Nội dung chính

Viêm não Nhật Bản và những gì mẹ cần phải biết!

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính vô cùng nguy hiểm với tỉ lệ tử vong lên đến 30% cùng vô số di chứng nặng nề cho hệ thần kinh như động kinh, co giật, rối loạn ngôn ngữ, tâm thần phân liệt,… Điều nguy hiểm là, hiện vẫn chưa có thuốc đặc hiệu cho căn bệnh này. Vì vậy thông tin về bệnh viêm não Nhật Bản cũng như vắc xin phòng tránh luôn là vấn đề được các bà mẹ quan tâm.

Bệnh viêm não Nhật Bản là gì?

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh thường xuất hiện ở vùng nông thôn khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nơi khí hậu cận nhiệt đới. Bệnh lây truyền qua đường máu, chủ yếu là do virus viêm não Nhật Bản thuộc nhóm B, họ Togaviridae, giống Flavivirus gây ra.

Bệnh viêm não Nhật Bản
Bệnh viêm não Nhật Bản

Hiện nay, viêm não Nhật Bản vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh chỉ dưới 1% nhưng tỷ lệ tử vong lên đến 25-35%. Trong số 65-75% người có thể sống sót có đến 50% người có nguy cơ mắc di chứng vĩnh viễn.

Nguyên nhân viêm não Nhật Bản

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh viêm não Nhật Bản là do virus thuộc họ Togaviridae nhóm B gây ra. Loại virus này có kích thước từ 15-22-50 nanomet. Chúng không có khả năng chịu nhiệt, bị bất hoạt ở nhiệt độ 56 độ C trong 30 phút và 2 phút ở nhiệt độ 100 độ C. Chúng chủ yếu xâm nhập vào cơ thể người thông qua muỗi đốt.

Loại virus này thường được nhân lên trong một chu kỳ giữa muỗi và vật chủ khuếch đại, chủ yếu là lợn và chim. Số virus này khi tăng lên đủ lượng cần thiết trong vật chủ sẽ được truyền sang vật chủ khác qua vết muỗi đốt.

Quá trình truyền nhiễm đó, cơ thể người được xem là vật chủ ngẫu nhiên. Trong cơ thể người, virus không thể phát triển đến giai đoạn thuận lợi. Vì vậy, viêm não Nhật Bản không thể lây được từ người sang người.

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do virus gây ra
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do virus gây ra

Triệu chứng viêm não Nhật Bản

Sốt cao, co giật, hôn mê là 3 triệu chứng điển hình của bệnh viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên khi triệu chứng này xuất hiện bệnh đã tiến triển rất nặng. Có trường hợp viêm não ác tính, chỉ sau 24h, bệnh nhân đã co giật, hôn mê rồi ngừng thở vì chết não.

Vì vậy để sớm phát hiện ra bệnh mẹ nên quan sát triệu chứng theo từng giai đoạn.

Giai đoạn ủ bệnh

Phần lớn các ca viêm não Nhật Bản thường có thời gian ủ bệnh là khoảng 5-14 ngày, trung bình là khoảng 1 tuần. Thời gian này, người bệnh không có triệu chứng gì rõ ràng.

Giai đoạn khởi phát

Bệnh khởi đầu với biểu hiện sốt và thường bị sốt rất cao 39-40 độ C. Bệnh xảy ra đột ngột, trẻ có thể đang khỏe mạnh bỗng dưng sốt cao, co giật, dẫn đến lờ đờ, hôn mê 1-3 ngày.

Triệu chứng của bệnh giai đoạn khởi phát
Triệu chứng của bệnh giai đoạn khởi phát

Ngoài ra, bé còn có thêm các dấu hiệu khác như rét run, đau đầu, mệt lả, buồn nôn. Ở 1-2 ngày đầu khởi phát, trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng cứng gáy, tăng trương cơ lực, lú lẫn. Ở trẻ nhỏ hơn, ngoài sốt còn đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng. Nhìn chung diễn biến của bệnh nặng lên rất nhanh.

Giai đoạn toàn phát

Khi virus xâm nhập vào tế bào não, nó sẽ hủy hoại tế bào thần kinh. Lúc này các triệu chứng sẽ bùng phát mạnh Trẻ có triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như vã mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở, tăng tiết trong lòng khí quản, mạch nhanh và yếu.

Các triệu chứng này bùng phát rất nhanh, sau đó người bệnh sẽ bị rơi vào trạng thái hôn mê, rối loạn chức năng sống. Nếu vượt qua được, tiên lượng sẽ tốt hơn.

Giai đoạn lui bệnh

Từ tuần thứ 2, bệnh nhân đỡ dần, nhiệt độ giảm xuống. Khoảng ngày thứ 10 trở đi, nhiệt độ sẽ về lại mức bình thường nếu không bội nhiễm với vi khuẩn khác. Những bệnh nhân hôn mê cũng sẽ dần dần tỉnh lại, không còn những cơn co cứng, trẻ hết nôn và đau đầu.

