Thai máy là một trong những dấu hiệu giúp mẹ cảm nhận rõ hơn về bé trong bụng. Vậy mẹ đã biết thai mấy tuần thì máy chưa, cách theo dõi cử động thai thế nào?
Thai máy là gì?
Thai máy hiểu nôm na là cử động của thai khi còn nằm ở bụng mẹ, như huýt tay, lộn vòng, đá chân,…
Thai máy ở mỗi người là không giống nhau, thời điểm máy cũng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, vào những tháng cuối thai kỳ, thai máy sẽ diễn ra mạnh với tần suất nhiều hơn.
Theo chuyên gia, thai máy là một trong những dấu hiệu cho thấy em bé đang phát triển rất tốt. Thai nhi càng khỏe thì những cử động càng rõ rệt hơn. Nếu như tần số thai máy trong ngày bị giảm hoặc thai không máy trong một vài ngày thì rất có thể là bị suy thai hoặc thai chết lưu. Vì vậy mẹ cần đặc biệt lưu ý, theo dõi cử động thai nhi mỗi ngày. Vậy thai mấy tuần thì máy?
Mấy tuần thì thai máy?
Tất cả thai phụ đều có chung một thắc mắc đó là “khi nào thai máy” hay “thai máy tuần thứ mấy”. Theo chuyên gia, khi thai được 8 tuần tuổi con sẽ bắt đầu cử động. Tuy nhiên những hoạt động này quá nhẹ vì thế mẹ khó có thể cảm nhận. Chỉ khi bé được 4 tháng, tức là vào tuần 16-17 với những phụ nữ mang thai con dạ và từ tuần thứ 20 với các mẹ bầu mang thai con so thì những cử động mới rõ ràng hơn.
Khi mẹ mang bầu 30-38 tuần, thai máy sẽ đạt cực đỉnh. Lúc này mẹ sẽ có thể cảm nhận cử động của con khoảng 130 lần/ ngày. Số lần và cường độ máy diễn ra theo một quy luật nhất định. Theo đó, bé sẽ cử động ít hơn vào buổi sáng và nhiều hơn về chiều tối. Chính nhờ những cử động này mà mẹ sẽ biết tình trạng sức khỏe cũng như phát triển của con.
Tuy nhiên thời điểm thai máy còn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí nhau bám, thành bụng của mẹ,…
Dấu hiệu thai máy thế nào là bình thường?
Rất nhiều mẹ bầu “tập một” tò mò muốn biết cảm giác thai máy sẽ như thế nào. Vì đó là một cảm nhận thiêng liêng về sự hiện diện đứa con trong bụng. Song mỗi mẹ bầu lại có cảm nhận khác nhau và mỗi em bé cũng có cách thể hiện riêng của mình. Vậy nên thai máy thường không có một dấu hiệu cụ thể nào?
Có người thấy nó giống như con tôm búng nguẩy, người khác lại thấy giống cái vỗ nhẹ, tiếng cá quẫy đuôi hoặc như cánh bướm chạm nhẹ. Do đó cách nhận biết thai máy tốt nhất là dựa vào những giai đoạn như sau:
- Giai đoạn thai máy đầu tiên (tuần 7-8) thai kỳ: Mẹ sẽ chưa thể cảm nhận cử động của con. Nhưng ở trong bụng của mẹ, em bé bắt đầu có những cú hích đầu đời
- Giai đoạn thai máy rõ ràng (tuần 16-22): Đây là giai đoạn mà các dấu hiệu thai máy biểu hiện rõ ràng và mẹ có thể cảm nhận được những cú đạp hay cái vươn vai của bé. Số cử động trung bình của thai ở tuần tuổi này là từ 16-45 lần/ ngày, khoảng cách tối đa giữa các lần cử động là 50-75 phút. Thời điểm này chuyên gia khuyến cáo mẹ nên học cách theo dõi thai máy để hiểu hơn về tình trạng sức khỏe của con. Mỗi ngày mẹ nên dành khoảng 30 phút và đếm số lần cử động của thai. Một lưu ý nhỏ là khi bé ngủ là không có cử động thai. Thời gian ngủ trung bình của con khoảng 20 phút đến 2h
- Giai đoạn thai máy mạnh mẽ (tuần 30-38): Đây là lúc dấu hiệu thai máy rõ ràng với cú quẫy đạp, trở mình liên tục. Rất nhiều mẹ bầu tỏ ra thích thú khi thấy bụng mình trồi lên, tĩnh lại sau những cú đạp của con. Tuy nhiên, ở những tháng cuối thai kỳ, mẹ nên quan sát hiện tượng thai máy và những cơn gò tử cung. Nếu như toàn bộ vùng bụng của mẹ bị cứng thì cần khám ngay
Dấu hiệu thai máy bất thường mẹ cần chú ý
Ngoài việc thai mấy tuần thì máy, mẹ bầu còn phải chú ý đến dấu hiệu sau.
