Nội dung chính

Trẻ uống vitamin a có tác dụng gì? Thừa có sao không?

Hàng năm, có 3 triệu trẻ em trên toàn thế giới thiếu vitamin A. 250.000 – 500.000 trẻ trong số đó gặp phải biến chứng suy giảm thị lực và mù lòa. Thiếu vitamin A là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đáng được quan tâm tại Việt Nam và toàn cầu. Cho trẻ uống vitamin A là biện pháp đơn giản và hữu hiệu để phòng ngừa thiếu vi chất quan trọng này.

Vitamin A cho trẻ 6 tháng tuổi: tác dụng, cách dùng

Tác dụng của vitamin A đối với trẻ em

Phát triển thị lực, phòng chống mù lòa

Các tế bào võng mạc của mắt cần vitammin A để cảm thụ ánh sáng. Bên cạnh đó, vitamin A còn tham gia xây dựng các tế bào biểu mô võng mạc. Thiếu vitamin A có thể dẫn tới bệnh lý quáng gà, xơ hóa kết mạc, loét giác mạc và mù lòa.

Quáng gà là biểu hiện đầu tiên khi trẻ có bệnh lý về mắt do thiếu vitamin A. Bố mẹ sẽ quan sát thấy trẻ ít đi lại, chạy nhảy, sợ hãi khi phải di chuyển trong điều kiện ánh sáng kém (chiều tối, tắt điện…). Sau dần, thị lực của trẻ bị suy giảm, trẻ không nhìn rõ mọi vật xung quanh ngay cả khi có đủ ánh sáng. Cuối cùng, trẻ sẽ bị mù vĩnh viễn.

Vitamin A giúp phát triển thị lực, phòng chống mù lòa
Vitamin A giúp phát triển thị lực, phòng chống mù lòa

Tăng cường hệ miễn dịch

Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và hoạt động của tế bào biểu mô ở mọi cơ quan trong cơ thể. Tế bào biểu mô là người chiến sĩ tuyến đầu giúp trẻ chống lại sự xâm nhập của mầm bệnh vào da, hệ hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục… Bên cạnh đó, vitamin A còn thúc đẩy các tế bào miễn dịch của trẻ hoạt động. Khi trẻ thiếu vitamin A, hàng rào bảo vệ này sẽ suy yếu, trẻ dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng như viêm phổi, tiêu chảy, nhiễm khuẩn tiết niệu…

Giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em

Bổ sung vitamin A giúp giảm 12% nguy cơ tử vong ở trẻ em từ 6 tháng – 5 tuổi do mọi nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất là tiêu chảy. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tiêu chảy là nguyên nhân tử vong thứ 2 trên thế giới và là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng ở nhóm tuổi này. Bổ sung đầy đủ vitamin A cho trẻ là biện pháp hiệu quả để giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và kinh tế này.

Vitamin A giúp da trẻ khỏe mạnh và phòng chống bệnh lý ung thư

Ngoài những tác dụng nêu trên, vitamin A còn có vai trò duy trì sự khỏe mạnh của làn da. Ở những trẻ thiếu vitamin A, da thường bị khô, bong tróc, dễ chảy máu.

Ở trẻ lớn, chế độ ăn giàu vitamin A còn giúp ngăn ngừa ung thư buồng trứng, vú, thanh quản, dạ dày, đại tràng…

Thời điểm cho trẻ uống vitamin A

Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo thời điểm cho trẻ uống vitamin A là sau 6 tháng tuổi. Không nên cho trẻ dưới 6 tháng uống vitamin A. Mặc dù hệ miễn dịch của sơ sinh và trẻ nhỏ non yếu nhưng những đối tượng này có thể tiếp nhận đủ vitamin A và kháng thể từ sữa mẹ để chống lại tác nhân gây bệnh.

Trẻ dưới 6 tháng tuổi uống vitamin A sẽ phải đối mặt với nhiều tác dụng không mong muốn nặng nề do cơ thể còn non yếu. Bên cạnh đó, uống vitamin A trước 6 tháng tuổi không làm giảm tỉ lệ thiếu hụt vi chất này khi trẻ lớn lên. Vì tác hại lớn hơn lợi ích, trẻ em chỉ nên uống vitamin A sau 6 tháng tuổi.

