổi sáng. Vì sữa là môi trường hòa tan và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ thể trẻ hấp thu hiệu quả vitamin D.
Khi cho trẻ uống vitamin D, bạn cần lưu ý tính toán chính xác và lấy đúng lượng vitamin cần cho trẻ uống. Tránh lấy thừa dẫn đến ngộ độc hoặc lấy quá ít khiến trẻ vẫn thiếu hụt vi chất này. Cách cho trẻ uống đơn giản nhất là dùng ống bóp nhỏ từ từ vitamin vào khóe miệng của trẻ. Cách này giúp trẻ không bị sặc và nôn trớ.
Bú mẹ
Bổ sung vitamin D thôi chưa đủ vì trẻ vẫn cần rất nhiều vi chất khác như vitamin A, B, C. Tuy nhiên, bạn không cần cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi uống thêm bất kỳ loại vitamin gì khác. Bởi cách tốt nhất để bổ sung các loại vitamin này cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi là sữa mẹ. Sữa mẹ có đầy đủ hàm lượng 3 loại vitamin này. Do đó, bạn nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Tuy nhiên, để đảm bảo hàm lượng vitamin trong sữa mẹ, bạn cần tăng cường các thực phẩm bổ dưỡng vào chế độ ăn. Không nên kiêng khem dẫn đến thiếu chất và cũng không nên chỉ ăn móng giò hay trứng vì lợi sữa. Thay vào đó, bạn nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm khác nhau, đặc biệt là những loại giàu vitamin A, B và C.
Nhóm thực phẩm giàu vitamin A bao gồm trứng, thịt, sữa, phô mai, gan, dầu cá. Ngoài ra, các loại rau xanh và hoa quả như rau cải, súp lơ xanh, cà rốt, ớt chuông, bí đỏ, cà chua, khoai lang, ổi, đu đủ, chanh leo, bơ cũng rất dồi dào vi chất này.
Rau quả, thịt động vật và ngũ cốc là 3 nhóm thực phẩm rất giàu vitamin B. Cụ thể là cam, dưa hấu, chuối, nho, bơ, thịt gà, lợn, bò, sữa, gan, trứng, hải sản, ngũ cốc, bánh mỳ, gạo, khoai tây, hạt hướng dương…
Nguồn thực phẩm cung cấp vitamin C nhiều nhất bao gồm các loại hoa quả và rau xanh. Ví dụ như ổi, kiwi, dâu tây, cam, đu đủ, chanh, bưởi, súp lơ xanh, cải bó xôi, cải xoăn, cà chua, đậu quả…
Bổ sung vitamin cho trẻ từ 6 – 12 tháng
Tăng cường thực phẩm bổ dưỡng vào chế độ ăn dặm
Trẻ trong giai đoạn 6 – 12 tháng có nguy cơ cao thiếu hụt nhiều vi chất dinh dưỡng do chế độ ăn không hợp lý. Để hạn chế tình trạng này, bạn cần ghi nhớ 2 nguyên tắc dinh dưỡng sau đây. Thứ nhất, bữa ăn dặm của trẻ cần đầy đủ 5 nhóm chất:
- Tinh bột: gạo, ngũ cốc…
- Chất đạm: trứng, thịt bò, lợn, gà, các loại cá hoặc hải sản…
- Chất béo: dầu hướng dương, dầu đậu nành…
- Rau xanh: súp lơ xanh, rau cải, nấm, đậu quả, cà chua, bí đỏ, cà rốt…
- Hoa quả: cam, chuối, bưởi, bơ, dâu tây, đu đủ, kiwi…
Khi có đủ 5 nguồn thực phẩm này trong bữa ăn hàng ngày, bạn có thể yên tâm rằng trẻ không bị thiếu hụt chất dinh dưỡng nói chung và các nhóm vitamin cần thiết nói riêng.
Nguyên tắc dinh dưỡng thứ 2 bạn cần lưu ý là hãy đa dạng món ăn. Đừng chỉ nấu cháo thịt bò bí đỏ hoặc cho trẻ ăn mỗi đu đủ vì nhiều chất dinh dưỡng. Thường xuyên thay đổi các loại thực phẩm giúp trẻ ăn ngon miệng, phát triển vị giác, khả năng nhai, nuốt đồng thời cơ thể trẻ cũng thu nhận được nhiều vi chất dinh dưỡng hơn.