Các thể lâm sàng của viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật bản được chia thành các thể sau:

  • Thể tối cấp: Diễn ra nhanh chóng, giai đoạn sốt chỉ có 1-2 ngày
  • Thể cấp tính: Thường có biểu hiện rối loạn phát âm, khàn tiếng, khó thở, liệt màn hầu, liệt chi
  • Thể đơn thuần: Xuất hiện triệu chứng cổ gượng, đôi khi rối loạn ý thức kèm theo thay đổi dịch não tủy

Viêm não nhật bản có nguy hiểm không?

Viêm não Nhật Bản là bệnh đặc biệt nguy hiểm vì chưa có thuốc đặc hiệu. Khi trẻ có các biểu hiện viêm não, lượng virus trong cơ thể đã phát triển với số lượng nhiều, có thể gây ra tổn thương ở các tế bào thần kinh. Do đó việc điều trị rất khó khăn. Hơn 50% số người bị bệnh có thể bị mất khả năng lao động, để lại gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Bệnh có thể để lại biến chứng nguy hiểm cho con
Bệnh có thể để lại biến chứng nguy hiểm cho con

Dưới đây là những biến chứng nguy hiểm mà căn bệnh này có thể gây ra:

  • Động kinh
  • Chậm phát triển trí tuệ
  • Liệt
  • Thất ngôn
  • Viêm phế quản, viêm phổi
  • Viêm bể thận- bàng quang
  • Loét nhiễm trùng
  • Rối loạn chuyển hóa
  • Rối loạn tâm thần

Nguy hiểm hơn, bệnh có thể gây tử vong với tỉ lệ cao chiếm khoảng 30% số ca bị bệnh và khoảng 50% số ca còn sống sẽ gặp di chứng thần kinh.

Cách chẩn đoán bệnh viêm não Nhật Bản

Để chẩn đoán viêm não Nhật Bản các bác sĩ chủ yếu dựa vào biểu hiện của bệnh và các xét nghiệm liên quan. Cụ thể:

  • Xét nghiệm thường quy: Đây là phương pháp xét nghiệm giúp các bác sĩ kiểm tra công thức máu, chức năng gan, thận. Ở trẻ bị viêm não, số lượng tiểu cầu thường giảm. Con thiếu máu nhẹ, men gan tăng cao, bạch cầu tăng nhẹ
  • Xét nghiệm không đặc hiệu: Với những người bệnh rối loạn tri giác, bác sĩ sẽ chỉ định chọc dò thắt lưng để lấy dịch não tủy. Nếu áp lực dịch não tủy tăng, protein tăng nhẹ, tế bào tăng, bạch cầu đa nhân chiếm ưu thế sau chuyển thành tế bào lympho thì khả năng cao là bị bệnh
  • Xét nghiệm hình ảnh: Dựa vào kết quả chụp cắt lớp và cộng hưởng từ bác sĩ có thể nhận thấy thay đổi ở đồi thị, hạch nền, trung não, cầu não để chẩn đoán bệnh
  • Xét nghiệm huyết thanh học: Viêm não Nhật Bản còn được chẩn đoán nhờ vào xét nghiệm huyết thanh. Các kháng thể IgM đặc hiệu của virus viêm não trong dịch tủy sẽ giúp xác định tình trạng nhiễm khuẩn của hệ thần kinh trung ương. Kháng thể IgM trong huyết thanh gợi ý nhiễm virus viêm não B hoặc cũng có thể là tình trạng nhiễm chéo với những virus cùng họ

Cách điều trị bệnh viêm não Nhật Bản

Hiện nay, bệnh viêm não B vẫn chưa có thuốc đặc hiệu. Việc điều trị chủ yếu tập trung vào các triệu chứng để giảm khó chịu và các biến chứng cho con. Cụ thể:

Chống phù não

Để ngăn phù não bác sĩ sẽ truyền các dịch ưu trương để tăng áp lực thẩm thấu. Sau đó rút nước ở các tổ chức, tế bào và khoang gian bào. Trường hợp bệnh nhân bị phù não nặng kèm theo co giật có thể phải dùng đến thuốc kháng viêm Corticoid nhằm bình thường hóa lại sự thấm thẩu của mạch máu. Từ đó chống tích nước và muối.

Để chống phù não bác sĩ có thể chỉ định dùng Corticoid
Để chống phù não bác sĩ có thể chỉ định dùng Corticoid

An thần, chống co giật

Để an thần và cắt cơn co bác sĩ sẽ chỉ định dùng Seduxen thông qua tiêm bắp hoặc sonde. Ngoài ra, bác sĩ còn có thể truyền tĩnh mạch nhỏ giọt Aminazin + Thiantan+ Spartein. Trường hợp bệnh nhân bị co giật nhiều sẽ phải dùng đến Gardenal.

