Trẻ ăn ngậm là nỗi ám ảnh của không ít ông bố bà mẹ. Ngoài việc ảnh hưởng khả năng hấp thu dinh dưỡng, ăn ngậm còn là nguyên nhân khiến bé sâu răng. Vậy nguyên nhân nào khiến bé ăn ngậm và bí kíp nào để con “cai” thói xấu này? Mọi bí kíp sẽ được bật mí ở bài viết sau.
9 cách trị chứng ăn ngậm ở trẻ mẹ nhàn tênh
Trẻ ăn ngậm phải làm sao là nỗi băn khoăn của các phụ huynh có con nhỏ. Dưới đây là một số cách có thể giúp mẹ “giải quyết” tình trạng này một cách dễ dàng.
Áp dụng chiến thuật “bỏ đói” trẻ
Trẻ ăn ngậm một phần là do không con không thấy đói. Vì vậy, tuyệt chiêu để bé không ngậm thức ăn là hãy để con được đói. Việc bỏ đói sẽ khiến bé thấy ngon miệng và trân trọng thức ăn đang có. Vì vậy nếu trẻ hay ngậm mẹ đừng lăn tăn mà hãy bỏ đói con 1-2 tiếng.
Ngoài ra, để trẻ có cảm giác đói, mẹ cần lưu ý không cho bé ăn vặt trước bữa ăn, không ép trẻ ăn quá nhu cầu. Đồng thời điều chỉnh lịch ăn sao cho phù hợp để con tiêu hóa hợp lý. Thông thường, mỗi bữa của bé nên cách nhau 2-3 tiếng đồng hồ.
Đổi món, đa dạng thực đơn
Việc ăn mãi một món sẽ gây nhàm chán khiến trẻ ăn ngậm. Do vậy, thay đổi thực đơn, đa dạng khẩu phần cũng là nguyên tắc số 1 để bé ăn ngoan và ngon miệng hơn. Mẹ hãy cố gắng dành nhiều thời gian để nghiên cứu thêm cách chế biến mới nhằm mang lại sự tò mò, thích thú cho bé, giúp con ăn ngon và hạn chế ngậm.
Cho bé ăn cùng gia đình
Với trẻ ăn ngậm mẹ nên cho bé ăn cùng gia đình. Lý do là bởi, trẻ nhỏ rất thích quan sát, bắt chước hành động của người lớn. Giai đoạn trẻ đã biết ngồi mẹ nên cho bé ăn cùng gia đình. Trong bữa ăn, các thành viên có thể hướng dẫn các bé lấy thức ăn bỏ vào đĩa, đưa lên miệng. Đồng thời tích cực khích lệ các bé ngồi ăn ngoan, nhai, nuốt tốt.
Cho bé ăn dặm theo đúng độ tuổi
Ăn dặm quá sớm hoặc muộn cũng là nguyên nhân khiến trẻ ăn ngậm. Vì vậy để hạn chế tình trạng này, mẹ nên cho bé ăn đúng cấu trúc để con bớt lười ăn hơn. Cụ thể:
- Trẻ 5-6 tháng tuổi: Mẹ nên cho bé ăn bột hoặc thức ăn nhuyễn như cháo, súp,…
- Trẻ 7-8 tháng tuổi: Thức ăn nên được ninh mềm, nghiền sơ để bé có thể làm tan bằng lưỡi rồi nuốt
- Trẻ 9-11 tháng tuổi: Thức ăn ninh mềm, không cần nghiền nát mà có thể cắt to khoảng 0.5cm, dài 2-3cm để bé tự bốc
- Trẻ 12-15 tháng tuổi: Mẹ chỉ cần nấu thức ăn mềm đủ để con nhai
Nói không với việc “vừa ăn vừa chơi”
Đừng vội đổ lỗi “ăn ngậm” do con. Bởi vì đôi khi thói quen xấu này hình thành là do cha mẹ. Việc ăn “dong”, vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại vô tình khiến trẻ không thể tập trung vào nhiệm vụ chính, cảm nhận hương vị món ăn. Từ đó dẫn đến tình trạng biếng ăn, hay ngậm.
Vì thế, để sớm tạm biệt tình trạng ăn ngậm mẹ hãy dừng ngay thói quen “vừa ăn vừa chơi”. Thay vào đó, hãy khuyến khích bé bằng cách kể chuyện, động viên và khen con giỏi khi bé nuốt nhanh.