Thời điểm cho trẻ uống vitamin A là sau 6 tháng tuổi
Thời điểm cho trẻ uống vitamin A là sau 6 tháng tuổi

Bổ sung vitamin A theo lứa tuổi

Trẻ 1 – 5 tháng tuổi

Nhóm trẻ này không cần uống vitamin A. Trong độ tuổi này, sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A dồi dào. Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là biện pháp đơn giản và hiệu quả để cung cấp đầy đủ vitamin A cho trẻ.

Sữa non trong 3 – 5 ngày đầu sau sinh giàu vitamin A gấp 3 lần và giàu beta-caroten (một dạng tiền chất của vitamin A) gấp 10 lần sữa mẹ trưởng thành. Đó là lý do sữa non thường có màu vàng. Nên cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh để tiếp nhận nguồn vitamin A và kháng thể dồi dào này. Sữa mẹ trong ngày thứ 5 – 14 sau khi sinh được gọi là sữa chuyển tiếp. Nguồn sữa này có hàm lượng vitamin A cao gấp đôi sữa mẹ trưởng thành.

Sau sinh 14 ngày tới 6 tháng, hàm lượng chất dinh dưỡng trong sữa mẹ tương đối ổn định và được gọi là sữa mẹ trưởng thành. Trong 100 ml sữa mẹ chứa khoảng 250 IU vitamin A. Ngần này là đáp ứng đủ nhu cầu vitamin A hàng ngày của trẻ. Vì vậy, trong 6 tháng đầu, trẻ chỉ cần bú mẹ hoàn toàn chứ không cần uống vitamin A.

Sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A dồi dào cho trẻ dưới 6 tháng tuổi
Sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A dồi dào cho trẻ dưới 6 tháng tuổi

Trẻ 6 tháng – 5 tuổi

Sau 6 tháng tuổi, trẻ tiếp nhận vitamin A thông qua sữa mẹ, chế độ dinh dưỡng và uống bổ sung vitamin A. Mặc dù tiếp tục cho trẻ bú mẹ từ 6 tháng – 3 tuổi giúp giảm 74% nguy cơ thiếu vitamin A, nhưng khi trẻ bước sang độ tuổi ăn dặm, sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu vitamin A của trẻ. Đó là lý do trong độ tuổi này, trẻ cần được bổ sung thêm thông qua chế độ ăn và uống vitamin A.

Bố mẹ nên tăng cường các loại rau củ, hoa quả màu đỏ, vàng, xanh sẫm như rau cải, súp lơ xanh, khoai lang vàng, bí đỏ, cà rốt, xoài… vào chế độ ăn của trẻ. Bên cạnh đó, các món ăn có lòng đỏ trứng, phomai, gan, dầu cá cũng rất bổ dưỡng và giàu vitamin A.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, liều lượng và thời gian uống vitamin A của trẻ theo từng lứa tuổi như sau:

  • Trẻ 6 – 11 tháng tuổi: uống 100.000 IU một lần duy nhất
  • Trẻ 1 – 5 tuổi: uống 200.000 IU/ lần và uống định kỳ 4 – 6 tháng/ lần. Vitamin A tan trong dầu nên được cơ thể dự trữ trong gan và giải phóng sử dụng dần dần. Đó là lý do vì sao chỉ cần cho trẻ bổ sung vitamin A 6 tháng/ lần chứ không phải uống đều đặn hàng ngày.

Tác dụng phụ khi uống vitamin A

Uống vitamin A có an toàn không?

Vitamin A đã được nhiều nghiên cứu trên thế giới chứng minh là an toàn với trẻ. Tuy nhiên, khoảng 1,5 – 10% trẻ em có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn như: quấy khóc, đau đầu, sốt, tiêu chảy, buồn nôn, nôn. Những triệu chứng này thường chỉ thoáng qua trong 24 – 48h, sau đó sẽ giảm dần và biến mất. Mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng phụ thuộc vào độ tuổi và sức khỏe của trẻ. Trẻ càng nhỏ tuổi, càng ốm yếu thì càng dễ gặp phải những tác dụng không mong muốn này.

