Nội dung chính

Tắm lá đào cho trẻ sơ sinh – Không cẩn thận là gây hại cho con

Nhiều người lựa chọn phương pháp tắm lá đào cho trẻ mới sinh nhằm mục đích trị cứt trâu, rụng lông tơ,… Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nhấn mạnh rằng, việc cho trẻ sơ sinh tắm bằng lá đào có thể gây hại cho sức khỏe của con.

Vài điều cần biết về lá đào

Lá đào trong bài thuốc tắm trị cứt trâu, rụng lông chính là lá của cây đào ăn quả, được trồng nhiều ở miền bắc.

Lá đào còn được gọi với cái tên đào diệp. Theo y học cổ truyền, lá đào có vị đắng, tính bình, có tác dụng làm tan huyết tụ, giảm đau, lợi tiểu, chống dị ứng, sát khuẩn, chữa lở ghẻ, sưng ngứa, ngâm chữa đau chân. Ngoài ra, lá đào cũng được sử dụng để chữa sốt rét, mề đay.

Lá đào chính là lá của cây đào ăn quả
Lá đào chính là lá của cây đào ăn quả

Công dụng và cách tắm lá đào cho trẻ sơ sinh theo quan niệm dân gian

Lá đào được cho là có nhiều lợi ích trong việc hỗ trợ điều trị các chứng bệnh ngoài da ở cả người lớn và trẻ em.

Công dụng của nước tắm lá đào

Công dụng nổi tiếng nhất của nước tắm lá đào là làm rụng lông, trị chứng cứt trâu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, lá đào còn có tác dụng làm se, giảm sưng, diệt ký sinh trùng nên có khả năng chữa lành vết loét, mụn nhọt, rôm sảy.

Không những thế, người ta còn tìm thấy trong loại lá này các chất tanin, phenol, axit amin và flavonoid. Chúng nổi tiếng với khả năng giữ, chống oxy hóa, làm mềm mịn da.

Bên cạnh đó, axit citric và malic có trong lá đào còn có công dụng giảm mệt mỏi, khó chịu, căng thẳng… hiệu quả.

Nước tắm lá đào được tin là có khả năng trị chứng cứt trâu, làm rụng lông
Nước tắm lá đào được tin là có khả năng trị chứng cứt trâu, làm rụng lông

Cách tắm lá đào cho trẻ sơ sinh

Để tắm cho trẻ bằng lá đào, cha mẹ cần:

  • Chọn lá đào tươi, sạch, không chứa thuốc trừ sâu và các chất độc hại khác
  • Rửa sạch lá đào với nước sạch nhiều lần, sau đó ngâm lá trong nước muối loãng 10 – 15 phút để diệt khuẩn
  • Cho lá đào vào ấm sạch, thêm nước và nấu cho đến khi nước chuyển màu vàng đậm
  • Chắt lấy phần nước lá đào đã nấu, pha với nước sạch để tắm cho con. Nước tắm của trẻ nên có nhiệt độ trong khoảng 36 – 38 độ C

Ngoài ra, lá đào còn có thể được nấu chung với lá khế để tắm trị ngứa hoặc giã trực tiếp và đắp lên vùng da bị ghẻ.

Cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da an toàn hiệu quả

Có nên tắm lá đào cho trẻ sơ sinh?

Trong một bài viết được đăng trên báo khoahocdoisong.vn, các chuyên gia y tế nhấn mạnh rằng, tắm lá đào cho trẻ sơ sinh có thể là một việc làm không an toàn.

Thứ nhất, lá đào không hề có tác dụng làm rụng lông. Lông trên cơ thể trẻ nhiều là do di truyền và chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào chứng minh được công dụng triệt lông của lá đào.

Thứ 2, trong Đông y, nước tắm lá thảo dược có hiệu quả trong việc điều trị nhiều chứng bệnh ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, việc tắm lá cũng phải có chỉ định rõ ràng với từng bệnh, với từng đối tượng và phải được hướng dẫn bởi người có chuyên môn. Mặc dù nhiều loại lá có tác dụng làm sạch da, điều trị mụn nhọt, nhưng không phải trẻ nào cũng thích hợp để sử dụng.

Thứ 3, da của trẻ sơ sinh rất yếu và mỏng manh, các chức năng bảo vệ kém nên dễ nhiễm khuẩn. Trong khi đó, các loại lá tắm trôi nổi ngoài thị trường có thể có chứa thuốc trừ sâu, các loại thuốc bảo vệ thực vật khác,… nên tính nhiễm khuẩn cao. Khi xử lý lá không đúng cách, nước tắm từ lá có thể khiến da bé bị tổn hại.

Theo đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, khi trẻ sơ sinh có dấu hiệu viêm da, bị mụn nước, đỏ, lở loét ở một số vùng hoặc toàn bộ cơ thể, thì cha mẹ nên đưa con đến khám da liễu. Khi đó, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng da và sức khỏe của con để hướng dẫn sử dụng các loại thuốc an toàn.

Không nên tự ý tắm lá đào cho trẻ sơ sinh
Không nên tự ý tắm lá đào cho trẻ sơ sinh

Cần đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không tắm cho trẻ sơ sinh bằng lá trúc đào. Nước lá trúc đào có độc tố mạnh, có thể ngấm qua vết thương hở, thấm vào máu gây ngộ độc máu.

Việc tắm lá đào cho trẻ sơ sinh có rất nhiều điều cần lưu ý; nếu không cẩn thận, bài thuốc tưởng chừng vô hại có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con. Nếu trẻ bị rôm sảy, mụn nhọt, hăm ở mức nhẹ thì cha mẹ có thể cho con tắm bằng các loại lá quen thuộc, lành tính như lá khế, lá sài đất,… Trong trường hợp con bị mụn, viêm loét nặng,… cha mẹ cần đưa con đi khám da liễu để có phương án điều trị phù hợp.

Nguôn: Fitobimbi

Chia sẻ bài viết này