Trong những năm tháng đầu đời, trẻ luôn có những thời gian chán ăn. Dưới đây là 10 giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ mà các mẹ bỉm cần phải lưu tâm.
Thế nào là biếng ăn sinh lý ở trẻ?
Biếng ăn sinh lý là tình trạng trẻ nhỏ đột ngột bỏ ăn trong những giai đoạn phát triển như tập ăn dặm, mọc răng, tập đi,…. Biếng ăn sinh lý thường chỉ kéo dài từ 1-2 tuần sau đó tự hết. Nhưng nếu không biết xử lý, nguy cơ bé bị biếng ăn tâm lý và suy dinh dưỡng rất cao.
10 giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ
Biếng ăn sinh lý thường sẽ xuất hiện ở các cột mốc phát triển của bé. Dưới đây là 10 giai đoạn biếng ăn sinh lý mà các mẹ bỉm cần phải ghi nhớ để có biện pháp khắc phục kịp thời.
1. Giai đoạn trẻ 4-5 tuần tuổi
Ở giai đoạn này trẻ đã bắt đầu có nhận thức về thế giới xung quanh. Con sẽ quan sát mọi vật mà không “mê” ngủ như trước. Cũng bởi vì thế mà bé thường xuyên quấy khóc, tỉnh giấc giữa đêm và lười bú hơn. Để bé vượt qua giai đoạn này mẹ hãy âu yếm, cho con bú nhiều.
2. Giai đoạn trẻ 8- 9 tuần tuổi
Bước sang tuần thứ 8, tính cách tò mò thích được khám phá mọi thứ xung quanh sẽ được bốc phát. Âm thanh, hình ảnh, tiếng động quanh nhà có thể khiến bé cảm thấy thích thú, ngắm nhìn cả ngày và quên chuyện ăn.
Ngoài ra đêm đến trẻ cũng có thể mất ngủ do lượng thức ăn hàng ngày không được đảm bảo.
3. Giai đoạn trẻ được 12 tuần tuổi
Tuần tuổi 12, trẻ đã có thể sử dụng “mượt mà” chuyển động của tay. Cũng chính trong thời gian này bé sẽ bắt đầu “biểu diễn” cú lật đầu đời. Vì thế nếu mẹ cho bé ăn vào những giờ mà con đang mải khám phá “vũ điệu” thì chắc chắn rằng chúng sẽ từ chối. Tuy nhiên mẹ không phải lo, vì chỉ sau khoảng 1 tuần bé sẽ ăn ngoan trở lại.
4. Giai đoạn trẻ được 19 tuần tuổi
19 tuần tuổi là cột mốc lớn đánh dấu tiến bộ vượt bậc của bé về mặt âm thanh. Lúc này bé đã có thể quay lại khi mẹ gọi mình. Ngoài ra, thói quen “mút mát” tay, chân cũng sẽ làm cho bé giảm ăn đi nhiều. Nhưng mẹ đừng lo, chỉ cần kiên trì, động viên và duy trì thói quen ăn uống hàng ngày chắc chắn bé sẽ có thay đổi tích cực.
5. Giai đoạn trẻ từ 23- 26 tuần tuổi
Giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ tiếp theo là lúc con được tròn 6 tháng tuổi. Đây là lúc bé bắt đầu lăn, bò và tập ăn dặm. Do đó con sẽ “mải mê” khám phá mọi thứ xung quanh mà quên đi chuyện ăn uống. Bên cạnh bản tính khám phá thì sự chuyển giao sang một kết cấu thức ăn mới ( từ sữa- cháo) cũng sẽ khiến bé lười ăn hơn trước.
6. Giai đoạn trẻ từ 33- 37 tuần
Ở tuần 33 khả năng bò trườn của bé đã rất thành thục. Con thích đứng vịn và di chuyển theo “điểm tựa” trong nhà. Không chỉ thế sau khi làm quen với các thức ăn loãng sệt trẻ đã bắt đầu thấy chán và muốn thay đổi kết cấu thức ăn. Đây chính là lúc mẹ nên chuyển sang cháo đặc để bé tập nhai.
