Vitamin A là chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của bé. Tuy nhiên việc bổ sung thừa có thể gây ra tác dụng nguy hiểm. Vậy thừa vitamin A gây bệnh gì? Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết? Hãy cùng theo dõi trong bài viết sau.
Vitamin A là gì? Tác dụng thế nào với bé?
Vitamin A là loại vitamin tan trong chất béo, có tác dụng tốt với sự phát triển của bé. Hoạt chất này tồn tại dưới các dạng sau:
- Retinol: Là dạng vitamin A đã được hoạt hóa, có trong thực phẩm nguồn gốc động vật
- Carotene: Là dạng tiền vitamin A, chúng thường tồn tại trong các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, gồm 3 loại là α, β, γ – carotene. Sau khi đi vào cơ thể, carotene sẽ chuyển sang dạng hoạt động retinol để phát huy tác dụng
Theo các chuyên gia, vitamin A là chất quan trọng với sự phát triển của bé. Dưới đây là những tác dụng mà việc bổ sung đầy đủ hoạt chất này mang đến cho con.
- Phát triển thị giác: Vitamin A giúp đảm bảo thị giác trong việc tăng cường khả năng nhìn thấy ở điều kiện ánh sáng yếu. Việc thiếu vitamin A có thể dẫn tới bệnh lý quáng gà, xơ hóa kết mạc, loét giác mạc hoặc mù lòa
- Tăng cường miễn dịch: Vitamin A đóng vai trò lớn với sự hình thành, hoạt động của các biểu mô. Nó được ví như “người chiến sĩ tuyến đầu” giúp bé chống lại mầm bệnh xâm nhập. Nếu bị thiếu hụt, trẻ sẽ nhiễm trùng phổi, tiêu chảy, nhiễm khuẩn tiết niệu
- Giảm tỷ lệ tử vong: Bổ sung vitamin A giúp giảm 12% nguy cơ tử vong ở trẻ trong tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi
- Phòng chống ung thư: Các nhà khoa học đã chỉ ra tác dụng phòng chống bệnh lý ung thư, giúp da khỏe mạnh của hoạt chất này. Cụ thể trẻ thiếu vitamin A, da thường bong tróc, chảy máu, dễ mắc bệnh ung thư buồng trứng, thanh quản, dạ dày,…
Dù có rất nhiều tác dụng thế nhưng việc bổ sung thừa vitamin A tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Do đó mẹ cần thận trọng, cân nhắc liều dùng để tránh tác dụng phụ nguy hiểm.
Thừa vitamin A là gì?
Thừa vitamin A hay còn gọi là ngộ độc vitamin A là tình trạng xảy ra khi mẹ cho bé sử dụng quá liều. Theo các chuyên gia, trung bình mỗi năm có khoảng 200 đứa trẻ bị ngộ độc vitamin A. Việc dùng quá liều hoạt chất này có thể gây ra ngộ độc với hai thể là cấp tính và mãn tính. Cụ thể:
- Thừa vitamin A (ngộ độc cấp tính): Xảy ra khi bé tiêu thụ một lượng lớn vitamin A trong khoảng thời gian ngắn, thường là lớn hơn 300.000IU/ ngày trong vòng vài giờ
- Thừa vitamin A (ngộ độc mãn tính): Xảy ra khi trẻ tiêu thị một lượng rất lớn vitamin A, thường là 100.000 IU/ ngày, liên tục trong vòng 10-15 ngày hoặc dài hơn
Nguyên nhân thừa vitamin A
Vitamin A được dự trữ ở gan. Vì vậy theo thời gian, hoạt chất này có thể tăng lên vượt ngưỡng an toàn và gây ra chứng tăng vitamin A mãn tính. Theo các chuyên gia, hầu hết trẻ nhỏ bị thừa vitamin A là do bố mẹ sử dụng thực phẩm chức năng liều cao hoặc dùng vitamin tổng hợp mà không chú ý.
Ngoài ra, nguyên nhân thừa vitamin A cũng có thể là do sử dụng lâu dài một số phương pháp điều trị mụn trứng cá có chứa retinol liều cao, chẳng hạn như Absorica, Sotret
Không chỉ thế, các nhà khoa học còn chỉ ra rằng, nhiễm độc vitamin A cấp tính thường là kết quả của việc uống nhầm vitamin A. Do đó ba mẹ cần phải bảo quản ở xa tầm với của bé.
Dấu hiệu nhận biết thừa vitamin A
Thừa vitamin A có nhiều triệu chứng tiềm ẩn, tùy theo thể trạng của bệnh là cấp tính hay mãn tính. Cụ thể:
Dấu hiệu thừa vitamin A cấp tính
Một người bị thừa vitamin A cấp tính có thể gặp những triệu chứng như sau:
- Cáu gắt
- Buồn ngủ
- Buồn nôn
- Đau bụng
- Áp lực nội sọ tăng
Dấu hiệu thừa vitamin A mãn tính
Người bị thừa vitamin mãn tính sẽ gặp những triệu chứng như:
- Sưng xương
- Loét miệng
- Đau xương
- Móng tay nứt
- Ăn uống không ngon
- Chóng mặt
- Nôn mửa
- Mắt mờ
- Lú lẫn
- Rụng tóc
- Bị bệnh về đường hô hấp
Đối với trẻ sơ sinh
- Mềm xương sọ
- Tầm nhìn giảm
- Nhãn cầu lỗi
- Chậm tăng cân
- Hôn mê
- Thóp phồng
Thừa vitamin A có thể gây ra bệnh gì?
