Canxi là vi chất không thể thiếu đối với sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, không phải trẻ em nào cũng được cung cấp đầy đủ canxi theo nhu cầu của mình. Điều này sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài tới sức khỏe của trẻ. Vậy vì sao trẻ lại thiếu hụt canxi? Dấu hiệu báo động trẻ thiếu canxi là gì? Và bố mẹ có thể ứng phó với vấn đề sức khỏe này như thế nào? Cùng Fitobimbi khám phá ngay thôi.
Vì sao trẻ bị thiếu canxi?
Trẻ thu nhận canxi từ thức ăn và chế phẩm uống bổ sung. Sau khi vào tới hệ tiêu hóa, cơ thể trẻ sẽ hấp thu canxi dưới sự hỗ trợ của vitamin D. Ngoài ra, một phần nhỏ canxi cũng được tái hấp thu ở thận. Nồng độ canxi trong cơ thể của trẻ được kiểm soát cân bằng bởi hormone tuyến cận giáp và hormone sinh dục.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu hụt canxi ở trẻ em. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến.
Chế độ ăn không hợp lý
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến hiện tượng trẻ thiếu canxi. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ hoặc sữa công thức có khả năng cung cấp đủ canxi theo nhu cầu của trẻ. Nhưng nếu bạn pha sữa công thức cho trẻ quá loãng, trẻ sẽ không thể nhận đủ canxi. Khi chuyển sang chế độ ăn dặm, trẻ em có nguy cơ cao thiếu hụt canxi khi từ chối hoặc ăn rất ít các thực phẩm giàu canxi như: sữa, sữa chua, phô mai, rau cải, cá hồi, ngũ cốc, đậu phụ, nước cam…
Trẻ thiếu vitamin D
Trẻ cần vitamin D để hấp thu canxi từ ruột và tái hấp thu canxi tại thận. Nếu trẻ thiếu vitamin D thì cho dù bạn tích cực bổ sung canxi, trẻ vẫn không thể tiếp nhận được vi chất này. Những trẻ có nguy cơ cao thiếu hụt vitamin D bao gồm:
- Trẻ không được uống bổ sung vitamin D hàng ngày.
- Trẻ lười ăn, biếng ăn các thực phẩm giàu vitamin D như: sữa, sữa chua, đậu phụ, nấm, trứng gà, cá hồi, thịt lợn, ngũ cốc…
- Trẻ ít vận động ngoài trời, có làn da sẫm màu hoặc sống ở khu vực cách xa xích đạo. Đây là những điều kiện kém thuận lợi cho trẻ tự tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời.
Trẻ mắc và đang điều trị các bệnh lý mạn tính
Các bệnh lý của thận và đường tiêu hóa ảnh hưởng tới sự hấp thu và đào thải canxi, vitamin D của trẻ. Ví dụ như bệnh viêm tụy, Crohn, hội chứng ruột ngắn, suy thận, hội chứng thận hư… Cường tuyến cận giáp dẫn đến tăng hormone PTH cũng là nguyên nhân gây sụt giảm nồng độ canxi máu. Mặt khác, sử dụng kéo dài và thường xuyên một số loại thuốc cũng có thể khiến trẻ bị thiếu canxi. Đó là corticosteroid, phenytoin, rifampin, phenobarbital và hóa chất điều trị ung thư….
Mẹ mắc đái tháo đường
Mẹ mắc đái tháo đường là nguyên nhân thường gặp dẫn đến thiếu canxi ở trẻ sơ sinh. Tình huống này có thể xảy ra rất sớm, trong 1 – 2 ngày đầu sau sinh. Nhưng có thể diễn ra muộn hơn, từ 3 ngày tuổi trở đi.
Xem thêm:
Hậu quả của tình trạng thiếu canxi ở trẻ em
Chậm phát triển chiều cao
Hậu quả rõ ràng nhất của thiếu hụt canxi ở trẻ nhỏ là thấp lùn. Trẻ không được cung cấp đầy đủ canxi sẽ không có điều kiện tốt cho các xương dài tăng kích thước. Từ đó, trẻ sẽ không đạt được tốc độ tăng trưởng chiều cao bình thường so với lứa tuổi.
Tăng nguy cơ gãy xương
Trẻ em là đối tượng hiếu động, thích chạy nhảy và nô đùa. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều va đập, chấn thương và gãy xương ở trẻ em. Nếu cơ thể trẻ không có đủ canxi, xương trẻ sẽ giòn, dễ gãy vỡ khi bị va đập. Tốc độ liền xương ở những trẻ thiếu canxi cũng chậm hơn so với những trẻ khỏe mạnh khác.