Bên cạnh đó để con phát triển khỏe mạnh giai đoạn này mẹ nên cắt giảm bữa đêm, tập trung vào các bữa ăn chính trong ngày.
7. Giai đoạn trẻ từ 42- 46 tuần
Từ 42-46 tuần tuổi con đã bắt đầu nhận thức được nhiều, ví dụ như tới giờ cơm, giờ ngủ hoặc biết đội mũ mỗi khi ra ngoài.
Mặc dù đây cũng là một trong những giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ nhưng nếu sinh hoạt của bé đã vào nề nếp thì mẹ chỉ cần duy trì lịch trình như vậy. Chắc chắn bé sẽ nhanh chóng vượt qua và ăn rất ngon trở lại.
8. Giai đoạn trẻ từ 52- 55 tuần
Ở tuần 52, trẻ đã có thể phân biệt sở thích và hình thành “gu” ăn uống của mình. Con sẽ có thể nhõng nhẽo, lười ăn vì mải mê chơi hoặc không thích món ăn này.
Do đó mẹ hãy thay đổi khẩu vị và cách chế biến, kết hợp món ăn sao cho đẹp mắt, để kích thích được vị giác của con.
9. Giai đoạn trẻ từ 61-64 tuần tuổi
Đây là giai đoạn hình thành thói quen, lối sống của bé. Do đó mẹ hãy rèn luyện kỷ luật để bé hiểu rằng mình không được làm việc này. Với trẻ biếng ăn mẹ hãy thiết lập giờ giấc, hình thành thói quen ăn uống tốt nhất cho con.
10. Giai đoạn trẻ 75 tuần tuổi
Vượt qua được 9 giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ chắc hẳn mẹ bỉm cũng đã bỏ túi cho mình kha khá kinh nghiệm. Tuy nhiên ở tuần 75, bé sẽ có thể chống đối, tỏ ra khó chịu nếu mẹ ép buộc làm này, làm kia. Do đó lúc này mẹ hãy dành nhiều thời gian cho bé và duy trì tính kỷ luật trước đây.
Làm sao để biết bé đang biếng ăn sinh lý?
Con bị biếng ăn khi có thay đổi về mặt thể chất là khoảng thời gian “khủng hoảng” của nhiều cha mẹ. Theo các chuyên gia có nhiều nguyên nhân khiến bé biếng ăn. Nhưng nếu đang bị biếng ăn sinh lý thì trẻ sẽ có dấu hiệu dưới đây.
- Lượng sữa và thức ăn của con đột ngột giảm
- Con tự nhiên lười ăn, bỏ bú hoặc ăn ít đi hơn mức bình thường
- Thời gian giữa các cữ bú ngắn, con dễ ti vặt, mất tập trung hoặc từ chối bú mẹ
- Bé đột ngột bỏ ăn dù cho trước đó đang ăn rất tốt và không mắc bệnh lý gì
- Bé có dấu hiệu chán ăn, cáu gắt hay phun hoặc cố tình ngậm thức ăn trong miệng
- Bé vẫn hiếu động và thích khám phá đồ vật xung quanh nhưng khi được ăn thì lại né tránh
Ngoài ra để chắc chắn xem, trẻ có biếng ăn sinh lý hay không mẹ hãy dựa vào bảng dưới đây.
Biếng ăn sinh lý | Biếng ăn bệnh lý | Biếng ăn tâm lý |
Xuất hiện vào các giai đoạn chuyển tiếp và gây biếng ăn đột ngột. | Xuất hiện trong những đợt ốm của trẻ như cảm cúm, viêm họng, tiêu chảy hoặc sốt | Là loại biếng ăn hình thành khi bé đang bị sang chấn tâm lý do mẹ ép ăn, dọa nạt, mắng nhiếc,… |
Thường không để lại hiệu quả nghiêm trọng | Trẻ dễ thiếu hụt các chất như kẽm, canxi, vitamin A,… | Trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển do bị thiếu hụt dinh dưỡng trong thời gian dài |
Tự hết sau 1-2 tuần | Sau khi sức khỏe ổn định tình trạng biếng ăn sẽ hết | Kéo dài dai dẳng nếu mẹ không hiểu tâm lý của bé |
Biếng ăn sinh lý kéo dài bao lâu?