Dù là vi chất có vai trò lớn với sự phát triển của bé. Thế nhưng nếu lạm dụng nhiều trẻ sẽ có thể đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là những căn bệnh mà con có thể gặp phải khi bị ngộ độc vitamin A.
- Tổn thương gan
- Loãng xương
- Tích tụ canxi trong máu
- Tổn thương thận do thừa canxi
- Trẻ có thể bị bệnh vàng da, thóp phồng, co giật
- Đặc biệt nếu trong thời kỳ mang thai mẹ dùng vitamin A liều cao kéo dài sẽ khiến bé gặp một số dị tật nguy hiểm như hở hàm ếch, dị dạng tim mạch, cơ, xương, hệ thần kinh
Thừa vitamin A gây vàng da có nguy hiểm không?
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ vàng da là do dư thừa beta-carotene- tiền chất của vitamin A. Theo các chuyên gia, khi lượng carotene tăng lên gấp 3-4 lần sẽ khiến da ở bàn tay, bàn chân, đầu, mặt chuyển màu vàng cam. Bệnh thường không gây tác hại gì cho cơ thể. Nếu mẹ cho bé ngừng dùng thực phẩm cũng như thuốc chứa vitamin A làn da sẽ sớm trở lại bình thường.
Thông thường sau khoảng 6-11 ngày những biểu hiện lâm sàng trên da sẽ hết. Tuy nhiên một số trường hợp đặc biệt bé có thể bị vàng da từ vài tuần đến vài tháng sau khi nồng độ caroten trở về ngưỡng an toàn. Nhưng mẹ không cần lo lắng. Vì điều này hoàn toàn không gây nguy hiểm cho con.
Cách chẩn đoán tình trạng ngộ độc vitamin A
Để biết bé có thừa vitamin A hay không mẹ hãy đưa con đến gặp bác sĩ. Sau khi tiến hành thăm khám lịch sử y tế và các dấu hiệu ngộ độc vitamin A, bác sĩ sẽ yêu cầu bé thực hiện một số xét nghiệm dưới đây:
- X- quang xương
- Xét nghiệm canxi máu
- Xét nghiệm cholesterol
- Kiểm tra chức năng gan
- Xét nghiệm máu
Trong các xét nghiệm kể trên, thì kiểm tra máu là phương pháp phổ biến, hiệu quả hiện nay. Thông qua nồng độ retinol trong máu bác sĩ sẽ đánh giá mức độ ngộ độc của con.
Điều trị tình trạng thừa vitamin A cho bé
Việc ngộ độc vitamin A có thể gây ra biến chứng nguy hiểm. Vì vậy ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ, mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ để tìm biện pháp khắc phục. Cụ thể:
- Cách hiệu quả nhất để khắc phục tình trạng thừa vitamin A là ngừng bổ sung liều cao. Hầu hết các bé đều sẽ phục hồi hoàn toàn trong vòng vài tuần
- Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng Phosphatidylcholine để chuyển đổi retinol thành este Retinyl một dạng lưu trữ của vitamin A. Hoặc dùng vitamin E để giảm bớt lượng vitamin A dư thừa trong cơ thể
- Trường hợp trẻ đã xuất hiện tổn thương ở thận hoặc gan thì sẽ tiến hành điều trị độc lập. Nếu gan tổn thương và tiến triển thành xơ hóa thì ghép gan là lựa chọn tối ưu.
Phòng ngừa dư thừa vitamin A cho trẻ
Vitamin A dư thừa có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy các bậc phụ huynh không nên lạm dụng mà hãy tuân thủ theo khuyến cáo sau:
- Tuân thủ liều lượng và thời gian dùng vitamin A theo đúng quy định. Bố mẹ tuyệt đối không nên bổ sung vitamin A cho bé trước khi được 6 tháng tuổi. Và nhớ đưa trẻ đi uống đúng lịch, không sớm, không muộn
- Không nên bổ sung liên tục và nhiều thực phẩm giàu vitamin A. Bởi hoạt chất này chuyển hóa, dự trữ trong gan. Nếu trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A, cơ thể sẽ bị quá tải, gây ra ngộ độc
- Chú ý theo dõi trẻ 2-3 ngày sau khi uống vitamin A để kịp thời phát hiện triệu chứng bất thường
- Sau khi uống vitamin A, bé sẽ có thể sốt nhẹ, tiêu chảy hoặc nôn. Tuy nhiên mẹ đừng lo lắng vì phản ứng này sẽ chỉ kéo dài khoảng 1-2 ngày, sau đó tự mất
Thừa vitamin A có thể gây ra rất nhiều tác hại với sức khỏe bé. Vì vậy mẹ đừng lạm dụng nếu không biết rõ liều lượng cũng như thời điểm bổ sung.
Nguồn: msdmanuals, healthline