Trẻ sơ sinh thở khò khè và hay vặn mình không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày mà còn tiềm ẩn bệnh lý nguy hiểm. Điều này khiến phụ huynh cực kỳ lo lắng, nhất là người mới làm ba mẹ lần đầu. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về tình trạng này. Cùng tham khảo nhé!
Hiện tượng trẻ sơ sinh thở khò khè và hay vặn mình
Khò khè là âm thanh tạo ra khi đường dẫn khí của phế quản và tiểu phế quản bị tắc nghẽn hoặc hẹp một phần. Bên cạnh khò khè, tiếng rít cũng có thể xuất hiện, nhưng khác với tiếng ngáy nên ba mẹ cần đặc biệt lưu ý.
Vặn mình là hiện tượng thường bắt đầu và kết thúc trong vài phút khi thức hoặc khi ngủ. Tình trạng này có ở hầu hết các trẻ sơ sinh từ vài tuần tuổi tới 2 tháng tuổi. Do khả năng hưng phấn của vỏ não còn yếu, trong khi đó những kích thích của môi trường là quá mức, trẻ thường có cơ chế ức chế bảo vệ, dẫn đến hiện tượng vặn mình, vận động tay chân thường xuyên. Trong một số trường hợp, trẻ vặn mình còn kèm theo tiếng thở khò khè. Ba mẹ cần đặc biệt lưu ý vì con có thể đang mắc một bệnh lý tiềm ẩn.
Vì sao trẻ sơ sinh thở khò khè và hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh bị khò khè và hay vặn mình có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể như:
- Bé bị đờm: Tình trạng tăng tiết đờm khiến bé dễ bị sặc và nôn trớ khi bú sữa. Trong khi đó, trẻ nhỏ chưa có phản xạ đẩy đờm ra ngoài như người lớn nên dẫn đến khò khè, khó chịu
- Cảm lạnh: Đây là nguyên nhân chính khiến bé bị nghẹt mũi, khó thở do dịch nhầy tắc nghẽn làm hẹp đường dẫn khí. Điều này khiến trẻ thở hổn hển và trằn trọc liên tục
- Sặc sữa: Bé bú sữa bị sặc nếu không được xử lý kịp thời sẽ khiến sữa sặc lên mũi gây viêm mũi và chảy dịch mũi. Điều này làm cản trở sự lưu thông đường thở, khiến bé khò khè, khó thở
- Do hệ hô hấp của bé chưa phát triển nên khi bé thở phát ra tiếng khò khè
- Nếu mẹ thấy trẻ sơ sinh thở khò khè và hay vặn mình có thể do con bị mắc dị vật trong cổ họng, do hen suyễn, viêm phế quản hoặc các yếu tố khác
- Bên cạnh đó, khò khè còn là dấu hiệu của một số vấn đề tiêu hóa, khiến cổ họng sản sinh nhiều đờm. Điều này làm trẻ khó chịu và không thoải mái
- Nếu trẻ khò khè và hay vặn mình kèm theo triệu chứng rụng tóc vành khăn, quấy khóc, chậm mọc răng thì có thể là biểu hiện của tình trạng thiếu vitamin D và canxi
- Mặc dù hiếm gặp, nhưng, khò khè và vặn mình còn là dấu hiệu của một trong số các dị tật bẩm sinh về đường hô hấp hoặc cũng có thể u phổi
Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh không chỉ khò khè hay vặn mình mà còn xuất hiện các dấu hiệu bất thường như mặt tím tái, ngủ li bì, không chịu bú, thở nhanh,… cha mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện để được xử lý kịp thời, tránh để lâu gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Trẻ sơ sinh thở khò khè và hay vặn mình phải làm sao?
Dựa vào nguyên nhân gây khò khè và vặn mình, phụ huynh nên áp dụng biện pháp phù hợp để giúp sức khỏe con sớm hồi phục. Dưới đây là một số cách chăm sóc tại nhà mà cha mẹ có thể tham khảo:
Vệ sinh mũi cho bé
Trường hợp bé khò khè do gặp các vấn đề về đường hô hấp như cảm lạnh, viêm phế quản,… việc vệ sinh mũi là rất quan trọng. Mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lý có bán ở các hiệu thuốc tây để đảm bảo nồng độ an toàn và phù hợp với trẻ. Nước muối sinh lý ngoài tác dụng làm sạch, loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, virus, nó còn giúp làm loãng dịch nhầy. Qua đó đẩy chúng ra ngoài dễ dàng hơn, mang lại cho bé cảm giác thoải mái và dễ chịu.
