Nội dung chính

Bệnh tay chân miệng cấp độ 1: Cách nhận biết và điều trị

Bệnh tay chân miệng cấp độ 1 thường không gây ra biến chứng nguy hiểm. Nhưng nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ để lại một số hậu quả. Vậy tay chân miệng cấp độ 1 nhận biết thế nào? Khi nào cần gặp bác sĩ.

Các cấp độ của bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh thường gặp ở trẻ. Bệnh bùng phát mạnh vào các thời điểm giao mùa như tháng 3- tháng 5 và tháng 9- tháng 12. Dù không gây nhiều nguy hiểm nhưng các triệu chứng của bệnh có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe bé. Tùy vào mức độ nặng nhẹ mà các chuyên gia chia làm những cấp độ sau.

Tay chân miệng cấp độ 1

Là mức độ nhẹ nhất, khi cơ thể mới chỉ xuất hiện các tổn thương trên da. Số lượng nốt mủ cũng ít nên không ảnh hưởng gì tới sinh hoạt của người bệnh.

Tay chân miệng cấp độ 1 thường nhẹ
Tay chân miệng cấp độ 1 thường nhẹ

Tay chân miệng cấp độ 2

Là giai đoạn xuất hiện các biến chứng nhẹ trên hệ thần kinh, tim mạch. Tay chân miệng cấp độ 2 được chia thành phân độ nhỏ.

Độ 2a: Là giai đoạn mà trẻ có một trong các dấu như giật mình dưới 2 lần trên 30 phút, không ghi nhận lúc khám bệnh, sốt trên 2 ngày hoặc trên 39 độ C kèm theo nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ.

Độ 2b: Ở cấp độ này các dấu hiệu lại được chia làm 2 nhóm:

  • Nhóm 1: Trẻ giật mình nhiều hơn 2 lần trong 30 phút, được ghi nhận lúc khám kèm theo các dấu hiệu như ngủ gà, nhịp tim nhanh >150 lần/ phút, sốt cao trên 39 độ C không đáp ứng thuốc
  • Nhóm 2: Trẻ có một trong các dấu hiệu như thất điều (run chi, ngồi không vững); rung giật nhãn cầu; yếu chi; liệt thần kinh sọ (nuốt sặc, thay đổi giọng nói)

Bệnh tay chân miệng cấp độ 3

Là giai đoạn báo động khi tình trạng bệnh chuyển biến nghiêm trọng với dấu hiệu như:

  • Mạch đập nhanh quá 170 lần/ phút
  • Vã mồ hôi
  • Huyết áp tăng
  • Thở dốc
  • Rối loạn tri giác
  • Tăng lực trương cơ

Ở giai đoạn này, trẻ cần đưa đến cơ sở y tế để được điều trị, tránh gây nguy hiểm tính mạng.

Bệnh tay chân miệng cấp độ 4

Là giai đoạn đặc biệt nghiêm trọng. Lúc này các bé hầu như không còn sức lực, xuất hiện tình trạng sốc, tím tái, phù phổi, suy giảm nhịp tim, thậm chí là gặp biến chứng tử vong.

Bệnh tay chân miệng cấp độ 1 có triệu chứng gì?

Bé bị tay chân miệng độ 1 thì các triệu chứng xuất hiện khá nhẹ. Cụ thể:

  • Trẻ có dấu hiệu sốt nhẹ, khoảng 38-39 độ C
  • Có biểu hiện mệt mỏi, đuối sức
  • Trên cơ thể bắt đầu xuất hiện các nốt bọng nước ở da, đặc biệt là miệng, mông, tay, chân
  • Theo thời gian các vết bọng này có thể vỡ ra, hình thành vết loét và gây đau đớn cho trẻ
Dấu hiệu tay chân miệng cấp độ 1
Dấu hiệu tay chân miệng cấp độ 1

Các vết bọng nước ở trẻ thường chỉ xuất hiện khoảng 1-2 tuần. Đối với trẻ sơ sinh khi bệnh tay chân miệng cấp độ 1 con sẽ lười bú, bỏ ăn. Do đó khi bé có những thay đổi bất thường, mẹ cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Theo chuyên gia, ngoài dấu hiệu chính như sốt, phát ban, bỏ ăn thì tay chân miệng cấp độ 1 ở trẻ còn có các dấu hiệu như:

  • Trẻ bị đau nhức cơ bắp, cổ cứng, xuất hiện những cơn đau đầu
  • Trẻ hay lo lắng, bồn chồn
  • Khi ngủ con thường xuyên bị giật mình, giấc ngủ không ngon
  • Có dấu hiệu quấy khóc bất thường
  • Ngoài ra, một số bé còn bị chảy nước miếng vì đau họng và không nuốt được

Tay chân miệng độ 1 mấy ngày thì khỏi?

