Kháng sinh thường được sử dụng để trị các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, việc dùng kháng sinh kéo dài có thể gây ra tác dụng không mong muốn như rối loạn tiêu hóa. Vậy trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa mẹ nên làm gì? Hãy cùng bỏ túi đáp án trong bài viết sau.
Vì sao trẻ uống kháng sinh lại bị rối loạn tiêu hóa?
Rối loạn tiêu hóa là một trong những vấn đề thường gặp ở trẻ. Tình trạng không quá nguy hiểm nhưng nếu kéo dài có thể gây ra hệ lụy không tốt. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến trẻ rối loạn tiêu hóa là do sử dụng kháng sinh kéo dài.
Lý do là bởi đường ruột của trẻ luôn luôn tồn tại hệ thống vi khuẩn có lợi và hại. Các vi khuẩn này duy trì ở mức cân bằng với khoảng 85% lợi khuẩn, 15% hại khuẩn để giúp các bé tăng cường tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng, đào thải chất độc.
Trong khi đó, thuốc kháng sinh lại là loại thuốc cực mạnh. Ngay khi sử dụng ở nồng độ thấp cũng sẽ tiêu diệt, ức chế lợi khuẩn phát triển. Từ đó là gây mất cân bằng vi sinh đường ruột, thúc đẩy hại khuẩn gây bệnh phát triển.
Một số loại thuốc kháng sinh có thể gây rối loạn tiêu hóa cho trẻ là:
- Clindamycin
- Erythromycin
- Ampicillin
- Amoxicillin
- Penicillin
- Nhóm cephalosporin (cefuroxim, cefixim, cefpodoxime)
- Nhóm quinolones (ciprofloxacin, levofloxacin)
- Tetracycline (doxycycline, minocycline),…
Hầu hết các trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa khi uống kháng sinh đều sẽ ở mức độ nhẹ và có thể tự khỏi sau khi ngưng dùng kháng sinh. Tuy nhiên, một số trường hợp có biểu hiện nặng, trẻ sẽ xuất hiện thương tổn viêm nhiễm phù nề đại tràng,…
Dấu hiệu nhận biết trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa
Phần lớn trường hợp rối loạn tiêu hóa do dùng kháng sinh đều có triệu chứng mờ nhạt và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa. Tuy nhiên mẹ vẫn có thể nhận biết tình trạng này dựa vào những dấu hiệu sau:
- Trẻ đau bụng, đi ngoài nhiều lần, số lần đi ngoài có thể lên đến 15-20 lần/ ngày
- Mỗi lần đi ngoài các bé đều rặn
- Phân lỏng, có chất dịch nhầy hoặc bị lẫn máu
- Số lần đi ngoài phân lỏng trong ngày nhiều hơn 3
- Đôi khi phân có màu xanh, vàng lổn nhổn và có ít bọt
- Vùng hậu môn bị hăm đỏ nhẹ do phân có tính axit
- Ngoài ra một số trường hợp hiếm gặp trẻ còn có thể bị sốt hoặc là ớn lạnh
Trong trường hợp trẻ uống kháng bị rối loạn tiêu hóa nhẹ, các triệu chứng bệnh sẽ thường tự khỏi sau khoảng vài ngày ngay khi dừng thuốc. Tuy nhiên, nếu để tình trạng tiêu chảy kéo dài, trẻ sẽ có thể gặp phải biến chứng nguy hiểm như: Rối loạn hấp thu, rối loạn chuyển hóa, mất nước, sụt cân, thậm chí là suy dinh dưỡng, viêm loét, thủng ruột,…
Phân biệt triệu chứng rối loạn tiêu hóa do kháng sinh và nhiễm khuẩn
Trẻ nhỏ có thể rối loạn tiêu hóa do bị nhiễm khuẩn hoặc dùng kháng sinh. Vì vậy mẹ cần phân biệt triệu chứng để có cách trị tốt hơn. Cụ thể:
- Rối loạn tiêu hóa do dùng kháng sinh sẽ chỉ thường gặp ở trẻ đang điều trị bệnh. Hầu hết các trường hợp đều không bị sốt và triệu chứng bệnh sẽ tự thuyên giảm sau khi áp dụng biện pháp tại nhà hoặc dừng kháng sinh
- Đối với trường hợp rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn trẻ sẽ bị sốt kèm theo mức độ tiêu chảy nặng hơn và các triệu chứng như nôn trớ, đau bụng,… Tình trạng này ngày một trở nên nghiêm trọng nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng chỉ rõ một số trẻ khi dùng kháng sinh có thể xuất hiện dấu hiệu đi ngoài ra máu, đau bụng dữ dội hoặc ôi ói,… Với trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc hệ miễn dịch yếu kém thì tình trạng này càng nghiêm trọng hơn. Vì vậy mẹ cần nhanh chóng đưa bé đi gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời.
Trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa có nguy hiểm không?
Trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa có nguy hiểm không là câu hỏi mà rất nhiều mẹ bỉm quan tâm. Theo chuyên gia, một trong những biến chứng của thuốc kháng sinh khi bị đi ngoài là dễ mất nước và chất điện giải.
Đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng bởi việc mất nước kéo dài có thể nguy hiểm đến tính mạng bé. Chưa kể, khi bị rối loạn tiêu hóa trẻ thường suy nhược cơ thể và chậm phát triển so với bạn bè trang lứa.
Nghiêm trọng hơn, tình trạng này có thể khiến trẻ bị viêm (đau hoặc sưng) ở ruột già. Vì vậy ngay khi có các dấu hiệu dưới đây mẹ cần đưa bé đi gặp bác sĩ sớm hơn.
- Trẻ bị sốt, đau bụng
- Đi ngoài phân có máu
- Thể trạng yếu
Cách xử lý tình trạng rối loạn tiêu hóa do dùng kháng sinh
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa do uống kháng sinh phải làm sao? Theo các chuyên gia, với tình trạng này mẹ không cần phải lo lắng, mà hãy làm theo những biện pháp sau:
Đổi hoặc dừng thuốc kháng sinh
Khi trẻ có biểu hiện bệnh, mẹ nên đưa bé đến các cơ sở uy tín kiểm tra. Nếu trẻ bị tiêu chảy nhẹ và không mất nước các bác sĩ có thể khuyên mẹ tiếp tục dùng kháng sinh theo liều chỉ định.
Trường hợp rối loạn tiêu hóa kéo dài và có ảnh hưởng nghiêm trọng, bác sĩ có thể tư vấn đổi sang loại thích hợp hơn nhằm hạn chế tình trạng tiêu chảy mà vẫn đảm bảo hiệu quả chữa bệnh.
Ngoài ra với những trường hợp bệnh nặng, mẹ có thể cho bé dùng thêm chế phẩm vi sinh để giúp cân bằng đường ruột cho con.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Với trẻ rối loạn tiêu hóa do dùng kháng sinh kéo dài thì việc xây dựng chế độ ăn uống sẽ giúp giảm bớt triệu chứng khó chịu của con. Cụ thể:
Nên bổ sung:
- Thức ăn mềm bao gồm bún, cháo, súp,..
- Trái cây như chuối, nước sốt táo, cam, quýt, lê
- Các nguồn protein như thịt gia cầm, thịt nạc, cá
- Ngoài ra mẹ có thể cho bé ăn sữa chua, khoai tây gọt vỏ và các loại ngũ cốc
Nên hạn chế
- Đồ uống có cồn
- Đồ uống chứa caffeine
- Các sản phẩm từ sữa, trừ sữa chua
- Thực phẩm béo như thịt mỡ, bánh nướng, khoai tây chiên
- Thực phẩm cay hoặc giàu chất xơ vì có thể kích ứng hệ tiêu hóa
Cung cấp nước cho con
Trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa thường sẽ mất nước. Vì vậy mẹ cần bổ sung. Có thể thay thế nước lọc bằng dung dịch điện giải oresol theo đúng tỉ lệ. Đồng thời hạn chế sử dụng nước ngọt vì nó có thể khiến cho tình trạng tiêu chảy trở nên nghiêm trọng.
Xử lý hăm tã cho con
Nếu bị rối loạn tiêu hóa do thuốc kháng sinh trẻ sẽ hăm tã quanh vùng hậu môn. Vì vậy bố mẹ cần phải vệ sinh sạch sẽ vùng này để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn. Có thể vệ sinh với nước sau đó lau khô rồi theo một lớp vaseline hoặc kem chống hăm,…
Cách phòng tránh rối loạn tiêu hóa khi uống kháng sinh cho trẻ
Để hạn chế tình trạng trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa mẹ hãy áp dụng các biện pháp sau:
- Tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ. Mẹ tuyệt đối không được tự ý tăng giảm liều dùng hoặc kết hợp với loại thuốc khác
- Tăng cường bổ sung men vi sinh để giúp các bé cân bằng vi sinh đường ruột
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung món ăn chứa nhiều lợi khuẩn, đồng thời chia nhỏ thực đơn hàng ngày
- Khuyến khích các bé vận động nhẹ nhàng như đạp xe, đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày để nâng cao đề kháng
- Thăm khám hoặc hỏi ý kiến bác sĩ ngay khi bé có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn do dùng kháng sinh
Khi nào trẻ cần đi gặp bác sĩ?
Trong trường hợp mẹ đã dùng đủ biện pháp mà tình trạng rối loạn tiêu hóa của trẻ vẫn không thuyên giảm thì hãy đưa con đi gặp bác sĩ. Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy bệnh tình của bé đã chuyển biến nặng
- Trẻ bị tiêu chảy nhiều hơn 5 lần trên ngày
- Có máu trong phân
- Trẻ rất mệt mỏi và không uống nước
- Con có biểu hiện mất nước như tiểu ít, cáu kỉnh, khô môi,…
- Một số trường hợp còn bị đau bụng hoặc chuột rút
Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến việc trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa. Để ngăn ngừa tình trạng này, tốt nhất mẹ hãy cho bé dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ kết hợp với các loại men vi sinh để đảm bảo cân bằng vi sinh đường ruột.