Một đứa trẻ 3 tuổi có khả năng giao tiếp bình thường sẽ sử dụng được khoảng 1000 từ vựng, nói được câu 3 – 4 từ. Đồng thời, lúc này, phát âm của bé cũng khá chuẩn, bố mẹ có thể nghe và hiểu đến 80% cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp trẻ đến độ tuổi này vẫn chưa biết nói, gây ảnh hưởng đến quá trình học tập và tiếp thu. Vậy bé 3 tuổi chậm nói phải làm sao?
Phân biệt trẻ chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ
Mọi người thường bị nhầm lẫn giữa 2 khái niệm chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ. Thực chất, chậm nói ám chỉ tới nhóm trẻ biết nói trễ hơn so với mốc thời gian quy định. Chúng vẫn có khả năng nói được như trẻ bình thường nếu được can thiệp phù hợp. Trong khi đó, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ có thể phát âm rất tốt. Nhưng chúng lại tỏ ra “luống cuống” khi diễn đạt, ghép từ thành câu, nói cấu trúc câu không đúng khiến người khác không hiểu những gì bé nói.
Một đứa trẻ có thể bị chậm nói hoặc chậm phát triển ngôn ngữ. Hoặc có những trẻ lại biểu hiện bệnh ở cả 2 khía cạnh. Bố mẹ cần phân biệt rõ 2 khái niệm này để có phương pháp điều trị đúng đắn.
Nhận biết bé 3 tuổi chậm nói
Trẻ 3 tuổi chậm nói sẽ có những dấu hiệu đặc trưng sau:
- Vốn từ vựng dưới 200 từ
- Không phản ứng khi được gọi tên. Hoặc lười tò mò với những điều mới
- Cách phát âm không rõ ràng, đôi lúc bị ngọng khiến bố mẹ không thể hiểu
- Không thể nói những từ đã học trước đó
- Không ghép từ thành câu hoàn chỉnh
- Khả năng hiểu kém nên trẻ phản ứng chậm khi được hỏi
- Thường sử dụng cử chỉ thay vì lời nói
Nguyên nhân trẻ 3 tuổi chậm nói
Quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ sẽ tương đối hoàn thành khi lên 3 tuổi. Điều này có nghĩa là, ở độ tuổi này, trẻ có thể tự tin trò chuyện với bạn bè và bố mẹ. Nếu bé nhà bạn lên 3 mà vẫn chưa nói được, những nguyên nhân sau có thể là “thủ phạm” gây ra vấn đề này:
Các vấn đề về miệng
Trẻ bị tật dính lưỡi, cứng khớp, hở hàm ếch,… sẽ khiến vị trí đặt âm thanh không được chính xác. Dẫn đến trẻ không thể phát âm “tròn vành rõ chữ”.
Trẻ suy giảm thính lực
Nguyên nhân khiến bé 3 tuổi chậm nói có thể do nghe kém. Yếu tố này tác động khả năng bắt âm, nghe và hiểu của trẻ. Vì vậy, trẻ sẽ gặp trở ngại lớn trong quá trình học nói. Với những đứa trẻ mất thính lực, chúng sẽ giao tiếp qua những cử chỉ tay là chính.
Tự kỷ
Giao tiếp kém là một trong những điều đặc trưng cơ bản của trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Nhưng với điều ngược lại thì không hoàn toàn đúng. Mẹ có thể phát hiện con mắc tự kỷ thông qua những biểu hiện sau:
- Thực hiện những hành động hay có lời nói lặp đi lặp lại
- Trẻ thường chỉ chơi theo 1 cách chơi duy nhất. Hay còn có nghĩa là thiếu sự sáng tạo trong mọi hoạt động
- Thích chơi một mình, thường né tránh những hoạt động có nhiều người tham gia
- Không biết bộc lộ cảm xúc, mong muốn của mình
Rối loạn thần kinh
Những bệnh lý rối loạn phát triển thần kinh có liên quan đến khả năng nói của trẻ là bại não, động kinh, chậm phát triển, chấn thương sọ não,…
Trẻ sinh non
Trẻ sinh thiếu tháng thường chậm phát triển về nhiều mặt. Ngoài cân nặng, chiều cao, trí tuệ bị hạn chế, trẻ còn gặp khó khăn trong việc học ngôn ngữ.