Biếng ăn sinh lý diễn ra rất nhanh, thường chỉ kéo dài 1-2 tuần. Sau khi cơ thể đã quen với các cột mốc phát triển (lẫy, bò, ngồi, đi) trẻ sẽ trở lại ăn uống bình thường. Hầu hết các trường hợp biếng ăn sinh lý hiếm khi ảnh hưởng sức khỏe của con.
Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài liên tục nhiều tháng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển. Lúc này ba mẹ cần theo dõi để có phương án xử lý kịp thời.
Mẹ nên làm gì nếu bé biếng ăn sinh lý?
Trong các giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ thì các biện pháp hỗ trợ từ mẹ sẽ giúp các bé vượt qua “khủng hoảng”. Dưới đây là một số mẹo hay để mẹ có thể giúp bé ăn ngon trở lại.
1. Chia nhỏ bữa ăn
Đối với các bé dưới 6 tháng tuổi lượng thức ăn ít sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với chiều cao, cân nặng. Do đó để bé không bị thiếu chất mẹ nên chia nhỏ khẩu phần, rút ngắn thời gian giữa các bữa ăn.
Trong các giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ con có sẽ thể ăn từ 6-8 bữa/ ngày bao gồm cả sữa và các bữa phụ.
2. Lựa chọn thực phẩm phù hợp
Việc chọn thực phẩm dễ tiêu cũng có ý nghĩa rất lớn với trẻ biếng ăn. Bởi theo chuyên gia khi hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả các bé sẽ ăn ngon miệng và hấp thu dinh dưỡng tốt. Vì thế trong thời gian này mẹ nên lựa chọn những món ăn mềm như cháo, súp, miến. Với thịt mẹ nên chế biến dạng xay hoặc hầm để dễ tiêu hơn.
3. Tạo hứng thú với bữa ăn
Biếng ăn sinh lý xảy ra khi bé mải mê khám phá thế giới xung quanh. Vì vậy mẹ hãy tạo dựng bữa ăn lý thú cho con bằng cách:
- Trang trí bữa ăn bắt mắt bằng những hình thù ngộ nghĩnh.
- Cho con chơi trò liên quan đến các dụng cụ thức ăn để tạo thiện cảm.
- Không dọa nạt, quát mắng khiến bé đang từ biếng ăn sinh lý chuyển sang biếng ăn tâm lý.
4. Tạo thói quen ăn uống khoa học
Để các giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ trôi qua dễ dàng mẹ bỉm hãy tập cho bé thói quen dưới đây:
- Bữa ăn không nên kéo dài quá lâu, tối đa 30 phút
- Tuyệt đối không chiều theo các sở thích của con như vừa ăn vừa xem phim, nghịch điện thoại,…
- Hạn chế đồ ăn vặt trước bữa chính
- Cho bé ngồi ghế ăn dặm hoặc ăn cùng với gia đình
5. Không dọa nạt, ép buộc trẻ ăn
Biếng ăn sinh lý có thể chuyển thành biếng ăn tâm lý nếu như giai đoạn này mẹ có thái độ dọa nạt, quát mắng để ép bé ăn. Vì vậy mẹ hãy tạo dựng không gian ăn uống vui vẻ, giúp trẻ thích nghi với giai đoạn phát triển thể chất mới. Từ từ bé sẽ ăn uống ngon miệng trở lại.
Trên đây là các giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ. Tình trạng này thường chỉ kéo dài từ 1-2 tuần do đó các mẹ không cần lo lắng mà cố ép buộc bé ăn. Hãy để cho con quyết định thức ăn của mình, tạo dựng tâm lý thoải mái và hứng thú hơn.