Tay chân miệng xuất hiện ở trẻ khiến cho không ít phụ huynh lo lắng nhất là hiện nay chưa có thuốc trị đặc hiệu. Vậy bệnh tay chân miệng cấp độ 1 bao lâu thì khỏi? Theo chuyên gia, thông thường những trường hợp này bé sẽ tự khỏi sau khoảng 7-10 ngày mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên mẹ cần đưa bé đến viện kiểm tra để xem tình hình cũng như tư vấn phương pháp chăm sóc, điều trị tại nhà đến khi khỏi bệnh.

Hướng dẫn điều trị bệnh tay chân miệng cấp độ 1 cho bé

Bệnh tay chân miệng cấp độ 1 tuy không nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách sức khỏe của bé vẫn sẽ ảnh hưởng. Dưới đây là nguyên tắc và cách điều trị cấp độ bệnh này.

Nguyên tắc trong điều trị bệnh tay chân miệng cấp độ 1

Hiện vẫn chưa có loại thuốc nào đặc trị bệnh tay chân miệng. Vì thế để việc điều trị đạt kết quả cao, mẹ cần tuân thủ những nguyên tắc sau:

  • Không sử dụng kháng sinh khi trẻ không bị bội nhiễm
  • Đối với trẻ nhỏ cần theo dõi và thực hiện điều trị biến chứng của bệnh từ khi còn sớm
  • Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ để con nâng cao sức khỏe cũng như đề kháng
  • Khi trẻ bị tay chân miệng độ 1, mẹ nên thực hiện điều trị ngoại trú, theo dõi tại các cơ sở y tế gần nhà
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và môi trường sống xung quanh
  • Vệ sinh đồ dùng, vật dụng cho trẻ bằng nước sát khuẩn y tế
  • Cách ly trẻ bị bệnh với những người khỏe để tránh lây lan
Không tự ý dùng thuốc cho bé khi không có chỉ định
Không tự ý dùng thuốc cho bé khi không có chỉ định

Biện pháp điều trị bệnh tay chân miệng cấp độ 1

Dưới đây là những phương pháp điều trị cho bé bị tay chân miệng cấp độ 1 được chuyên gia khuyên dùng:

  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt bằng Paracetamol liều 10 mg/kg/lần (uống) mỗi 6 giờ
  • Dùng Antacid dạng gel để chấm lên các vết thương, lở loét ở miệng, giúp trẻ dễ nhai và nuốt thức ăn
  • Dùng kháng sinh giảm ngứa theo chỉ định của bác sĩ với từng trường hợp
  • Đưa trẻ đi viện tái khám 1-2 lần trong 7-10 ngày đầu bị bệnh
  • Nếu trẻ sốt cao thì phải đưa đi tái khám mỗi ngày cho đến khi hạ sốt ít nhất 48h
  • Cung cấp cho bé chế độ dinh dưỡng đầy đủ, không ép bé ăn, thay vào đó chia nhỏ thực đơn, đảm bảo năng lượng cần thiết

Tay chân miệng cấp độ 1 có cần đi viện không? Khi nào gặp bác sĩ?

Theo chuyên gia ở cấp độ 1 mẹ không cần thiết cho trẻ nhập viện vì vẫn có thể điều trị ngoại trú hoặc theo dõi tại các cơ sở y tế. Trường hợp bệnh tiến triển nặng, chuyển sang cấp độ thứ 2 thì cần nhanh chóng chuyển vào bệnh viện để được điều trị kịp thời. Cụ thể theo các chuyên gia, khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau mẹ cần đi gặp bác sĩ để nghe tư vấn kịp thời.

  • Trẻ sốt cao trên 39 độ C
  • Có dấu hiệu thở nhanh, đi loạng choạng
  • Môi tím tái, vã mồ hôi, tay chân lạnh
  • Trẻ rơi vào tình trạng co giật, hôn mê
  • Sau 1-2 ngày bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm
Cho bé gặp bác sĩ nếu bệnh không đỡ
Cho bé gặp bác sĩ nếu bệnh không đỡ

Điều trị tay chân miệng độ 1 cho bé cần lưu ý những điều gì?

Dựa vào cấp độ phân chia thì tay chân miệng độ 1 vẫn còn rất nhẹ và dễ điều trị. Tuy nhiên để phòng biến chứng mẹ hãy lưu ý một số vấn đề như sau:

  • Nhiệt độ của bé cần phải kiểm tra thường xuyên
  • Kiểm tra xem trẻ có nôn, giật mình
  • Theo dõi tim mạch, huyết áp cẩn thận
  • Tránh cho trẻ ăn hoa quả họ cam và quýt vì nó có thể kích ứng mụn nước
  • Cho bé uống thật nhiều nước, đồng thời tránh thức ăn cay, nóng, mặn
  • Có thể cho bé ăn kem mềm để giảm đau rát, tuy nhiên không nên sử dụng loại kem quá lạnh

Trên đây là thông tin về bệnh tay chân miệng cấp độ 1 ở trẻ. Với kiến thức này, hy vọng các mẹ có thể phát hiện, chăm sóc và điều trị bệnh hiệu quả.

Chia sẻ bài viết này