Không trộn đồ ăn trong cùng một bát
Nhiều mẹ thường có thói quen cho vào một bát nào cơm, nào canh nào là thức ăn. Thậm chí ngay cả món cháo mẹ cũng xay nhuyễn, nấu thành hỗn hợp. Điều này kéo dài khiến trẻ chán ngấy và không còn thấy hứng thú vào đồ ăn nữa. Do đó, để “cai” hẳn thói quen xấu ăn ngậm mẹ hãy cho con ăn riêng từng món để bé cảm nhận hương vị của từng thực phẩm, kích thích vị giác tốt hơn.
Giới hạn thời gian ăn
Khoảng thời gian hợp lý cho một bữa ăn của trẻ là 30 phút. Nếu quá khoảng thời gian này mà bé vẫn chưa ăn hết khẩu phần bố mẹ vẫn nên dừng lại và dọn thức ăn cất đi. Việc lặp đi, lặp lại sẽ giúp con nhỏ hình thành thói quen ăn nhanh.
Không ép bé ăn hết khẩu phần
Nhiều mẹ mong muốn con cao lớn, tăng cân nên thường chuẩn bị khẩu phần ăn không tương thích nhu cầu. Dẫn đến việc bé mới ăn nửa bát đã thấy lửng dạ. Lúc này bé có thể sẽ lười nhai, phun thức ăn ra và không chịu nuốt. Mẹ càng cố gắng thúc ép, con sẽ làm ngơ và chán ăn hơn. Vì vậy thay vì ép bé phải ăn hết cả khẩu phần, mẹ hãy chia lượng thức ăn thành nhiều cữ. Việc ăn như vậy sẽ khiến bé thấy thoải mái mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
Kiểm tra xem bé có bị bệnh
Khi trẻ ăn ngậm thức ăn bất ngờ mẹ cần cân nhắc đến việc trẻ mắc một số bệnh lý như đau họng, loét miệng,… làm con khó nuốt hay ngậm thức ăn. Với trường hợp này, mẹ nên đưa bé đi gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân và có hướng khắc phục kịp thời, đảm bảo sức khỏe cho bé.
Sai lầm thường gặp trong cách khắc phục ăn ngậm ở trẻ
Đôi khi, mẹ bỉm có những sai lầm trong cách điều trị ăn ngậm ở trẻ khiến tình trạng này ngày càng nghiêm trọng. Một số sai lầm thường gặp đó là:
- Ép hoặc quát nạt con: Trẻ ban đầu có thể sợ hãi nhưng càng về sau sẽ càng chán ăn. Con có thể chống đối bằng cách ăn ngậm hoặc lười ăn hơn
- Chỉ nấu theo ý thích của con: Điều này có thể khiến bé ăn ngon nhưng lại vô tình gây mất cân bằng dinh dưỡng, khiến trẻ thiếu chất, lười ăn. Vì vậy, thay vì cho bé ăn mãi một món mẹ hãy đa dạng thực đơn để bé ăn ngon và luôn khỏe mạnh
- Cho bé uống ít nước: Cơ thể trẻ bị mất nước có thể gây ra rất nhiều bệnh lý nguy hiểm. Từ đó làm giảm chuyển hóa, sinh ra ốm vặt và giảm vị giác, chán ăn, ăn không nuốt
Mẹ cần gì để thay đổi thói quen ngậm cơm của con?
Khắc phục tình trạng ngậm cơm của trẻ không phải là điều dễ dàng, một sớm một chiều là xong. Khá nhiều mẹ đã phải stress bỏ cuộc với hành trình này. Vì thế, trước khi bắt tay chấn chỉnh “thói xấu” của bé mẹ cần chuẩn bị các thứ dưới đây.
- Tinh thần: Mẹ sẽ đối mặt với việc con ăn ít hơn so với ngày thường nếu như áp dụng các biện pháp này. Con cũng có thể sẽ không tăng cân, thậm chí cân nặng đứng nguyên tại chỗ trong thời gian dài. Ngoài ra, mẹ cũng phải chuẩn bị tinh thần trước sự phản đối của những người thân, đặc biệt là ông bà nếu sống cùng nhà.
- Thời gian: Để thay đổi thói quen ngậm cơm của bé, mẹ sẽ cần nhiều thời gian. Vì khi trẻ ăn ngậm, con sẽ không chịu ăn nhiều. Do đó, mẹ phải chia nhỏ bữa ăn, mất nhiều thời gian.
Vì sao trẻ ăn ngậm?
