Nội dung chính

Trẻ Thiếu Vitamin C Có Biểu Hiện Gì? Mẹ Phải Làm Sao?

Bên cạnh vitamin A, D, B, vitamin C cũng là vi chất cực kỳ cần thiết đối với trẻ em. Trẻ thiếu vitamin C kéo dài có thể bị xuất huyết nặng cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Vì thế, bạn đừng coi nhẹ vi chất quan trọng này. Dưới đây, Fitobimbi sẽ giúp bạn nhận biết những dấu hiệu cảnh báo tình trạng thiếu vitamin C ở trẻ em.

Vì sao trẻ em cần vitamin C?

Vitamin C còn được gọi là acid ascorbic, một vi chất dinh dưỡng tan trong nước và đóng vai trò thiết yếu đối với sức khỏe trẻ em. Trẻ cần vitamin C để duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, có sức chống chọi tốt với vi khuẩn, virus gây bệnh. Vitamin C cũng tham gia quá trình phát triển hệ răng xương, duy trì sự khỏe mạnh của não bộ và loại bỏ các gốc tự do có hại ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, vitamin C còn hỗ trợ trẻ hấp thu tối ưu sắt để phòng tránh thiếu máu dinh dưỡng.

Vitamin C có nhiều vai trò quan trọng với sức khỏe trẻ em
Vitamin C có nhiều vai trò quan trọng với sức khỏe trẻ em

Khác với vitamin D, cơ thể trẻ không thể tự sản xuất được vitamin C. Vì thế, trẻ chỉ có thể lấy vitamin C từ sữa mẹ hoặc thức ăn. Đây là vi chất tan trong nước, không được dự trữ tại gan nên trẻ cần bổ sung liên tục vitamin C hàng ngày.

Con bạn có nguy cơ cao thiếu vitamin C không?

Trong 6 tháng đầu, trẻ lấy vitamin C hoàn toàn từ sữa mẹ. Điều đó có nghĩa là chế độ dinh dưỡng và tình trạng sức khỏe của bà mẹ sẽ quyết định trẻ có được cung cấp đủ vitamin C hay không. Nếu bà mẹ gầy yếu hoặc ít bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C như hoa quả, rau xanh thì khả năng cao là trẻ cũng sẽ thiếu hụt vi chất quan trọng này.

Trẻ trên 6 tháng tuổi đã bắt đầu ăn dặm. Giai đoạn này trẻ có thể tiếp nhận thêm nguồn vitamin C dồi dào từ thức ăn. Tuy nhiên, nếu trẻ không chịu ăn hoa quả và các loại rau củ giàu vitamin C thì có nguy cơ không tiếp nhận đủ vi chất này.

Ngoài ra, trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng hoặc biếng ăn kéo dài sẽ thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng, trong đó có vitamin C. Trẻ có các bệnh lý về đường tiêu hóa như viêm ruột, Crohn, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa kéo dài hoặc suy thận, điều trị hóa chất cũng là những đối tượng có nguy cơ cao thiếu hụt vitamin C.

Trẻ biếng ăn có nguy cơ cao thiếu hụt vitamin C
Trẻ biếng ăn có nguy cơ cao thiếu hụt vitamin C

Dấu hiệu thiếu vitamin C ở trẻ em

Thông thường dấu hiệu trẻ thiếu vitamin C sẽ xuất hiện sau ít nhất 4 tuần. Tuy nhiên, triệu chứng sẽ bộc lộ rõ ràng nhất sau khoảng 3 tháng. Ở trẻ em, biểu hiện thiếu vitamin C có thể mơ hồ và khó phát hiện. Với trẻ lớn, bố mẹ có thể dễ dàng phát hiện hơn.

Cáu gắt, hay khóc hoặc u sầu

Dopamine, epinephrine, serotonin và nhiều chất dẫn truyền thần kinh quan trọng khác của não bộ được cấu tạo bởi vitamin C. Dopamine giúp trẻ có cảm giác hưng phấn, thích thú và tăng cường trí nhớ, khả năng tập trung. Epinephrine cần cho não bộ hoạt động bình thường. Serotonin góp phần tạo nên cảm giác hạnh phúc và tham gia điều chỉnh hành vi, trí nhớ, khả năng học tập.

Khi thiếu hụt những hormone này, trẻ sẽ thường xuyên rơi vào trạng thái cáu gắt, lo lắng. Trẻ nhỏ thường có biểu hiện ngủ trằn trọc, hay quấy khóc và rất khó dỗ. Với trẻ lớn, trẻ có thể u sầu, ít nói chuyện hoặc thường xuyên bồn chồn. Kết quả học tập của trẻ có thể giảm sút và thua kém bạn bè.