Ảnh hưởng xấu tới răng miệng
Răng cũng là một phần của hệ xương. Canxi giúp mầm răng hình thành và phát triển khỏe mạnh. Trẻ em thiếu hụt canxi có nguy cơ cao mọc răng muộn, dễ sâu răng, răng giòn yếu và dễ vỡ.
Chậm chạp, mất ngủ, kết quả học tập kém
Canxi đóng vai trò là chất dẫn truyền thần kinh. Khi thiếu canxi, não bộ không thể gửi tín hiệu co cơ tới các cơ. Đó là lý do bạn thường thấy trẻ bị thiếu canxi có biểu hiện mệt mỏi, uể oải và vận động kém linh hoạt. Trẻ cũng có thể trằn trọc, khó ngủ và mất ngủ kéo dài. Tinh thần mệt mỏi khiến trẻ thiếu tập trung, lúc nhớ lúc quên và không đạt được kết quả học tập tốt.
Trẻ thiếu canxi có biểu hiện gì?
Thông thường, dấu hiệu của trẻ thiếu canxi ở giai đoạn đầu rất mơ hồ và thường bị bỏ qua. Các biểu hiện này sẽ bộc lộ rõ ràng hơn khi trẻ thiếu canxi ngày càng nhiều và kéo dài. Một số triệu chứng báo động mà bạn có thể quan sát thấy bao gồm:
- Trẻ hay bị chuột rút.
- Trẻ kêu đau nhức cẳng tay, cẳng chân, đau nhức sâu trong xương và đau tăng lên khi về đêm.
- Móng tay, móng chân của trẻ yếu, dễ gãy.
- Trẻ có tiền sử gãy xương nhiều lần hoặc xương lâu lành.
- Trẻ có dấu hiệu còi xương do thiếu vitamin D như: chậm mọc răng, chậm đóng thóp, men răng xấu, cẳng tay, cẳng chân cong vẹo, gù cột sống…
Ngoài ra, khi thiếu hụt canxi rất nặng, trẻ sẽ biểu hiện mệt lả, ít vận động, đáp ứng chậm với gọi hỏi. Nôn mửa, co giật cũng là một dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ thiếu canxi, đòi hỏi bạn phải đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay lập tức.
Vậy trẻ sơ sinh thiếu canxi có biểu hiện gì khác so với trẻ lớn không? Câu trả lời là có. Biểu hiện của trẻ sơ sinh thiếu canxi cấp tính và dữ dội hơn. Đặc biệt với những trẻ hạ canxi máu trong 2 – 3 ngày đầu sau sinh vì mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ. Các triệu chứng ở trẻ sơ sinh thiếu canxi là: bỏ bú hoặc bú rất ít, co giật, thở chậm hoặc ngừng thở, nhịp tim nhanh bất thường.
Tuy nhiên, những dấu hiệu này chỉ có tác dụng báo hiệu và gợi ý. Để biết chính xác trẻ có thiếu canxi hay không, bạn cần cho trẻ đi khám để lấy máu và làm xét nghiệm chẩn đoán.
Bé bị thiếu canxi phải làm sao?
“Trẻ bị thiếu canxi phải làm sao?” là nỗi băn khoăn, lo lắng của rất nhiều bậc phụ huynh. Câu trả lời là bạn cần bổ sung bù đắp lỗ hổng canxi trong cơ thể trẻ. Bạn có thể tăng cường canxi cho trẻ thông qua chế độ ăn, uống bổ sung hoặc dùng thuốc đường tiêm, truyền tại bệnh viện.
Tăng cường thực phẩm giàu canxi và vitamin D
Trước tiên bạn cần biết nhu cầu canxi và vitamin D hàng ngày của trẻ là bao nhiêu. Lượng canxi và vitamin D trẻ cần mỗi ngày thay đổi theo lứa tuổi. Càng lớn, nhu cầu canxi và vitamin D của trẻ càng nhiều.
Nhóm tuổi | Nhu cầu canxi hàng ngày (mg) | Nhu cầu vitamin D hàng ngày (IU) |
---|---|---|
0 – 6 tháng | 200 | 400 |
7 – 12 tháng | 260 | |
1 – 3 tuổi | 700 | 600 |
4 – 8 tuổi | 1000 | |
9 – 18 tuổi | 1300 |
Vậy trẻ thiếu canxi cần bổ sung những thực phẩm gì? Sau đây là những gợi ý hữu ích dành cho bạn.
