Thai nhi đang phát triển chủ yếu dựa vào nhau thai để hấp thụ dinh dưỡng, nhưng phải mất gần 12 tuần thì sự phát triển của nhau thai mới hoàn tất. Vậy 3 tháng đầu thai nhi sống bằng gì? Cùng Fitobimbi tìm hiểu nhé!
Sự phát triển từng tuần của bé (3 tháng đầu thai kỳ)
Trước khi tìm hiểu chi tiết “3 tháng đầu thai nhi sống bằng gì?”, Fitobimbi muốn bạn hiểu rõ về quá trình phát triển của thai nhi trong thời gian này.
Sự phát triển của thai nhi bắt đầu ngay sau khi thụ thai. Hãy cùng tìm hiểu xem em bé của bạn lớn lên và phát triển như thế nào trong 3 tháng đầu.
Tuần 1 – Tuần 2: Chuẩn bị
Mặc dù lạ, nhưng bạn không thực sự mang thai trong 1 – 2 tuần đầu tiên của thai kỳ. Việc thụ thai thường xảy ra khoảng 2 tuần sau khi kỳ kinh cuối bắt đầu. Theo quy ước, ngày dự sinh được tính sau 40 tuần kể từ ngày đầu của kỳ kinh cuối. Điều này có nghĩa là, kỳ kinh cũng được tính vào thời gian mang thai.
Tuần 3: Thụ tinh
Tinh trùng và trứng hợp nhất tại một trong các ống dẫn trứng sẽ tạo thành một thực thể đơn bào gọi là hợp tử. Ngay sau khi thụ tinh, hợp tử sẽ di chuyển về phía tử cung và bắt đầu phân chia để tạo thành một cụm tế bào – được gọi là phôi dâu (morula).
Tuần 4: Làm tổ
Trong giai đoạn này, túi phôi phân chia nhanh chóng và bắt đầu chui vào niêm mạc tử cung. Quá trình này được gọi là làm tổ.
Trong túi phôi, nhóm tế bào bên trong sẽ trở thành phôi nang. Lớp bên ngoài sẽ tạo ra một phần của nhau thai – bộ phận sẽ nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ.
Tuần 5: Nồng độ hormone tăng lên
Vào tuần thứ 5 của thai kỳ, nồng độ hormone HCG nhanh chóng tăng lên. Điều này báo hiệu buồng trứng ngừng giải phóng trứng và sản xuất nhiều estrogen, progesterone hơn. Nồng độ các hormone này tăng lên sẽ làm mất kinh (dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn đang mang thai) và thúc đẩy sự phát triển của nhau thai.
Phôi thai trong thời gian này gồm 3 lớp:
- Lớp ngoài cùng được gọi là ngoại bì sẽ hình thành da, hệ thần kinh trung ương và ngoại vi, mắt và tai trong của bé
- Trái tim, hệ thống tuần hoàn sẽ được hình thành ở lớp giữa – trung bì. Lớp tế bào này cũng sẽ đóng vai trò là nền tảng cho xương, dây chằng, thận và phần lớn hệ thống sinh sản của con
- Lớp tế bào bên trong – nội bì chính là nơi phổi và ruột phát triển
Tuần 6: Hình thành đầu và thân
- Phôi thai đã phát triển đầu và thân
- Các cấu trúc sẽ trở thành tay và chân (được gọi là chồi chi) cũng bắt đầu xuất hiện
- Não phát triển thành năm khu vực và có thể nhìn thấy một số dây thần kinh sọ
- Mắt và tai của bé bắt đầu hình thành
- Các dạng mô phát triển thành đốt sống và một số xương khác
- Trái tim tiếp tục phát triển và đập với nhịp đều đặn. Máu di chuyển qua các mạch chính
Tuần 7: Các đặc điểm trên khuôn mặt phát triển
- Bộ não và khuôn mặt của bé tiếp tục phát triển
- Các vết lõm sẽ tạo ra lỗ mũi có thể được nhìn thấy và võng mạc cũng bắt đầu được hình thành
- Các chồi chi dưới sẽ trở thành chân xuất hiện và các chồi cánh tay đã mọc vào tuần trước giờ có hình dạng mái chèo
Tuần 8: Ngón tay, ngón chân bắt đầu hình thành
Vào cuối tuần này, phôi thai có thể dài 11 – 14mm tính từ đầu đến mông. Lúc này:
- Bé có một trái tim 4 ngăn và lỗ mũi
- Hoạt động điện não bắt đầu xuất hiện, hệ thần kinh đang phát triển
- Phổi, ngón tay, ngón chân của bé cũng bắt đầu hình thành
- Bàn chân và bàn tay có thể phân biệt được. Cánh tay và chân dài ra
- Các bộ phận hình vỏ sò trong tai đang hình thành và đôi mắt của bé đã có thể nhìn thấy được
- Môi trên và mũi đã hình thành
Tuần 9: Mí mắt hình thành, ngón chân xuất hiện
Vào tuần thứ chín của thai kỳ:
- Cánh tay của em bé phát triển và khuỷu tay xuất hiện
- Các ngón chân có thể nhìn thấy
- Mí mắt hình thành
- Đầu của bé đã lớn nhưng cằm vẫn chưa hình thành hoàn chỉnh
Vào cuối tuần này, phôi thai có thể dài khoảng 16 – 18cm.
