Thuốc chữa hắt hơi, sổ mũi mua được ở hiệu thuốc thường không được khuyến khích cho trẻ em sử dụng. Nhưng có rất nhiều cách chữa hắt hơi, sổ mũi tại nhà cho trẻ em an toàn, hiệu quả đáng để thử. Hãy cùng Fitobimbi tìm hiểu xem có những cách nào nhé!
Nguyên nhân trẻ bị hắt hơi, sổ mũi
Hắt hơi thường đi kèm với sổ mũi, nghẹt mũi. Sổ mũi, nghẹt mũi xảy ra khi mũi tiết nhiều chất nhầy hơn bình thường để đáp ứng lại với các tác nhân mà cơ thể cho là nguy hiểm (virus, vi khuẩn, bụi, phấn hoa, lông thú cưng,…). Khi các tác nhân thâm nhập vào mũi, chất nhầy sẽ được tiết ra để “bẫy” và ngăn không cho chúng đi sâu vào trong. Đồng thời, cơ chế hắt hơi sẽ được kích thích nhằm đẩy các chất lạ xâm nhập vào mũi ra ngoài.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị hắt hơi, sổ mũi. Những nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:
- Cảm lạnh, cảm cúm
- Viêm mũi dị ứng (do tiếp xúc với các chất gây dị ứng như phấn hoa, bụi, lông động vật,…)
- Không khí khô
- Có vật lạ trong mũi
Ngoài ra, hắt hơi, sổ mũi cũng có thể là triệu chứng của một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:
- Viêm họng
- Viêm xoang
- Viêm amidan
- Lệch vách ngăn mũi
10+ mẹo chữa hắt hơi, sổ mũi cho bé tại nhà
Nhìn chung, sổ mũi, hắt hơi không phải là điều đáng lo ngại. Nếu trẻ không có bất kỳ triệu chứng nào khác, có một số cách có thể kiểm soát sổ mũi tại nhà với các phương pháp tự nhiên mà không cần dùng đến thuốc.
Nhỏ nước muối sinh lý
Trẻ bị hắt hơi, sổ mũi phải làm sao? Nhỏ nước muối sinh lý là một trong những cách chữa hắt hơi, sổ mũi tại nhà an toàn, hiệu quả nhất. Nó có thể được áp dụng cho cả trẻ sơ sinh.
Hiệu quả của phương pháp này đã được chứng minh trong một nghiên cứu năm 2021 – nghiên cứu được tiến hành trên những người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên. Theo đó, người ta nhận thấy, việc nhỏ nước muối sinh lý có tác dụng cải thiện các triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi,…
Cách sử dụng nước muối sinh lý để chữa hắt hơi, sổ mũi cũng rất đơn giản. Mẹ chỉ cần:
- Cho con nằm, đầu hơi ngửa ra sau
- Nhỏ lần lượt 1 – 2 giọt nước muối sinh lý vào từng lỗ mũi của con, sau đó giữ con nằm yên trong 30 – 60 giây để dung dịch phát huy tác dụng
- Sau đó cho con xì mũi ra khăn sạch (với trẻ lớn, đã biết xì mũi) hoặc sử dụng dụng cụ hút mũi để hút chất nhầy ra khỏi mũi con
- Dùng khăn sạch, ẩm lau nhẹ mũi cho con
Sử dụng máy hút mũi để loại bỏ chất nhầy
Đối với trẻ sơ sinh chưa biết cách xì mũi, máy hút hoặc bóng hút sẽ hữu ích. Chúng giúp hút chất nhầy ra khỏi mũi và làm thông thoáng đường thở.
Cách sử dụng bóng hút cụ thể như sau: bạn chỉ cần dùng tay bóng vào bầu bóng (như hình dưới đây) để đẩy không khí ra ngoài, tạo môi trường chân không. Sau đó đưa đầu hút vào lỗ mũi trẻ và thả ngón tay bóng bầu bóng ra để không khí được hút vào. Khi không khí được hút vào bầu, nó sẽ mang theo chất nhầy trong mũi.
Uống nhiều nước (với trẻ trên 6 tháng tuổi)
Nếu con bị sổ mũi, cha mẹ nên cho con uống nhiều nước hơn (nước lọc, nước canh ấm là lựa chọn hàng đầu). Uống đủ nước giúp chất nhầy trong xoang loãng và dễ dàng hút ra ngoài. Nếu không, chất nhầy có thể trở nên đặc, dính khiến con khó thở.
Sử dụng máy tạo ẩm
Theo một nghiên cứu năm 2019, hít hơi nước ấm từ máy phun sương giúp cải thiện đáng kể tình trạng tích tụ chất nhầy trong mũi do viêm mũi dị ứng.
Tương tự, một nghiên cứu năm 2015 được tiến hành trên những người bị cảm lạnh thông thường cho thấy phương pháp này khá hiệu quả. Nó giúp người bệnh khỏi bệnh nhanh hơn.
Máy tạo độ ẩm hoạt động bằng cách biến nước thành hơi để làm ẩm không khí. Khi trẻ hít thở hơi ẩm, chất nhầy trong mũi sẽ được làm loãng, giúp dễ đẩy ra ngoài. Không chỉ thế, hơi nước còn giúp làm ẩm niêm mạc và xoa dịu các xoang bị kích thích.
Nếu bạn sử dụng máy phun sương, điều quan trọng là bạn phải vệ sinh máy thường xuyên theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nếu không, nó có thể trở thành nơi sinh sản của các vi sinh vật như nấm mốc, vi khuẩn, có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về xoang.
