Nội dung chính

Adenovirus có thể gây bệnh gì? Dấu hiệu và cách điều trị

Thời gian gần đây số trẻ nhập viện do nhiễm Adenovirus tăng nhanh, trong đó có 7 trường hợp tử vong khiến cho cha mẹ không khỏi lo lắng. Vậy Adenovirus gây ra bệnh gì ở trẻ, nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau.

Adenovirus là gì?

Thống kê của bệnh viện Nhi TW cho biết, số ca bị nhiễm virus Adeno trong toàn bệnh viện từ đầu năm 2022 đến nay là 1.406 ca. Số ca nội trú là 811, chiếm gần 58%. Adeno là loại virus có rất nhiều type, mỗi type sẽ gây ra bệnh khác nhau như: viêm đường hô hấp, tiêu chảy, viêm kết mạc,…

Trong đó, type có nghi ngờ liên quan đến bệnh “viêm gan bí ẩn” hiện đang xảy ra ở hơn 20 quốc gia, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của bé.

Virus Adeno tác nhân gây nhiều bệnh lý
Virus Adeno tác nhân gây nhiều bệnh lý

Theo các chuyên gia, Adenovirus là virus chứa DNA chuỗi kép. Loại virus này có đường kính khoảng 70-80 nm, chúng không có vỏ bọc ngoài, vỏ bọc đối xứng hình khối và hình đa giác đều, được tạo nên bởi 252 Capsome. Virus Adeno được chia làm 2 nhóm chính: nhóm gây bệnh ở chim và nhóm gây bệnh ở động vật có vú trong đó có người.

Virus này có thể tồn tại khá lâu ở trong ngoại cảnh. Với nhiệt độ phòng, chúng có thể sống khoảng 30 ngày, với nhiệt độ cơ thể 37 độ C chúng sống được 15 ngày, đối với nhiệt độ -200độ C chúng có thể sống đến nhiều năm. Tuy nhiên đối với nước sôi, các tia cực tím thì virus này rất dễ tiêu diệt.

Adenovirus có thể gây ra những căn bệnh nào với bé?

Theo thống kê của bệnh viện nhi TW, những ca nhập viện do virus Adeno chủ yếu là trẻ dưới 3, với các triệu chứng sốt cao, ho nhiều, khó thở, viêm phổi,… Gần 50% số ca bệnh này có hiện tượng suy hô hấp phải can thiệp oxy, thậm chí một số bé còn phải thở máy. Adenovirus hiện được thống kê có 7 nhóm gây khoảng 50 type bệnh khác nhau. Dưới đây là những căn bệnh nguy hiểm mà loại virus này có thể gây ra cho bé.

Các bệnh viêm dạ dày và ruột

Virus Adeno type 40, 41 chính là tác nhân gây bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính ở trẻ. Theo các chuyên gia, tình trạng viêm dạ dày ruột do virus này gây ra chỉ đứng thứ hai sau Rotavirus, gây bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ.

Gây bệnh đau mắt đỏ

Adenovirus còn là nguyên nhân gây ra chứng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ. Theo các nghiên cứu khoa học, virus Adeno có thể gây ra 4 dạng lâm sàng của bệnh đau mắt đỏ như:

  • Viêm kết giác mạc dịch
  • Viêm kết mạc thanh quản kèm sốt
  • Viêm kết mạc cấp có hột không đặc hiệu
  • Viêm kết giác mạc mạn tính
Bệnh đau mắt đỏ do Adenovirus gây ra
Bệnh đau mắt đỏ do Adenovirus gây ra

Các bệnh viêm đường hô hấp

Adenovirus cũng là tác nhân gây bệnh về đường hô hấp. Điều lo ngại là, các bệnh về đường hô hấp do loại virus này gây ra thường có diễn biến khá nhanh và nguy hiểm, Cụ thể:

