Nội dung chính

Trẻ thở rít: Giải mã nguyên nhân và cách chăm sóc

Trẻ thở rít là hậu quả của tình trạng đường thở bị hẹp hoặc tắc nghẽn một phần. Tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh, do cấu trúc đường thở ngắn và nhỏ. Bài viết dưới đây sẽ chỉ cho mẹ thấy một số nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh thở rít, từ đó giúp phụ huynh chủ động chăm sóc hiệu quả.

>>> Tìm hiểu thêm:

Giải mã nguyên nhân trẻ thở rít và cách chăm sóc
Giải mã nguyên nhân trẻ thở rít và cách chăm sóc

Thở rít là gì?

Thở rít là một âm thanh có âm sắc cao. Bạn có thể nghe rõ nhất khi trẻ hít vào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ thở rít cũng có thể xuất hiện khi thở ra. Nguyên nhân trẻ bị thở rít là do sự tắc nghẽn làm hẹp bên trong đường hô hấp trên của con bạn. Tiếng thở rít sẽ khác nhau tùy thuộc vào vị trí tắc nghẽn.

Nguyên nhân trẻ thở rít

Đường hô hấp trên ở trẻ em ngắn và hẹp nên có nhiều khả năng dẫn đến các vấn đề tắc nghẽn. Một trong số đó là tình trạng thở rít. Vì vậy, nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ thở rít là do bất thường cấu trúc giải phẫu trong đường thở của trẻ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp là do bệnh lý. Cụ thể như sau:

Nguyên nhân bẩm sinh

Mềm sụn thanh quản

Đây là tình trạng cấu trúc thanh quản bị mềm và xẹp của thượng thanh môn, dẫn đến hiện tượng tắc đường thở một phần, khi hít vào xuất hiện tiếng thở rít. Bên cạnh đó, trẻ còn xuất hiện những biểu hiện như: khó nuốt, sặc, ho, nôn mửa, sụt cân, nồng độ oxy thấp, đột ngột ngừng thở vài giây,… 

Nhìn chung, hầu hết các trường hợp mềm sụn thanh quản đều có thể tự cải thiện mà không cần điều trị. Rất hiếm trẻ bị mềm sụn thanh quản mức độ nặng, phải chỉ định phẫu thuật. Do đó, ba mẹ không cần phải quá lo lắng.

Dấu hiệu mềm sụn thanh quản
Dấu hiệu mềm sụn thanh quản

Bướu máu hạ thanh môn

Bướu máu hạ thanh môn là bệnh lý lành tính. Đây là tình trạng tăng sinh mạch máu tạo thành bướu máu ở dưới hai dây gây tắc nghẽn đường thở. Tình trạng này có thể xuất hiện trong những tháng đầu đời ở trẻ. Bướu sẽ phát triển lớn nhất vào tháng thứ 6 đến tháng thứ 10. Sau 1 năm đầu là bắt đầu vào quá trình thoái hóa tự nhiên. Và thường biến mất hoàn toàn hoặc một phần vào lúc 5 tuổi.

Vòng mạch máu

Trẻ thở rít là một trong những dấu hiệu điển hình của vòng mạch máu. Đây là tình trạng khí quản bị đè ép bởi động mạch hoặc tĩnh mạch, tạo thành vòng xung quanh bên ngoài. Dị tật bẩm sinh này rất hiếm gặp nhưng lại vô cùng nguy hiểm, có thể khiến trẻ ngừng thở bất cứ lúc nào. Bởi vậy ngay khi phát hiện, trẻ cần phải làm phẫu thuật ngay.

Hẹp hạ thanh môn

Hẹp hạ thanh môn là thuật ngữ mô tả phần thanh quản bên dưới dây thanh âm trở nên quá hẹp. Bệnh lý bẩm sinh này không được chẩn đoán khi mới sinh. Thông thường, sau khoảng vài tháng, các triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện. Nhất là khi đường thở của trẻ bị kích thích do các yếu tố về thời tiết và virus. Tương tự như tình trạng thở rít do mềm sụn thanh quản, hẹp hạ thanh môn có thể hồi phục hoàn toàn mà không cần can thiệp. Trường hợp bị tắc nghẽn nghiêm trọng, trẻ sẽ cần phải phẫu thuật.

Hẹp hạ thanh môn ở trẻ
Hẹp hạ thanh môn ở trẻ

Nguyên nhân nhiễm trùng

Viêm thanh khí phế quản

Viêm thanh khí phế quản là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp. Tình trạng này kéo dài có thể gây phù nề ở đường thở, khiến trẻ thở rít và một số triệu chứng về hô hấp khác. Bệnh gây bởi nhiều loại virus khác nhau, phổ biến nhất là parainfluenza. Đối tượng thường gặp là trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi.

Viêm thanh thiệt

Viêm thanh thiệt hay nắp thanh môn, do vi khuẩn gây nên, dẫn đến tắc nghẽn và phù nề thanh thiệt. Nắp thanh môn có cấu trúc sụn đàn hồi, giúp ngăn không cho thức ăn vào khí quản khi nuốt. Hiện nay, bệnh rất hiếm xảy ra vì hầu hết trẻ đều được tiêm vắc xin đầy đủ.