Bầm tím trên da và chảy máu chân răng

Vitamin C tham gia tổng hợp collagen – một thành phần cấu tạo của thành mạch máu. Khi thiếu hụt vitamin C, quá trình sản sinh collagen của cơ thể bị suy giảm, dẫn đến mạch máu kém bền chắc, dễ bị tổn thương. Hậu quả là trẻ dễ bị chảy máu.

Chảy máu tại các mô dưới da tạo nên các chấm xuất huyết màu đỏ li ti hoặc bầm tím từng mảng. Trẻ cũng có thể bị bầm tím ở lợi hoặc chảy máu chân răng. Tình trạng xuất huyết này có thể xảy ra trong hoàn cảnh tự nhiên (không va đập vào đâu mà đột nhiên tay chân bị bầm tím) hoặc do va chạm (sau khi bị ngã, va đập hoặc đánh răng).

Trẻ thiếu vitamin C thường bị bầm tím trên da và chậm liền vết thương
Trẻ thiếu vitamin C thường bị bầm tím trên da và chậm liền vết thương

Chậm liền vết thương

Ngoài chức năng cấu tạo thành mạch, collagen còn tham gia quá trình làm lành vết thương. Cơ thể không có đủ vitamin C đồng nghĩa với việc thiếu hụt collagen. Khi đó, tốc độ liền vết thương cũng chậm lại. Trẻ bị thiếu vitamin C cũng thường kèm theo không có đủ protein nên vết thương càng lâu lành. Bên cạnh đó, sức đề kháng của trẻ suy giảm tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập qua vết thương và tấn công cơ thể. Từ đó vết thương càng nặng nề và khó lành hơn.

Thường xuyên mệt mỏi, da xanh xao

Cơ thể trẻ cần vitamin C để hấp thụ sắt, trong khi đó, sắt lại là vi chất quan trọng tham gia cấu tạo hồng cầu. Thiếu vitamin C sẽ kèm theo thiếu sắt, dẫn đến tình trạng thiếu máu dinh dưỡng. Trẻ thiếu máu có dấu hiệu da xanh xao, môi và lòng bàn tay nhợt nhạt. Trẻ ít hoạt động, thường xuyên mệt mỏi, buồn ngủ và kém tập trung. Kết quả học tập cũng giảm sút đáng kể.

Mệt mỏi, xanh xao, u sầu là một biểu hiện thiếu vitamin C ở trẻ em
Mệt mỏi, xanh xao, u sầu là một biểu hiện thiếu vitamin C ở trẻ em

Hay ốm vặt

Vitamin C có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch. Đây là loại vitamin duy nhất được các chuyên gia khẳng định có thể bổ sung để tăng cường sức đề kháng với những bằng chứng khoa học rõ ràng. Khi thiếu vitamin C, hàng rào miễn dịch của trẻ bị suy yếu, trẻ dễ bị các vi sinh vật gây bệnh tấn công. Viêm tai giữa, viêm họng, viêm phổi, tiêu chảy… là những bệnh lý nhiễm khuẩn phổ biến ở trẻ em thiếu vitamin C.

Làm gì khi phát hiện trẻ thiếu vitamin C?

Thiếu hụt vitamin C nghiêm trọng và kéo dài có thể ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ vì nguy cơ xuất huyết não bộ và các tạng quan trọng. Do đó, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, bạn cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Tùy theo tình trạng bệnh, trẻ sẽ được điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý hoặc bổ sung vitamin C cho trẻ bằng đường uống.

Phòng ngừa thiếu vitamin C ở trẻ em

Để phòng tránh tình trạng thiếu vitamin C ở trẻ em, bạn có thể áp dụng các biện pháp đơn giản và hiệu quả dưới đây.

Bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu

Phương pháp tốt nhất để phòng tránh thiếu vitamin C cho trẻ nhỏ là bú sữa mẹ. Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo không nên cho trẻ nhỏ uống vitamin C. Thứ nhất, sữa mẹ có thể cung cấp đủ nhu cầu vitamin C cho trẻ dưới 6 tháng. Thứ hai, cho trẻ nhỏ uống vitamin C sẽ làm tăng nguy cơ ngộ độc ở trẻ. Hậu quả là trẻ có thể bị nôn, tiêu chảy, sỏi thận và ứ sắt tại gan, tim, tụy…

Trẻ dưới 6 tháng tiếp nhận vitamin C từ sữa mẹ
Trẻ dưới 6 tháng tiếp nhận vitamin C từ sữa mẹ

Tuy nhiên, để sữa mẹ có đầy đủ hàm lượng vitamin C, cần bảo đảm phụ nữ đang cho con bú có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bạn nên ưu tiên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C vào chế độ ăn hàng ngày.

Tăng cường thực phẩm giàu vitamin C

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C là biện pháp phòng ngừa thiếu hụt vi chất cần thiết này hiệu quả nhất với trẻ trên 6 tháng tuổi. Chế độ dinh dưỡng giàu vitamin C cũng nên được áp dụng với phụ nữ có thai, cho con bú và cả gia đình để cùng nâng cao sức khỏe.

Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây và rau củ. Ổi, kiwi, dâu tây, cam, đu đủ, chanh, bưởi là những lựa chọn phù hợp với trẻ. Bạn có thể cho trẻ ăn bữa phụ với hoa quả tươi, trộn cùng sữa chua hoặc xay sinh tố. Ớt chuông, súp lơ xanh, cải bó xôi, cải xoăn, cà chua, đậu quả cũng là những loại rau rất giàu vitamin C. Bạn hãy sử dụng những nguyên liệu xanh sạch này để chế biến món cháo hoặc bữa cơm thơm ngon cho trẻ hàng ngày.

Phòng tránh thiếu vitamin C ở trẻ em bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Phòng tránh thiếu vitamin C ở trẻ em bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý

Chế biến thực phẩm đúng cách để không làm mất vitamin C

Vitamin C tan trong nước và rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nguồn vi chất dồi dào này trong thực phẩm rất dễ bị hao hụt nếu bảo quản và chế biến sai cách. Thái nhỏ và ngâm rửa rau quả quá lâu sẽ khiến vitamin C mất theo nguồn nước. Đun sôi rau củ ở nhiệt độ cao có thể phá hủy 26 – 100% hàm lượng vitamin C. Trong khi đó, nếu hấp bằng lò vi sóng, hơn 90% hàm lượng vitamin C có thể được bảo tồn. Thực phẩm lâu ngày không sử dụng cũng bị tiêu giảm lượng vitamin đồng thời không còn tươi ngon như lúc mới mua.

Vì vậy, bạn nên rửa rau quả dưới vòi, vừa giúp bảo tồn nguồn vitamin vừa rửa trôi nhanh chóng đất bẩn và vi sinh vật gây bệnh. Tuyệt đối không thái nhỏ rau xanh và hoa quả trước khi chế biến. Không nên luộc, hấp, chần các loại rau ở nhiệt độ cao trong thời gian dài. Đun quá lâu vừa khiến thực phẩm mất chất dinh dưỡng vừa làm món ăn bị nhừ, giảm cảm giác ngon miệng. Bên cạnh đó, bạn hãy chế biến và sử dụng thực phẩm càng sớm càng tốt sau khi mua về.

Cho trẻ uống bổ sung vitamin C

Các chuyên gia dinh dưỡng từ Trung tâm Y tế Quốc Gia Anh khuyến cáo trẻ trên 6 tháng tuổi có thể bắt đầu uống bổ sung vitamin C. Những trẻ có nguy cơ thiếu hụt vitamin C nên được bổ sung vi chất quan trọng này bằng đường uống. Có rất nhiều sản phẩm vitamin C trên thị trường: đơn lẻ hoặc kết hợp với các vi chất khác, dạng siro hoặc dạng viên nén… Tùy theo lứa tuổi và nhu cầu, bạn có thể chọn loại vitamin C phù hợp với trẻ.

Liều bổ sung vitamin C thay đổi theo độ tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe. Dưới đây là bảng liều vitamin C phù hợp cũng như tối đa mà trẻ em có thể tiếp nhận hàng ngày.

Đối tượngLiều lượng vitamin C hàng ngày (mg)Liều tối đa trẻ có thể sử dụng (mg)
Trẻ 0 – 6 tháng40Không có số liệu
Trẻ 7 – 12 tháng50Không có số liệu
Trẻ 1 – 3 tuổi15400
Trẻ 4 – 8 tuổi25650
Trẻ 9 – 13 tuổi451.200
Trẻ nam 14 – 18 tuổi751.800
Trẻ gái 14 – 18 tuổi651.800

Vitamin C là vi chất đóng vai trò quan trọng với nhiều hoạt động và cơ quan trong cơ thể trẻ em. Biểu hiện thiếu vitamin C ở trẻ em thường âm thầm và xuất hiện rõ ràng sau vài tuần tới vài tháng. Những dấu hiệu điển hình mà bạn có thể nhận biết là: trẻ thường xuyên bầm tím tay chân, chảy máu chân răng, mệt mỏi kéo dài, cáu giận vô cớ hoặc u sầu, chậm chạp, vết thương trên da chậm liền, trẻ hay ốm vặt. Khi phát hiện những biểu hiện bất thường này, bố mẹ hãy nhanh chóng đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Xem thêm:

  1. Các cách bổ sung Kẽm và Vitamin C cho bé hiệu quả nhất
  2. Bổ sung Vitamin C tăng sức đề kháng cho cả gia đình
  3. Vitamin C có nhiều trong thực phẩm, hoa quả nào?
  4. Vitamin C có tác dụng gì? 12 lợi ích không thể bỏ qua
  5. Uống Vitamin C mỗi ngày có tốt không?

Nguồn tham khảo: healthline

Chia sẻ bài viết này