  • Viêm họng cấp: Thường gặp ở trẻ dưới 3. Bệnh có thể kéo dài từ 7-14 ngày và nhanh chóng lây lan thành dịch. Nếu chỉ chẩn đoán thông qua triệu chứng thì rất khó để phân biệt với bệnh hô hấp do virus khác
  • Viêm họng kết mạc: Bệnh thường lây lan thành dịch nhất là vào mùa hè thông qua đường hô hấp hoặc trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh
  • Viêm đường hô hấp cấp: Virus Adeno chủng 4 hoặc 7 là nguyên nhân chính gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở trẻ
  • Viêm phổi: Theo thống kê, rất nhiều trẻ nhỏ nhập viện với triệu chứng của viêm phổi. Sau khi xét nghiệm người ta nhận thấy 10% tổng số ca bệnh là do virus Adeno gây ra

Các bệnh khác

Ngoài những loại bệnh kể trên, thì virus này còn là nguyên nhân gây:

  • Viêm bàng quang chảy máu với bé trai
  • Viêm gan bí ẩn
  • Viêm màng não

Adenovirus lây truyền qua con đường nào?

Adenovirus ở trẻ rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi có tiếp xúc gần như trường học, bệnh viện, trung tâm chăm sóc trẻ,…

Thông thường, virus Adeno sẽ lây truyền qua giọt bắn, đường hô hấp khi nói chuyện trực tiếp hoặc khi ho, hắt hơi gần người bệnh. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn nước hoặc đồ cá nhân bị nhiễm virus cũng sẽ làm tăng nguy cơ truyền nhiễm.

Không chỉ thế, theo các chuyên gia nhiễm trùng đường tiêu hóa cũng là tác nhân lây nhiễm Adenovirus khi trẻ rửa tay không thường xuyên hoặc không đúng cách.

Virus này lây lan qua đường giọt bắn
Virus này lây lan qua đường giọt bắn

Triệu chứng khi nhiễm Adenovirus

Hầu hết trường hợp bị nhiễm Adenovirus đều không có triệu chứng gì. Các trường hợp nhiễm bệnh có triệu chứng thường được biểu hiện lâm sàng đa dạng do các chủng khuẩn Adenovirus có ái lực với nhiều loại mô.

Thông thường, tình trạng nhiễm trùng Adenovirus thường sẽ xảy ra ở đường hô hấp. Các triệu chứng bệnh tương tự như cảm lạnh thông thường. 

  • Trẻ có thể bị sốt cao, kéo dài liên tục trong vòng vài ngày
  • Con bị sổ mũi, nghẹt mũi hoặc nhiễm trùng tai
  • Ngoài ra một số em bé còn bị nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm tiểu phế quản, viêm phổi,…
  • Hoặc bị đau họng kéo dài
  • Đặc biệt một số trường hợp bé còn xuất hiện triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ, gọi là viêm kết mạc mắt

Bị nhiễm Adenovirus có nguy hiểm không?

Bệnh do Adenovirus gây ra xuất hiện quanh năm nhưng thường mạnh nhất là vào thời điểm giao mùa. Loại virus này có thể gây bệnh ở mọi đối tượng nhưng thường gặp nhất là trong giai đoạn trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi.

Sau khi xâm nhập vào trong cơ thể, ban đầu Adenovirus sẽ gây ra các triệu chứng như sốt cao, nhức đầu, viêm hô hấp. Sau đó nếu không phát hiện và điều trị sớm bé sẽ có thể gặp phải biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm tiểu phế quản, khởi phát cơn hen. Nặng hơn có thể gây tổn thương gan, viêm gan, viêm não,…

Cách chẩn đoán trẻ nhiễm virus Adeno

Để chẩn đoán Adenovirus ở trẻ, đầu tiên bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám dựa vào dấu hiệu lâm sàng như sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi,… Với trẻ có những biểu hiện nghi ngờ, sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm chuyên sâu như:

  • Xét nghiệm máu
  • Chụp X- quang tim phổi
  • Xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh bằng Realtime -PCR