Thai không máy
Thông thường ở những tháng đầu, thai nhi ít cử động hoặc cử động nhẹ nên mẹ có thể không cảm nhận được. Nhưng nếu cả ngày mà thai không máy hoặc máy ít hơn so với ngày trước thì cần chú ý vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bất thường.
7 cách làm cho thai máy giúp con phản xạ và phát triển não bộ
Xuất hiện triệu chứng bất thường
Nếu như mẹ bầu gặp phải triệu chứng bất thường như nôn mửa, xuất huyết, co thắt tử cung kèm theo tình trạng thai máy nhẹ thì cần đi khám. Vì đây có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của bé đang bị đe dọa. Chúng có thể bị thiếu ối, thiếu oxy hoặc gặp vấn đề bất thường về nhau thai.
Thai máy quá nhiều
Thai máy quá nhiều đôi khi không phải là dấu hiệu tốt, chứng tỏ em bé đang rất khỏe mạnh, mà đó có thể là do bất thường. Nếu bỗng một ngày thai máy nhiều mẹ nên để ý vì rất có thể em bé đang stress hoặc do mẹ bầu căng thẳng. Lúc này mẹ cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi. Nếu như thai cử động lại bình thường thì không cần lo. Nhưng nếu thai máy vẫn tăng thì cần đến viện kiểm tra.
Tại sao mẹ bầu cần phải theo dõi thai máy?
Thai máy là biểu hiện tình trạng sức khỏe của con. Khi số lần cử động giảm đó là dấu hiệu báo động tình trạng sức khỏe thai nhi kém đi. Do đó để giảm thiểu nguy cơ rủi ro, bác sĩ sản khoa trên thế giới khuyến nghị mẹ bầu nên tự theo dõi cử động của thai mỗi ngày, kể từ tuần thứ 28. Thai máy chính là dấu hiệu mà bé báo với mẹ rằng “con đang rất ổn”.
Hướng dẫn mẹ bầu cách theo dõi thai máy đúng chuẩn
Thai mấy tuần thì máy? Đáp án là tùy vào từng mẹ bầu. Vì thế để biết bé có khỏe mạnh hay không mẹ nên theo dõi cử động của con. Cụ thể để theo dõi thai máy chính xác, mẹ nên:
- Chọn cùng thời điểm trong ngày, thường là sau khi ăn tối, nghỉ ngơi rồi tập trung đếm số cử động thai trong vòng 1 giờ, ghi lại trong 1 biểu đồ
- Ngoài ra để theo dõi thai máy hiệu quả mẹ nên tránh chu kỳ ngủ của con, có thể là từ 20-75 phút
- Mẹ nên làm trống bàng quang trước khi đếm số cử động để đảm bảo độ chính xác. Sau đó, đặt tay lên bụng để cảm nhận rõ cử động của con
- Một thai nhi khỏe sẽ có ít nhất 4 cử động trong 1 giờ
Nếu như một hôm nào đó, bé bỗng yên lặng và đạp ít hơn so với bình thường, mẹ có thể làm một số hoạt động như sau để kích thích con:
- Chuyển từ nằm sang ngồi hoặc đứng lên đi lại nhẹ nhàng
- Ăn đồ ăn ngọt như bánh, sữa
- Massage nhẹ nhàng toàn thân hoặc xoa bụng nhẹ, gõ gõ lên bụng để gọi bé dậy
Sau đó tiếp tục theo dõi cử động. Trường hợp số lần bé đạp ít đi, chưa đến 10 lần trong 12 tiếng hoặc trong 1 tiếng sau ăn bé không đạp đến 4 lần thì rất có thể là dấu hiệu cảnh báo bất thường, mẹ cần khám ngay.
Thai mấy tuần thì máy, dấu hiệu thai máy thế nào Fitobimbi đã giải thích rõ. Hy vọng với kiến thức này mẹ bỉm có thể theo dõi sức khỏe của bé tốt hơn, kịp thời phát hiện vấn đề bất thường.