Dạy trẻ tập nói chưa bao giờ là dễ dàng với những ai lần đầu làm cha mẹ. Đừng lo, với những phương pháp dưới đây, bố mẹ sẽ giúp bé chạm gần tới cột mốc ngôn ngữ nhanh chóng hơn!
??? Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ qua từng giai đoạn
Hành trình học nói của trẻ
Ngôn ngữ của trẻ không đến một cách tự nhiên mà phải trải qua sự rèn luyện và học tập. Quá trình này diễn ra trong khoảng 3 năm đầu đời. Đây thực sự là hành trình kỳ diệu khiến cha mẹ quá đỗi tự hào.
Sau khi chào đời, bé chưa thể nói, nhưng bằng cái cau mày, vặn vẹo, vung tay, vung chân, hét lớn, quấy khóc, bé đã thể hiện được cảm xúc của mình cho cha mẹ thấy. Khả năng ngôn ngữ của bé chính thức được thể hiện vào tháng thứ 6. Dưới đây là những cột mốc mà bé đạt được:
- Trẻ từ 6 tháng: Bé bắt đầu lảm nhảm đủ thứ với những âm thanh khác nhau. Chẳng hạn như “dada”, “baba”. Không những thế, bé còn có thể phản ứng thích thú khi được ai đó gọi tên, nhận ra được giọng nói quen thuộc của bố mẹ
- Trẻ từ 9 tháng: Trẻ sử dụng được vài từ đơn giản như “tạm biệt” và “không”. Bé cũng bắt đầu dùng cử chỉ nhiều hơn để bày tỏ mong muốn của mình
- Trẻ từ 12 tháng: Trẻ có thể hiểu và làm theo được những mệnh lệnh đơn giản. Vốn từ vựng cũng đang trong quá trình “lấp đầy”
- Trẻ từ 18 tháng: Trẻ có thể nhận biết các bộ phận trên cơ thể, biết tên đồ vật, người. Đồng thời bắt chước được âm thanh của người lớn
- Trẻ 2 tuổi: Trẻ có khả năng ghép 2 – 3 từ đơn thành câu ngắn. Chẳng hạn như “mẹ bế”, “con sữa”,…
- Trẻ 3 tuổi: Vốn từ vựng của trẻ gia tăng đáng kể, trẻ có thể nghe, hiểu và thực hiện những mệnh lệnh “khó nhằn” hơn
??? Mẹ có bao giờ thắc mắc: Vì sao bé trai chậm nói hơn bé gái?
Phương pháp dạy trẻ tập nói
Để thúc đẩy khả năng ngôn ngữ của bé, mẹ đừng quên áp dụng những cách dạy con tập nói dưới đây:
Trò chuyện với trẻ thường xuyên
Không có phương pháp dạy nói nào tốt và hiệu quả hơn cách trò chuyện với trẻ thường xuyên. Thông qua đó, trẻ sẽ “tắm” ngôn ngữ một cách tự nhiên, cũng như tạo được hứng thú cho bé mỗi khi trò chuyện.
Cha mẹ hãy tận dụng mọi cơ hội để được trò chuyện với. Ngay cả khi đang tắm, khi nấu ăn,… có rất nhiều chủ đề để bạn có thể tạo nên được một cuộc trò chuyện ý nghĩa với bé.
Đặt câu hỏi
Khi bắt đầu bước vào tháng thứ 3, khả năng quan sát của trẻ đã bắt đầu bộc lộ. Cha mẹ hãy thường xuyên đặt câu hỏi về những điều mà bé quan tâm. Chẳng hạn như: “Con đang nhìn quả bóng màu đỏ à”, “chiếc xe ô tô đó thật đẹp đúng không?”,… Đồng thời cho trẻ nhận biết các đồ vật mà chúng nhìn thấy: “bông hoa kìa”, “ô tô kìa”,… Đây sẽ là những bước đệm thực sự hữu ích trong quá trình dạy trẻ tập nói đó!
Bắt chước âm thanh của bé
Thêm một cách dạy bé tập nói khá hiệu quả nữa mà bố mẹ nên áp dụng đó chính là bắt chước âm thanh của bé. Khi trẻ chưa thể nói tròn vành rõ chữ, chúng thường phát ra những âm thanh như “dada”, baba”,… Đây không đơn giản là những âm thanh vô nghĩa mà là cách trẻ thể hiện cảm xúc. Lúc này, mẹ hãy bắt chước trẻ để phản hồi lại ngôn ngữ của trẻ. Điều này sẽ khuyến khích bé bi bô nhiều hơn, có lợi quá trình học nói.
Hát cùng bé
Những bài hát có giai điệu vui vẻ, lời lặp đi lặp lại sẽ mang lại hứng thú cho bé. Mẹ đừng nghĩ mình hát không hay mà không hát cho bé nghe nhé. Chúng không quan tâm điều đó đâu! Quan trọng là bé thấy rất vui và điều này sẽ giúp con học hỏi rất nhanh.
Đọc sách
Đọc sách là cách giúp cho trí não của bé phát triển, đồng thời kích thích được khả năng sáng tạo, tưởng tượng. Vì vậy, muốn bé biết nói sớm, mẹ đừng quên cho con yếu tiếp xúc với với những cuốn sách, truyện từ sớm nhé! Mẹ nên lựa chọn những cuốn sách có hình ảnh sinh động, ngộ nghĩnh, nội dung thú vị để thu hút bé hơn nhé!
Đừng quên khen ngợi
Mỗi khi bé học được từ mới, đừng quên tán tưởng với những nỗ lực nói chuyện của bé. Điều này giúp bé hiểu rằng mình đang làm rất tốt và có động lực để học nói.
??? Trẻ chậm nói có thêm 7 biểu hiện này là em bé thông minh bẩm sinh
Trẻ chậm nói phải làm sao?
Nếu khả năng ngôn ngữ của bé không tuân theo hành trình kể trên, cha mẹ có thể nghi ngờ bé chậm nói. Điều bạn có thể làm lúc này đó là:
- Kiểm tra thính giác: Tỷ lệ trẻ chậm nói do nghe kém chiếm rất cao. Vì vậy, hãy đưa bé đi khám thính giác trước 3 tháng để giảm thiểu nguy cơ mắc chứng chậm nói nhé!
- Thăm khám bệnh học: Những chuyên gia trị liệu sẽ cho mẹ lời khuyên hữu ích về cách tương tác với trẻ chậm nói. Vì vậy, hãy tìm sự giúp đỡ của chuyên gia trong trường hợp cần thiết nhé
- Sàng lọc bệnh lý: Chậm nói có thể là dấu hiệu nhận biết của rất nhiều bệnh lý liên quan đến rối loạn phát triển. Chẳng hạn như chậm phát triển, tự kỷ,… Vì vậy, trẻ cần khám sàng lọc bệnh lý để có biện pháp can thiệp phù hợp
- Tập nói chuyện với bé: Ngoài việc áp dụng các biện pháp trị liệu từ chuyên gia, bé sẽ rất cần sự hỗ trợ của cha mẹ để có thể rút ngắn “khoảng cách” ngôn ngữ so với bạn bè. Và cách tốt nhất để thúc đẩy khả năng này đó chính là nói chuyện với bé thường xuyên
Trên đây là một số cách dạy trẻ tập nói. Nếu chẳng may con có chậm nói hơn bạn bè một chút, hãy thật kiên nhẫn và lựa chọn những giải pháp phù hợp để sớm cải thiện tình trạng nhé!