Mặc dù sau khi uống vitamin A, trẻ có thể sốt, nôn, tiêu chảy, quấy khóc nhưng không thể phủ nhận vai trò của bổ sung vitamin A đối với sức khỏe trẻ em. Hiệu quả ngăn ngừa mù lòa và giảm tỉ lệ tử vong khi cho trẻ uống vitamin A lớn hơn rất nhiều so với những tác dụng phụ này. Vì vậy, bố mẹ đừng quá lo ngại mà không cho trẻ uống vitamin A, bởi hậu quả sức khỏe trẻ phải gánh chịu trong tương lai vô cùng nặng nề.

Xử lý tác dụng phụ sau khi uống vitamin A

Nếu trẻ uống vitamin A bị sốt, bố mẹ hãy cho trẻ mặc quần áo mỏng, mát và chườm ấm cho trẻ. Khi nhiệt độ trên 38,5°C, nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.

Sau khi uống vitamin A, trẻ có thể sốt, nôn, tiêu chảy, quấy khóc trong 1 – 2 ngày
Sau khi uống vitamin A, trẻ có thể sốt, nôn, tiêu chảy, quấy khóc trong 1 – 2 ngày

Nếu trẻ uống vitamin A bị nôn và tiêu chảy, bố mẹ hãy pha Oresol và đổ thìa cho trẻ. Biện pháp này giúp trẻ đỡ mệt và không bị mất nước. Bố mẹ lưu ý là nên đổ từng thìa nhỏ, chậm rãi chứ không cho trẻ uống Oresol bằng cốc. Uống quá nhanh và quá nhiều Oresol có thể khiến trẻ buồn nôn và đi ngoài nhiều hơn. Bố mẹ nên chia nhỏ bữa ăn, mỗi bữa cho trẻ ăn ít hơn và ăn nhiều bữa trong ngày. Nên cho trẻ uống sữa, ăn cháo để dễ tiêu hóa. Hạn chế uống nước ngọt, nước có ga và ăn bim bim, bánh kẹo. Các thực phẩm này sẽ khiến tình trạng đi ngoài của trẻ nặng hơn.

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện

Tác dụng phụ sau khi uống vitamin A thường nhẹ và thoáng qua. Các triệu chứng sẽ giảm dần và biến mất sau 2 ngày. Nếu sang ngày thứ 3, trẻ vẫn sốt, nôn, tiêu chảy, quấy khóc, bố mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để tiếp tục theo dõi và xử trí. Nếu ngay sau khi uống vitamin A, trẻ sốt cao liên tục, nôn và đi ngoài nhiều, bỏ ăn, mệt lả hoặc quấy khóc không dỗ được, bố mẹ cũng cần cho trẻ tới bệnh viện ngay.

Trẻ bị ngộ độc vitamin A

Trung bình mỗi năm có 200 trẻ bị ngộ độc vitamin A. Ngộ độc vitamin A xảy ra khi trẻ uống quá liều vitamin A (ngộ độc cấp tính) hoặc sử dụng các sản phẩm chứa vitamin A dài ngày (ngộ độc mạn tính). Cả hai trường hợp ngộ độc này tuy hiếm gặp đều ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của trẻ.

Ngộ độc vitamin A cấp tính

Ngộ độc cấp tính xảy ra khi trẻ uống nhiều hơn 25.000 IU/ kg cân nặng. Trường hợp này thường hiếm gặp vì vitamin A được định liều chính xác theo tuổi và đóng gói dưới dạng viên nang. Vitamin A sẽ được phát cho các bậc phụ huynh khi đưa trẻ tới cơ sở y tế chứ không phải tự mua, tự cho uống tại nhà như các loại vitamin khác.

Triệu chứng ngộ độc cấp tính thường xuất hiện trong 8 – 24h sau khi trẻ uống vitamin A. Các triệu chứng thường gặp là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, quấy khóc hoặc cáu gắt, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, thờ ơ, thóp phồng. Da trẻ thường bong tróc, ban đầu ở quanh môi, sau đó lan ra khắp cơ thể. Da trẻ cũng có thể nổi ban đỏ và ngứa nhiều.