- Thực phẩm vừa giàu canxi vừa nhiều vitamin D bao gồm: sữa, sữa chua, phô mai, đậu phụ, cá hồi, cá ngừ, ngũ cốc, nước cam.
- Thực phẩm có nhiều canxi nhưng có ít vitamin D: rau cải xanh, cải ngọt, cải kale, rau dền, súp lơ xanh hoặc hạt hạnh nhân.
- Thực phẩm giàu Vitamin D nhưng có ít canxi: nấm, lòng đỏ trứng, thịt lợn.
Bạn có thể sử dụng những nguyên liệu này để chế biến thành cả bữa chính và bữa phụ hàng ngày cho trẻ. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung thêm vitamin D cho trẻ thông qua tắm nắng. Cho trẻ đi dạo hoặc vận động ngoài trời giúp trẻ tự tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời, từ đó giúp hệ xương và cơ bắp của trẻ phát triển tốt hơn. Tinh thần của trẻ cũng vui vẻ, hoạt bát hơn.
Cho trẻ uống bổ sung canxi
Bạn có thể cho trẻ uống các chế phẩm chứa canxi để bổ sung lượng canxi thiếu hụt cho trẻ. Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm bổ sung canxi cho trẻ em khác nhau. Tùy thuộc độ tuổi và sở thích của trẻ, bạn có thể lựa chọn canxi dạng viên nén, viên sủi, dạng cốm, dạng lọ siro hoặc ống lỏng. Nên cho trẻ uống canxi cùng vitamin D3 để tăng cường khả năng hấp thu cũng như hiệu quả phát triển xương.
Bạn nên cho trẻ uống canxi vào buổi sáng hoặc buổi trưa. Đây là thời điểm cơ thể hấp thu canxi tốt nhất và hạn chế nguy cơ sỏi thận do lắng đọng canxi tại thận. Liều bổ sung canxi hàng ngày thay đổi theo lứa tuổi, tình trạng thiếu canxi và khả năng ăn uống ở trẻ. Nếu trẻ thiếu hụt nhẹ và hợp tác ăn các thực phẩm giàu canxi, bạn có thể cho trẻ uống đúng với nhu cầu theo lứa tuổi của trẻ. Với những trẻ thiếu canxi nghiêm trọng và biếng ăn, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ uống. Có như vậy bạn mới bổ sung đủ lượng canxi trẻ cần và bù đắp sự thiếu hụt canxi trong cơ thể trẻ được.
Đưa trẻ đi khám và điều trị
Bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức trong 2 trường hợp:
- Trẻ có triệu chứng thiếu canxi nặng như mệt lả, nôn, co giật.
- Trẻ thiếu canxi trong giai đoạn sơ sinh, đặc biệt ở những bà mẹ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ.
Những trường hợp này sẽ phải nhập viện và điều trị bằng canxi đường tĩnh mạch. Khi đã ổn định, trẻ sẽ tiếp tục được bổ sung canxi bằng đường uống và chế độ ăn.
Với những trẻ thiếu canxi mức độ nhẹ, bạn cũng có thể cho trẻ đi khám nhưng không phải trường hợp cấp cứu. Khi đi khám, bác sĩ sẽ lấy máu xét nghiệm để chẩn đoán và đánh giá chính xác tình trạng thiếu canxi của trẻ. Đồng thời, bác sĩ có thể tìm kiếm nguyên nhân khiến trẻ bị thiếu canxi. Sau đó, bạn sẽ được tư vấn chế độ dinh dưỡng và bổ sung canxi bằng đường uống phù hợp nhất với trẻ.
Thiếu canxi ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe hiện tại và sự phát triển trong tương lai của trẻ em. Trẻ thiếu canxi có biểu hiện rất mơ hồ trong giai đoạn đầu, sau đó rõ ràng hơn khi lượng canxi thiếu hụt tăng lên. Dấu hiệu sớm để bạn nhận biết trẻ thiếu canxi là trẻ hay bị chuột rút, đau nhức sâu trong xương ở cẳng chân, cẳng tay. Để xử lý vấn đề này, bạn cần bổ sung canxi cho trẻ thông qua chế độ ăn giàu canxi và vitamin D. Kèm theo đó, trẻ nên được uống canxi hàng ngày. Khi có dấu hiệu nặng, bạn cần đưa trẻ tới bệnh viện càng sớm càng tốt để được theo dõi và điều trị kịp thời.