Cách điều trị virus Adeno

Hiện nay chưa có loại thuốc nào đặc hiệu trị được Adenovirus. Trẻ sau khi bị nhiễm bệnh sẽ được cách ly ở trong phòng riêng, tiến hành điều trị triệu chứng kết hợp với việc nâng cao đề kháng cho con. Nếu trị đúng cách, trẻ sẽ có thể khỏi bệnh sau một vài ngày. Tuy nhiên đối với những trẻ đang gặp vấn đề nhiễm trùng thì bệnh có thể kéo dài 1 tuần hoặc hơn. Dưới đây là những biện pháp mà mẹ có thể áp dụng cho con để cải thiện bệnh:

  • Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều
  • Bổ sung nước
  • Uống Acetaminophen nếu bị sốt cao
  • Vệ sinh mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý để cải thiện triệu chứng nghẹt mũi, giúp bé hô hấp dễ dàng
  • Đối với trẻ sơ sinh bị nôn mửa hoặc tiêu chảy cần phải tiến hành điều trị mất nước
  • Với trẻ có sức đề kháng kém, bị nhiễm Adenovirus nặng thì cần hỗ trợ hô hấp như thở oxy, thở máy, dùng kháng sinh,…
Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ dùng biện pháp khác nhau
Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ dùng biện pháp khác nhau

Cách phòng ngừa Adenovirus gây bệnh

Khi số lượng ca nhiễm bệnh ngày càng gia tăng và có nguy cơ thành dịch mẹ nên trang bị thông tin cần thiết cũng như bỏ túi cách phòng ngừa sau:

  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tăng đề kháng cho con bằng cách bổ sung rau xanh, thực phẩm có nhiều chất đạm và vitamin C
  • Thường xuyên vệ sinh mũi họng, có thể dùng muối sinh lý để làm sạch mũi cho con mỗi ngày
  • Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách và nhắc con rửa tay thường xuyên
  • Hướng dẫn trẻ dùng khăn giấy hoặc tay che miệng khi ho cũng như hắt hơi
  • Chú ý giữ cho bề mặt mà trẻ tiếp xúc như bàn, đồ chơi luôn được sạch sẽ
  • Không được để trẻ nhiễm lạnh, nhất là khi giao mùa
  • Tránh để bé tiếp xúc nguồn bệnh. Nếu trường học có trẻ bị nhiễm mẹ hãy cách ly các bé tại nhà cho đến khi an toàn
  • Không đưa trẻ đến nơi công cộng, nơi đang có dịch. Trường hợp bắt buộc hãy đeo khẩu trang
  • Tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo chương trình tiêm chủng quốc gia

>>> Xem nhiều hơn:

Khi nào trẻ cần đi gặp bác sĩ?

Trẻ nhiễm Adenovirus thường không có triệu chứng gì rõ ràng. Vì vậy khi thấy sức khỏe con có vấn đề mẹ hãy nhanh chóng đưa bé đến viện. Cụ thể:

  • Trẻ sốt cao hoặc sốt nhiều ngày, không đáp ứng thuốc hạ sốt
  • Xuất hiện vấn đề về hệ hô hấp
  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi có vấn đề ở hệ miễn dịch
  • Bị viêm kết mạc mắt, mắt đau, thị lực giảm
  • Trẻ bị nôn mửa, tiêu chảy, mất nước

Bệnh do Adenovirus gây ra hiện chưa có thuốc đặc hiệu. Vì vậy để phòng biến chứng nguy hiểm mẹ nên chủ động tăng cường đề kháng cũng như tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho con. Trường hợp thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường mẹ nên nhanh chóng đưa con đến gặp bác sĩ.

Có thể tham khảo thêm tại https://www.benhvien108.vn/y-hoc-thuong-thuc/tre-nhiem-vi-rut-a-de-no-co-bieu-hien-the-nao.htm

https://www.benhvien108.vn/y-hoc-thuong-thuc/tre-nhiem-vi-rut-a-de-no-co-bieu-hien-the-nao.htm
Chia sẻ bài viết này