Khi cha mẹ phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường giống như trên, hãy đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Ngộ độc vitamin A mạn tính

Ngộ độc mãn tính xảy ra khi trẻ tiếp nhận vitamin A nhiều hơn 4.000 IU/ kg cân nặng mỗi ngày và liên tục trong 6 – 15 tháng. Nguyên nhân thường do bố mẹ bổ sung quá nhiều và quá thường xuyên các món ăn, thức uống hoặc chế phẩm giàu vitamin A như nước ép cà rốt, cháo bí đỏ, thực phẩm chức năng…

Trẻ ngộ độc vitamin A mạn tính có biểu hiện sốt nhẹ, xanh xao, đau đầu, mệt mỏi kéo dài, hay cáu gắt vô cớ. Trẻ thường chán ăn, nôn, rối loạn tiêu hóa, sụt cân nhưng bụng chướng do gan, lách to. Da trẻ vàng, khô, dễ bắt nắng. Môi khô, bong tróc, dễ chảy máu. Tóc rụng nhiều, móng tay giòn, dễ gãy. Trẻ thường đi tiểu đêm nhiều lần và có thể kêu đau xương khớp.

Da vàng, khô, tóc rụng, môi bong tróc, dễ chảy máu là dấu hiệu nhận biết ngộ độc mạn tính vitamin A
Da vàng, khô, tóc rụng, môi bong tróc, dễ chảy máu là dấu hiệu nhận biết ngộ độc mạn tính vitamin A

Khi phát hiện thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, bố mẹ nên kiểm tra lại chế độ dinh dưỡng của trẻ. Dừng ngay những thực phẩm và chế phẩm chứa vitamin A và đưa trẻ tới cơ sở y tế để kiểm tra. Sau khi ngừng tiếp nhận vitamin A, cơ thể trẻ sẽ từ từ đào thải lượng vi chất thừa ra ngoài. Các triệu chứng sẽ giảm dần và biến mất sau vài tuần.

Phòng tránh ngộ độc vitamin A ở trẻ em

Ngộ độc vitamin A tuy hiếm nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên lạm dụng và cần thực hiện những lời khuyên dưới đây để hạn chế tình trạng ngộ độc vitamin A ở trẻ em.

Tuân thủ đúng liều và thời điểm uống vitamin A theo quy định. Bố mẹ không nên cho trẻ uống vitamin A trước 6 tháng tuổi. Hãy đưa trẻ đi uống vitamin A 4 – 6 tháng/ lần, không đưa đi sớm hơn cũng không được trì hoãn muộn hơn.

Không nên bổ sung nhiều và liên tục các thực phầm giàu vitamin A. Vitamin A được cơ thể thu nhận, chuyển hóa và dự trữ trong gan. Khi bố mẹ liên tục cho trẻ ăn nhiều thực phầm giàu vitamin A, cơ thể sẽ dư thừa và quá tải, gây nên ngộ độc mạn tính. Thay vào đó, các bậc phụ huynh hãy đa dạng hóa chế độ ăn để trẻ tiếp nhận đầy đủ các vi chất dinh dưỡng cần thiết và hạn chế tích tụ quá nhiều vitamin A trong cơ thể.

Chú ý theo dõi trẻ trong 2 – 3 ngày sau khi uống vitamin A để phát hiện sớm các triệu chứng bất thường và đưa trẻ đi khám kịp thời.

Sau khi uống vitamin A, trẻ có thể sốt nhẹ, nôn và tiêu chảy. Bố mẹ đừng quá lo lắng. Phản ứng này là bình thường và chỉ kéo dài 1 – 2 ngày, sau đó sẽ giảm dần và biến mất.

Hi vọng những lời khuyên trên đây đã giúp các bậc phụ huynh hiểu thêm về tác dụng của vitamin A. Thêm vào đó, các bạn cũng tự tin hơn để theo dõi và phát hiện những vấn đề sức khỏe sau khi trẻ uống bổ sung vi chất này.

Cụm từ tìm kiếm: tác dụng của vitamin a, tác dụng của vitamin a với da, tác dụng phụ của vitamin a, tác dụng vitamin a, uống vitamin a có tác dụng gì, vitamin a có tác dụng gì, công dụng của vitamin a, công dụng vitamin a,…

Nguồn: momjunction, healthline, who

https://www.momjunction.com/articles/health-benefits-of-vitamin-a-for-children_0092460/
https://www.healthline.com/nutrition/vitamin-a-benefits
https://www.who.int/data/nutrition/nlis/info/children-6-59-months-receiving-vitamin-a-supplements
Chia sẻ bài viết này