Hồi sức hô hấp và tim mạch

Để giúp bệnh nhân khôi phục hô hấp, nhịp tim bác sĩ sẽ cho thở oxy, hút đờm dãi và sẵn sàng hô hấp viện trở khi có dấu hiệu ngừng hoặc rối loạn nhịp thở. Bên cạnh đó, bác sĩ còn cho dùng thuốc trợ tim, thuốc vận mạnh khi cần thiết.

Ngăn ngừa bội nhiễm, chống loét

Để ngăn tình trạng bội nhiễm xảy ra, bác sĩ sẽ cho dùng lượng kháng sinh phù hợp như Ampicillin hoặc Cephalosporin thế hệ 3. Kết hợp với việc lau rửa cơ thể thường xuyên, vệ sinh răng miệng, thay đổi tư thế người bệnh, hạn chế viêm loét do tỳ đè, nằm lâu.

Cách phòng ngừa viêm não Nhật Bản

Đối với viêm não Nhật Bản, chủ động phòng ngừa là cách tốt nhất để tránh biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là những biện pháp mà mẹ nên làm cho con.

  • Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại gia súc, hạn chế nơi trú ngụ, sinh sản của muỗi. Tốt nhất là bố trí chuồng lợn xa nhà, xa nơi vui chơi của trẻ. Phát quang bụi rậm, loại bỏ ao tù để tiêu trừ nơi cư trú của muỗi
  • Mắc màn khi cho bé ngủ, kể cả ban ngày. Bên cạnh đó, hãy thường xuyên sử dụng biện pháp chống và tiêu diệt muỗi trong hộ gia đình như dùng hương muỗi, xịt chống muỗi, kém thoa chống muỗi,…
  • Tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ, đúng lịch. Đảm bảo tiêm đủ 3 mũi cơ bản để tăng khả năng phòng bệnh
Tiêm phòng đầy đủ sẽ giúp phòng bệnh tối ưu
Tiêm phòng đầy đủ sẽ giúp phòng bệnh tối ưu

Các loại vắc xin phòng viêm não Nhật Bản

Hiện nay viêm não Nhật Bản đã có vắc xin phòng bệnh. Vì vậy để đảm bảo hiệu quả phòng ngừa tối ưu mẹ nên cho bé tiêm phòng đầy đủ. Ở Việt Nam đang lưu hành 3 loại vắc xin phòng bệnh theo phác đồ tiêm chủng sau.

Vắc xin viêm não Nhật Bản JeVax
Vắc xin viêm não Nhật Bản JeVax
Vắc xinNước sản xuấtĐặc điểmĐối tượng tiêmLịch tiêm cơ bản
JevaxViệt NamVắc xin bất hoạtTrẻ từ 12 tháng tuổi trở lênMũi 1: Lần tiêm đầu tiên

– Mũi 2: 1-2 tuần sau mũi 1

– Mũi 3: 1 năm sau mũi 2

Tiêm nhắc 1 mũi sau mỗi 3 năm.

ImojevThái LanVắc xin sống, giảm độc lực, tái tổ hợpTrẻ từ 9 tháng tuổiTrẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 18 tuổi:

– Mũi 1: Là mũi tiêm đầu tiên

– Mũi 2: 1 năm sau mũi 1

Người từ 18 tuổi trở lên:

Tiêm 1 mũi duy nhất.

JEEV Ấn ĐộVắc xin bất hoạt từ tế bào VeroTrẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn tới 49 tuổiLần 1: lúc trẻ đủ 12 tháng tuổi

– Lần 2: cách lần thứ nhất từ 7 – 14 ngày

– Lần 3: cách mũi thứ hai 1 năm

Tiêm nhắc 3 năm 1 lần để duy trì miễn dịch kéo dài

Câu hỏi thường gặp

Viêm não Nhật Bản có lây không?

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan, bùng phát thành dịch. Bệnh chủ yếu lây qua đường muỗi đốt với nguồn lây là từ các loài chim hoang dã và gia súc, tiêu biểu là chim và lợn.

Đối tượng dễ bị bệnh

Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có nguy cơ bị bệnh. Tuy nhiên, thường gặp nhất là ở trẻ dưới 15 tuổi với tỉ lệ cao tập trung ở nhóm 5-9 tuổi.

Viêm não Nhật Bản có chữa được không?

Tuy là bệnh lý nguy hiểm nhưng viêm não Nhật Bản vẫn có thể chữa khỏi. Việc điều trị sẽ giúp làm giảm triệu chứng và ngăn biến chứng nguy hiểm cũng như di chứng về sau.

Viêm não Nhật Bản là bệnh đặc biệt nguy hiểm có thể để lại biến chứng cả khi sống sót. Vì vậy ngay từ hôm nay hãy bảo vệ bé bằng cách tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh nhà cửa thường xuyên để giảm nguy cơ bị bệnh.

Chia sẻ bài viết này