Trẻ bị viêm thanh thiệt
Trẻ bị viêm thanh thiệt

Viêm phế quản

Viêm phế quản là hiện tượng viêm nhiễm tại phế quản do vi khuẩn hoặc virus. Ngoài ra, một số tác nhân vật lý hoặc hóa học như thuốc lá, bụi bẩn, phấn hoa, lông vật nuôi,… cũng có thể gây ảnh hưởng đến trẻ. Bệnh viêm phế quản rất hay gặp ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên lại không có dấu hiệu nào thực sự rõ ràng. Những triệu chứng đầu tiên mà các mẹ nên để ý là trẻ bỏ bú hoặc bú ít, khó, khó thở, trẻ thở rít, nôn ói, đau ngực,…

Viêm amidan

Amidan là tổ chức lympho có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể trước tác nhân gây hại. Mặc dù có vai trò miễn dịch nhưng nếu số lượng vi khuẩn, virus quá nhiều hoặc miễn dịch cơ thể yếu, amidan không thể chống lại mà có thể bị tấn công và viêm nhiễm. Nếu amidan sưng to, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng khác thở rít, khó nuốt, ngủ ngáy, đau họng,…

Trẻ bị viêm amidan
Trẻ bị viêm amidan

Các triệu chứng đi kèm

Tình trạng trẻ thở rít thường đi kèm với các triệu chứng khác như 

  • Khó nuốt
  • Đau họng
  • Khàn tiếng
  • Sốt
  • Ho đờm hoặc ho khan
  • Chảy nước miếng
  • Tiếng thở rên
  • Cánh mũi phập phồng khi thở
  • Thở nhanh

Chẩn đoán trẻ thở rít như thế nào?

Thở rít được chẩn đoán dựa vào bệnh sử và quá trình thăm khám của bác sĩ. Nếu trẻ thở rít, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm sau đây để xác định nguyên nhân:

  • Nội soi phế quản. Thở rít là bệnh lý bẩm sinh hoặc mãn tính nên cần quan sát hình ảnh trực tiếp của đường thở bằng ống soi phế quản để xác định chính xác. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ tiến hành gây mê nên không thấy đau
  • X quang ngực và cổ
  • Xét nghiệm máu để phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng

Điều trị thở rít ở trẻ

Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của thở rít. Ở thể nhẹ, trẻ có thể chăm sóc tại nhà. Trường hợp nghiêm trọng hơn, trẻ cần điều trị nội trú và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu nhiễm vi khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Nếu mức độ nặng, ngoài dùng thuốc và truyền dịch, trẻ còn cần hỗ trợ oxy.

Khi trẻ thở rít gây bởi một khối u, dị vật mắc kẹt hoặc hẹp khí quản, con bạn có thể cần phải phẫu thuật.

Điều trị trẻ bị thở rít theo chỉ định từ bác sĩ
Điều trị trẻ bị thở rít theo chỉ định từ bác sĩ

Hướng dẫn chăm sóc trẻ thở rít tại nhà

Với các trường hợp thở rít mức độ nhẹ, ba mẹ hoàn toàn có thể chăm sóc trẻ tại nhà mà không cần can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần cẩn thận theo dõi xem bé có xuất hiện các triệu chứng bất thường nào khác không để kịp thời xử lý.

Trong quá trình chăm sóc bé tại nhà, phụ huynh cần lưu ý những điềm sau:

  • Hạn chế cho bé nằm ngửa: Nằm ở tư thế ngủ sẽ khiến tình trạng tắc nghẽn ở trẻ ngày càng tồi tệ hơn. Vì vậy, khi ngủ, mẹ nên nâng nhẹ đầu con lên hoặc cho bé nằm nghiêng
  • Vệ sinh mũi họng cho bé: Mẹ nên thường xuyên vệ sinh mũi bé bằng nước muối sinh lý 1 – 2 lần mỗi ngày. Điều này sẽ giúp làm lỏng dịch nhầy trong mũi, cho bé thoải mái và dễ thở hơn
  • Nếu việc ăn hoặc bú của bé gặp trở ngại, mẹ nên chia các bữa ăn thành nhiều cữ. Điều này sẽ giúp bé tránh được tình trạng nôn trớ, cũng như tiêu hóa thức ăn tốt hơn
  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và đầy đủ dinh dưỡng. Điều này giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, có trạng tốt để bệnh sớm phục hồi
  • Cho bé bú đúng cách: Khi trẻ thở rít, điều này sẽ gây một số bất lợi trong quá trình bú. Trẻ sẽ dễ bị nôn trớ hoặc bú gián đoán. Vì vậy, mẹ cần cho bé bú đúng tư thế, đảm bảo phần đầu và thân phải nằm trên cùng một đường thẳng, bụng trẻ áp sát vào mẹ, mặt quay vào vú mẹ
  • Cần đưa trẻ đi khám định kỳ theo đúng yêu cầu của bác sĩ cho đến khi bệnh khỏi hoàn toàn

Trong số những nguyên nhân khiến trẻ thở rít, mềm sụn thanh quản là phổ biến nhất. Tình trạng này không quá nghiêm trọng, trẻ có thể tự phục hồi nếu được chăm sóc đúng cách. Trong quá trình điều trị, nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường như khó thở, nôn trớ, tím tái, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.

Chia sẻ bài viết này