Để “tạm biệt” tình trạng ăn ngậm mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân khiến con không nhai và nuốt. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những trẻ hay ngậm thường là biếng ăn. Bởi vì các bé đang tìm mọi cách kéo dài thời gian bữa ăn, tránh việc ăn nhiều. Lâu dần, trở thành thói quen, khiến các mẹ “bó tay chịu trói”. Dưới đây là những lý do khiến trẻ ăn ngậm.
Trẻ gặp vấn đề sức khỏe
Khi trẻ có biểu hiện lười ăn, hay ngậm việc đầu tiên mẹ cần làm đó là kiểm tra xem bé có gặp vấn đề bất thường về mặt sức khỏe hay không. Bởi nếu bị bệnh ở tai, mũi, họng trẻ sẽ mệt mỏi, khó nuốt, biếng ăn, ăn ngậm.
Thực đơn không phù hợp
Trẻ ăn ngậm có thể xuất phát từ việc thực đơn không hợp khẩu vị, đồ ăn chế biến quá kỹ, thái to, hoặc nấu còn dai,… khiến con khó nuốt nên cứ ngậm mãi trong miệng.
Ngoài ra, rất nhiều phụ huynh vì quá nóng vội mà quát mắng, thúc ép bé ăn quá nhiều trong cùng một bữa khiến con sinh ra “phản kháng” tìm đủ cách từ chối thức ăn bằng việc ngậm chặt trong miệng.
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa
Việc bị rối loạn vi sinh đường ruột, hoặc dùng quá nhiều kháng sinh có thể khiến con gặp phải triệu chứng khó tiêu, đầy bụng, táo bón, tiêu chảy, phân sống, biếng ăn, ăn không ngon, hấp thụ kém,… Tình trạng này kéo dài cũng sẽ khiến trẻ ăn ngậm, lười ăn.
Thiếu vi chất
Khẩu phần ăn thiếu cân đối, ăn thiên lệch một nhóm thực phẩm nhất định có thể khiến bé bị thiếu dưỡng chất như sắt, kẽm, magie, lysine, chất xơ, đặc biệt là vitamin nhóm B. Từ đó bị mất vị giác, ăn không ngon, lười nuốt.
Trẻ không tập trung khi ăn
Lý do khiến trẻ ăn ngậm có thể là do con không tập trung. Việc vừa ăn vừa chơi đồ chơi, xem tivi, điện thoại sẽ làm các bé quên việc phải nhai và nuốt thức ăn. Trẻ thích ngậm vì khi ngậm lâu, thức ăn chuyển hóa thành đường sẽ tạo vị ngọt làm bé thích thú.
Ngoài trẻ trẻ biếng ăn hay ngậm còn có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang gặp phải vấn đề như: mọc răng, nhiệt miệng, hệ tiêu hóa kém,…
Trẻ ăn ngậm có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?
Trẻ lười ăn, hay ngậm không chỉ khiến cho cha mẹ lo lắng mà còn gây ra hệ lụy nguy hiểm với sức khỏe. Cụ thể:
Bé thiếu dinh dưỡng
Theo chuyên gia, trẻ ăn ngậm thường không được cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng. Vì vậy nếu tình trạng này kéo dài bé sẽ bị suy dinh dưỡng, thiếu vitamin, sức đề kháng giảm, ảnh hưởng khả năng phát triển chiều cao, cân nặng sau này.
Ảnh hưởng răng, miệng
Khi trẻ thường xuyên ngậm thức ăn trong miệng lâu, lượng đường do men tiêu hóa tiết ra sẽ bám vào răng. Lâu ngày khiến con sâu răng, ảnh hưởng thẩm mỹ.
Hệ miễn dịch suy yếu
Hầu hết trẻ biếng ăn, ăn ngậm đều có sức đề kháng kém do cơ thể thiếu chất. Vì vậy con hay ốm vặt, bị bệnh viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển.
Phát triển trí não chậm
Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trí não của bé. Vì vậy khi bé ăn ngậm, cơ thể sẽ không được nhận các chất dinh dưỡng cần thiết như omega 6, omega 3, chất béo, sắt, taurine, DHA,… làm chậm phát triển trí tuệ. Mặt khác, những trẻ ăn ngậm, lười ăn, EQ thấp cũng khó hòa nhập với cuộc sống, việc học tập bị cản trở.
Trẻ ăn ngậm là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ, gây nhiều ảnh hưởng với sự phát triển. Vì vậy khi con có dấu hiệu này mẹ nên tìm cách trấn chỉnh kịp thời cho bé. Để khắc phục tình trạng ăn ngậm cho bé ngoài các phương pháp tác động đến con mẹ còn cần phải bị 1 tinh thần “thép” cho mình. Chúc các mẹ thành công!