Điều chỉnh tư thế ngủ cho bé
Tư thế ngủ ở trẻ là phản xạ, ở mỗi trẻ khác nhau. Vì vậy, nếu tư thế ngủ hiện tại khiến tình trạng trẻ sơ sinh khò khè và hay vặn mình trở nên nghiêm trọng, cha mẹ nên điều chỉnh sao cho phù hợp.
Theo đó, tư thế nằm nghiêng là tư thế ngủ lý tưởng giúp bé hô hấp dễ dàng. Bên cạnh đó, mẹ không cho trẻ nằm sấp hay kê đầu quá cao, điều này khiến bé không thoải mái, khó thở, dẫn đến vặn mình, ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Bổ sung nước cho bé đầy đủ
Nước không những bổ sung chất lỏng cho cơ thể hoạt động trơn tru mà còn giúp thanh lọc, đào thải độc tố và làm sạch vùng họng. Mẹ nên cho bé uống nước ấm hoặc bú sữa nhiều hơn một chút khi bị khò khè và hay vặn mình nhé!
Đảm bảo phòng ngủ sạch sẽ, thoáng mát
Không gian bé sống, nhất là phòng ngủ cần được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát. Vì vi khuẩn, virus có thể tồn tại trong không khí và xâm nhập vào đường thở bất kỳ lúc nào. Mẹ nên dọn dẹp nhà cửa hàng ngày, các khu vực như bàn ăn, cửa sổ, thanh nắm cửa nên được lau chùi để tránh bám bụi. Đồng thời giặt giũ chăn, màn, thay ga, vỏ gối thường xuyên để giúp con ngủ ngon và thoải mái hơn.
Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí
Vào buổi đêm, nhất là khi thời tiết trở lạnh, nhiệt độ không khí thường hanh khô, dễ gây kích ứng mũi họng. Vì vậy, với trẻ sơ sinh thở khò khè và hay vặn mình, mẹ nên lắp đặt thiết bị tạo độ ẩm không khí trong phòng bé. Không khí ẩm sẽ giúp mũi bé không bị khô, ngăn ngừa tình trạng nghẹt mũi, khò khè vào ban đêm. Hơn nữa, khi sử dụng máy tạo độ ẩm, mẹ có thể cho thêm vài giọt tinh dầu để mang lại cảm giác thoải mái và ngủ ngoan hơn.
Giữ ấm cho bé
Trường hợp trẻ bị thở khò khè do cảm lạnh, sổ mũi, phụ huynh cần lưu ý giữ ấm cho bé mỗi khi ra ngoài. Bạn nên chọn cho bé mặc những trang phục rộng rãi, thoáng mát, tránh các chất liệu vải gây bí, khiến con đổ mồ hôi trộm.
Trong mùa lạnh, mẹ lưu ý tắm cho bé bằng nước ấm, không nên tắm quá lâu, chỉ khoảng 5 – 10 phút. Sau đó lau khô người rồi mặc quần áo và di chuyển bé đến nơi ấm áp, tránh bị nhiễm lạnh.
Khi nào trẻ sơ sinh thở khò khè hay vặn mình cần đến bệnh viện?
Thở khò khè hay vặn mình không phải là những hiện tượng hiếm gặp ở trẻ sơ sinh. Mặc dù vậy, cha mẹ cũng không nên chủ quan. Bởi nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, tình trạng này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng khác như suy hô hấp, bé bỏ bú, sụt cân trầm trọng.
Trong quá trình chăm sóc tại nhà, nếu bé xuất hiện các triệu chứng bất thường dưới đây, cha mẹ hãy chóng đưa đến bệnh viện:
- Trẻ thở khó khăn, mẹ có thể nghe rõ tiếng rít khi trẻ thở
- Da tím tái, xanh sao
- Trẻ sốt cao không hạ, phập phồng cánh mũi, tim đập nhanh
- Nôn trớ thường xuyên
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị khò khè nên được đưa đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt
- Bé ho, khò khè hay vặn mình, ngủ không gian giấc liên tục trong 2 tuần thì mẹ cần đề phòng bé bị viêm phế quản hoặc viêm phổi
- Trường hợp bé bị hen suyễn bẩm sinh thì nên đưa đến bác sĩ càng sớm càng tốt để hạn chế biến chứng lên não
Trên đây là một số thông tin về tình trạng trẻ sơ sinh thở khò khè và hay vặn mình. Hy vọng bài viết này sẽ giúp mẹ hiểu hơn về vấn đề sức khỏe ở trẻ, qua đó có cho mình một số chăm sóc bé hiệu quả và an toàn hơn.