Tuần 10: Các bộ phận quan trọng đều đã xuất hiện
Vào tuần thứ 10 của thai kỳ, sự khởi đầu của tất cả các bộ phận cơ thể quan trọng đều đã xuất hiện (tuy nhiên chúng chưa hoàn thiện, vẫn đang trong quá trình phát triển).
- Đầu của em bé đã trở nên tròn hơn và chiến khoảng một nửa kích thước cơ thể
- Mắt, tai, tay và chân có thể dễ dàng nhận biết được
- Cổ của con bắt đầu phát triển
- Mí mắt bắt đầu khép lại để bảo vệ đôi mắt đang phát triển
- Dây rốn có thể nhìn thấy rõ ràng
Tuần 11: Phát triển cơ quan sinh dục
Bắt đầu từ tuần 11, các bác sĩ sẽ gọi là “thai nhi” thay vì “phôi thai”. Lúc này, em bé có thể dài khoảng 50mm và nặng gần 8g.
- Trong thời gian này, đầu thai nhi vẫn chiếm khoảng một nửa chiều dài, tuy nhiên cơ thể của bé sắp bắt kịp
- Khuôn mặt của bé rộng hơn, 2 mắt cách xa nhau, mí mắt hợp nhất và tai cụp xuống, mầm răng tương lai xuất hiện
- Các tế bào hồng cầu đang bắt đầu hình thành trong gan của bé
- Vào cuối tuần này, cơ quan sinh dục ngoài của bé sẽ bắt đầu phát triển thành dương vật hoặc âm vật và môi lớn
Tuần 12: Khuôn mặt đã hoàn thiện hơn
- Móng tay và móng chân của con bắt đầu mọc
- Khuôn mặt của em bé đã có hình dáng rõ ràng và hoàn thiện hơn
- Thai nhi bắt đầu có những chuyển động nhỏ, ngẫu nhiên; nhưng những chuyển động này rất nhẹ nên mẹ khó có thể cảm nhận được
- Nhịp tim của thai nhi có thể được phát hiện bằng thiết bị điện tử
Lúc này, em bé có chiều dài khoảng 61mm và nặng khoảng 14g.
Tuần 14: Thai nhi đã có thể nuốt
Tuần 14 của thai kỳ (tuần 12 kể từ khi thụ thai), thai nhi dài khoảng 88mm và nặng gần 43g.
Lúc này, thai nhi có thể nuốt, thận tạo ra nước tiểu và máu bắt đầu hình thành trong tủy xương. Đối với bé nữ, các nang noãn bắt đầu hình thành. Đối với bé nam, tuyến tiền liệt xuất hiện. Do đó, các bác sĩ có thể xác định giới tính của con thông qua các xét nghiệm đặc biệt.
3 tháng đầu thai nhi sống bằng gì?
Làm thế nào phôi thai được nuôi dưỡng?
Thai nhi đủ tháng phát triển từ một tế bào duy nhất và cần dinh dưỡng ngay từ thời điểm thụ thai. Nhu cầu năng lượng của một phôi thai trong những tuần đầu diễn ra như thế nào?