Tắm nước ấm
Tắm bằng nước ấm rất có lợi cho trẻ em đang bị sổ mũi hắt hơi. Hơi nước ấm, ẩm khi được hít vào sẽ giúp làm loãng chất nhầy trong mũi và làm thông đường thở. Không chỉ thế, ngâm mình trong nước ấm còn giúp cơ thể thư giãn, giúp con ngủ ngon hơn.
Chườm ấm
Bạn có thể đặt gạc hoặc khăn ấm, ẩm lên trán và mũi con nhiều lần mỗi ngày. Điều này giúp cải thiện tình trạng chảy nước mũi và làm dịu áp lực xoang.
Chườm ấm có tác dụng thúc đẩy lưu thông máu trong xoang. Đồng thời, khăn ẩm cũng bổ sung độ ẩm cho không khí mà con hít vào.
Cách chườm ấm rất dễ, bạn chỉ cần ngâm một miếng vải sạch vào nước ấm (không dùng nước nóng, tránh làm bỏng trẻ) và đặt lên trán, mũi (tránh lỗ mũi) trong vòng 15 – 20 phút.
Massage chữa hắt hơi, sổ mũi tại nhà
Massage toàn thân có tác dụng làm ấm cơ thể, tăng cường lưu thông máu, giúp trẻ thoải mái. Ngoài ra, mẹ cũng có thể massage mũi để trẻ nhanh khỏi hắt hơi, sổ mũi. Cách massage mũi như sau:
- Mẹ sử dụng 2 ngón trỏ và cái kẹp nhẹ vào 2 bên sống mũi của trẻ
- Vuốt nhẹ nhàng theo chiều từ dưới lên trên chân mày
Mẹ thực hiện động tác này 5 – 10 phút để làm ấm xoang mũi, đưa dưỡng chất đến khu vực bị tổn thương, giúp bé tránh bị nghẹt mũi, dễ thở hơn. Trong khi massage mũi cho con, mẹ cần theo dõi phản ứng của trẻ. Nếu trẻ có biểu hiện đau, mẹ hãy giảm nhẹ áp lực xuống.
Chữa hắt hơi, sổ mũi bằng bài thuốc dân gian
Nếu trẻ bị hắt hơi, sổ mũi do cảm lạnh, mẹ có thể cho con sử dụng các bài thuốc dân gian dưới đây. Những bài thuốc này có tác dụng làm dịu cổ họng, kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng, giúp con nhanh chóng khỏi bệnh và đẩy lùi các triệu chứng bệnh bao gồm sổ mũi, hắt hơi.
Lưu ý: Không sử dụng các bài thuốc dân gian dưới đây cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Không sử dụng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi.
Chữa hắt hơi sổ mũi bằng lá hẹ
- Chuẩn bị 10g lá hẹ tươi, 20g nghệ tươi, 1 quả chanh
- Hẹ rửa sạch, cắt khúc; nghệ nướng chín cạo vỏ, giã nát; chanh thái lát mỏng, bỏ hạt
- Cho nguyên liệu vào bát, thêm nước lọc ngập nguyên liệu và hấp cách thủy trong 15 phút
- Chắt lấy nước cho bé uống 2 lần/ngày, mỗi lần 2 – 3 thìa cafe
Chữa hắt hơi, sổ mũi bằng hoa hồng trắng
- Chuẩn bị 20g cánh hoa hồng trắng tươi và chút đường phèn
- Hoa hồng rửa sạch, để ráo nước
- Cho cánh hoa hồng và đường vào bát, sau đó hấp cách thủy trong 15 phút
- Chắt nước cho bé uống 3 lần/ngày; mỗi lần 2 – 3 thìa cafe
Chữa hắt hơi, sổ mũi bằng tần lá dày
- Chuẩn bị 2 – 3 lá tần lá dày, rửa sạch, để ráo nước
- Giã nát lá và trộn chung với một chút nước ấm
- Chắt lấy phần nước cho trẻ uống 2 lần/ngày; mỗi lần 2 – 3 thìa cafe
Lưu ý khi chữa hắt hơi, sổ mũi tại nhà
- Cha mẹ không nên tự ý mua và cho con sử dụng thuốc tây để điều trị hắt hơi, sổ mũi. Chúng có thể gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của con
- Nếu ngoài hắt hơi, sổ mũi; trẻ có các triệu chứng khác như sốt, ho, đau đầu,… cha mẹ nên liên hệ với bác sĩ nhi khoa. Bác sĩ có thể cho bạn các lời khuyên hữu ích về việc sử dụng thuốc để điều trị cho con
- Nếu tình trạng hắt hơi, sổ mũi của con kéo dài, không có dấu hiệu thuyên giảm; cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời
- Nếu triệu chứng sổ mũi của con trở nên nghiêm trọng hơn; kèm các biểu hiện bất thường về mặt sức khỏe như khó thở, sốt cao,… mẹ nên đưa con đến bệnh viện ngay lập tức
Có nhiều cách chữa hắt hơi, sổ mũi tại nhà cho trẻ mà mẹ có thể áp dụng. Tuy nhiên, không có biện pháp nào trong số những biện pháp này có thể chữa khỏi nguyên nhân khiến trẻ bị sổ mũi (cụ thể là cảm lạnh, nhiễm virus hoặc dị ứng). Những tips trên đây chỉ giúp con cảm thấy thoải mái hơn. Cha mẹ hãy đưa con đến gặp bác sĩ nếu con có các triệu chứng khác như sốt, ho, đau đầu,…