Uống bổ sung vitamin C và vitamin D hàng ngày
Bạn nên cho trẻ dưới 1 tuổi uống bổ sung 2 loại vitamin. Đó là vitamin C và vitamin D. Vì sao lại như vậy? Vitamin B có nhiều trong gạo và thịt nên trẻ thường ít khi thiếu hụt vi chất này, trừ những trẻ ăn chay trường diễn. Vitamin A chỉ cần uống 1 lần liều cao duy nhất trong chương trình toàn dân cho trẻ uống vitamin A của Bộ Y tế. Ngược lại không phải trẻ nào cũng hợp tác ăn rau xanh, hoa quả và uống sữa cũng như không phải bất kỳ thời gian nào trong năm cũng có đủ tia UV. Do đó, trẻ trong lứa tuổi 6 – 12 tháng nên được uống bổ sung vitamin C và vitamin D hàng ngày để ngăn ngừa thiếu hụt hai vi chất này.
Giống như trẻ sơ sinh, trẻ 6 – 12 tháng tuổi vẫn cần 400 IU vitamin D mỗi ngày. Thời điểm và cách thức cho trẻ uống cũng không có gì thay đổi.
Đối với vitamin C, bạn nên lựa chọn sản phẩm dạng siro vì dễ uống, dễ hấp thu và dễ sử dụng. Nhu cầu của trẻ 6 – 12 tháng tuổi đối với vitamin C là 50 mg/ ngày, tương đương với 25ml siro Ferro C của Fitobimbi. Bạn có thể cho trẻ uống trực tiếp vitamin C bằng cách nhỏ vào góc miệng của trẻ hoặc hòa cùng nước trái cây, các loại sinh tố để đánh lừa những trẻ khó uống thuốc.
Uống liều cao vitamin A
Khác với vitamin C và vitamin D có thể bổ sung hàng ngày, trẻ 6 – 12 tháng tuổi chỉ cần uống 1 liều vitamin A duy nhất. Lý do là bởi vitamin A có kho dự trữ tại gan. Chỉ cần bổ sung 1 lần liều cao là đủ cho trẻ dùng suốt 6 tháng. Vì vậy, khi trẻ được 6 tháng tuổi, bạn nên để ý thông tin về Ngày hội toàn dân cho trẻ uống vitamin A của xã, phường và cho trẻ đi uống đúng lịch.
Tắm nắng
Tia UVB trong ánh nắng mặt trời tham gia quá trình tổng hợp vitamin D trên da của trẻ. Tác dụng này có hiệu quả ngay sau sinh nhưng làn da trẻ nhỏ rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Do đó, Cơ quan Y tế Quốc gia Anh khuyến cáo chỉ nên bổ sung vitamin D cho trẻ bằng cách tắm nắng khi trẻ trên 6 tháng tuổi. Lúc này, làn da của trẻ đã có sức chống đỡ tốt hơn với những ảnh hưởng có hại của tia UVB.
Thời gian lý tưởng cho trẻ tắm nắng là 11 – 15h. Đây là thời điểm ánh nắng mặt trời có nhiều tia UVB nhất, từ đó nâng cao hiệu quả tổng hợp vitamin D. Tuy nhiên, ánh nắng trong khoảng thời gian này rất gay gắt và có nhiều ảnh hưởng xấu tới trẻ như gây cháy da, ung thư da, tổn thương mắt và say nắng. Vì vậy, bạn nên bôi kem chống nắng, đeo kính râm và đội mũ rộng vành cho trẻ trước và trong khi tắm nắng nhé!
Trẻ em cần nhiều loại vitamin khác nhau để phát triển khỏe mạnh và bắt kịp tốc độ tăng trưởng. Do đó, bổ sung đầy đủ và phù hợp các nhóm vitamin cho trẻ dưới 1 tuổi rất quan trọng. Với trẻ sơ sinh và dưới 6 tháng tuổi, bạn nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn và bổ sung thêm vitamin D bằng đường uống. Khi trẻ bước sang giai đoạn ăn dặm, cần tăng cường các thực phẩm bổ dưỡng vào thực đơn của trẻ. Tiếp tục cho trẻ uống bổ sung hàng ngày vitamin D và thêm cả vitamin C. Bên cạnh đó, bạn cần chú ý lịch uống vitamin A liều cao của cơ sở y tế địa phương để cho trẻ đi bổ sung đúng lịch.