Vào tuần 3 thai kỳ
Vào tuần thứ 3 của thai kỳ, khi hợp tử di chuyển đến tử cung, nó sẽ dựa vào năng lượng dự trữ trong trứng để phát triển.
Từ tuần thứ 4 – tuần 12 của thai kỳ
Vào tuần thứ 4 của thai kỳ, khi ở dạng phôi nang, thai nhi sử dụng chất dinh dưỡng từ dịch tiết nội mạc tử cung để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho đến khi quá trình làm tổ diễn ra.
Các tế bào của phôi nang – nguyên bào nuôi (trophoblast) bắt đầu nhiệm vụ làm tổ bằng cách tiết ra các enzym giúp phá vỡ các tế bào của nội mạc tử cung. Một số nguyên bào nuôi tiêu hóa các tế bào nội mạc tử cung, hấp thụ chất dinh dưỡng và chuyển chúng đến phôi nang. Những nguyên bào nuôi khác tạo thành dây tế bào tiếp cận sâu hơn vào nội mạc tử cung để cho phép phôi nang bám vào và làm tổ. Sau khi quá trình làm tổ hoàn tất, nguyên bào nuôi và các tế bào từ nội mạc tử cung sẽ tăng sinh nhanh chóng để tạo thành nhau thai.
Nội mạc tử cung là nguồn dinh dưỡng duy nhất cho phôi thai trong tuần đầu tiên làm tổ và vẫn là nguồn dinh dưỡng chính trong 8 – 12 tuần cho đến khi quá trình phát triển cung cấp máu của mẹ cho nhau thai hoàn tất.
3 tháng đầu thai nhi sống bằng nội tiết?
Nhiều người nói rằng, 3 tháng đầu thai nhi sống bằng nội tiết. Có quan niệm này là bởi: trong thời gian mang thai, đặc biệt là từ tuần thứ 5 nồng độ hormone tăng lên. 3 loại nội tiết tố được nhắc đến nhiều nhất là HCG, estrogen, progesterone. Và chúng có ảnh hưởng tới “sự sống” của thai nhi.
Hormone HCG
HCG được tiết ra ngay sau khi thụ thai và nhau thai bám vào thành tử cung. Hormone này có vai trò duy trì hoàng thể, giúp tổng hợp estrogen, progesterone; hỗ trợ nội mạc tử cung để phát triển thai nhi. Thiếu nội tiết tố HCG khi mang bầu sẽ dẫn đến suy hoàng thể và sảy thai.
Hormone Estrogen
Estrogen là nội tiết tố nữ chính góp phần vào sự phát triển giới tính, bao gồm cả sự phát triển của ngực và chu kỳ kinh nguyệt. Nó cũng giúp giữ cho xương khỏe mạnh, kiểm soát mức cholesterol.
Trong thời gian mang thai, estrogen giúp tử cung phát triển, duy trì niêm mạc tử cung, điều chỉnh các hormone quan trọng khác và góp phần vào sự phát triển của các cơ quan của thai nhi. Đến thời điểm cho con bú, estrogen sẽ thúc đẩy sự phát triển của các mô vú và giúp sữa chảy ra.
Estrogen kém trong khi mang thai sẽ ảnh hưởng đến sự lớn lên bình thường của em bé.
Hormone Progesterone
Progesterone được tạo ra chủ yếu ở buồng trứng sau mỗi lần rụng trứng hàng tháng và giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.
Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, progesterone được tiết ra từ hoàng thể, có tác dụng duy trì thai nhi. Những tháng tiếp theo, hormone này có vai trò ức chế quá trình chín và những cơn co bóp ở cổ tư cung, ngăn cản quá trình tự hủy của tế bào màng bào thai.
Nội tiết tố progesterone kém khi mang thai là nguyên nhân khiến bào thai không được bảo vệ, dễ dẫn đến sảy thai, sinh non.
Hi vọng rằng, sau khi đọc bài viết bài, bạn đã hiểu rõ “3 tháng đầu thai nhi sống bằng gì?”. Đừng quên truy cập vào Fitobimbi hàng ngày để cập nhật các kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hữu ích nhất cha mẹ nhé!