Môi trường thiếu sự giao tiếp
Khả năng nói không đến tự nhiên mà phải trải qua quá trình học hỏi và rèn luyện. Và tác động của yếu tố môi trường là rất lớn. Trẻ sống trong môi trường thiếu sự giao tiếp, bố mẹ không dành nhiều thời gian quan tâm, trò chuyện sẽ không có cơ hội để rèn rũa và học hỏi. Lâu dần trẻ sẽ lười nói và không đạt được những cột mốc quan trọng.
Phương pháp dạy bé 3 tuổi chậm nói
Lời nói không chỉ là phương tiện giao tiếp, nó còn là nền tảng để trẻ học được nhiều kỹ năng mới mẻ khác trong tương lai. Vì vậy, bố mẹ không nên xem nhẹ mà cần có biện pháp xử lý càng sớm càng tốt.
Kiểm tra thính lực
Trước tiên, khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu chậm nói, bố mẹ hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra thính giác. Thông qua đó, phụ huynh có thể bắt đầu điều trị mọi vấn đề về thính giác càng sớm càng tốt.
Hát cho bé nghe mỗi ngày
Ca hát là cách dạy bé 3 tuổi chậm nói hữu ích mà cha mẹ có thể gắn kết ngôn ngữ với con. Thông qua bài hát, bé sẽ học được thêm nhiều từ vựng mới và cấu trúc câu. Từ đó dần hoàn thiện khả năng nói của mình.
Để “bài học” không nhàm chán, mẹ hãy biến “sân khấu nhạc” thành một cuộc trò chơi. Chẳng hạn: Nếu trong bài hát có nhắc tới con voi, hãy đưa tay ra phía trước để tạo hình thành chú voi ngộ nghĩnh và lắc lắc cái vòi.
Nói chuyện với bé thường xuyên
Không có cách gì thúc đẩy ngôn ngữ của trẻ phát triển hiệu quả hơn là nói chuyện thường xuyên. Hãy tận dụng mọi cơ hội để được tương tác, trò chuyện với trẻ. Bạn có thể nói về những gì bạn đang làm, những điều bạn đã trải qua sau một ngày. Ví dụ: Mẹ đang làm bữa tối, con muốn ăn thịt gà hay thịt heo?
Cần lưu ý, hãy nói chuyện với bé bằng một giọng điệu vui vẻ, nhẹ nhàng khi chơi hoặc chăm sóc chúng, mẹ nhé!
Đặt những câu hỏi mở
Đặt những câu hỏi mở không có câu trả lời “có” hoặc “không” sẽ giúp trẻ phát triển ý tưởng riêng và học cách diễn đạt tốt hơn. Chẳng hạn như: Bức tranh này có bao nhiêu người, họ đang làm gì?
Hãy chờ đợi và lắng nghe câu trả lời của bé. Bạn cũng có thể gợi ý cho trẻ bằng cách nói “họ đang đi tới cửa hàng hay công viên nhỉ?”
Mở rộng ngôn ngữ của trẻ
Bạn có thể khuyến khích bé bắt đầu tạo các cụm từ và câu phức tạp hơn bằng cách mở rộng các từ và cụm từ của chúng. Bạn hãy đoán con bạn đang muốn nói gì hoặc giải thích bằng cách thêm nhiều ngôn ngữ mô tả.
Ví dụ, nếu con bạn nói, “Muốn ăn táo”, bạn có thể trả lời bằng cách nói như “Ồ, con muốn ăn quả táo xanh mọng nước này phải không!”
Đây là một biện pháp dạy nói tuyệt vời cho trẻ 3 tuổi. Tuy nhiên, bạn có thể tiếp tục làm điều đó khi chúng lớn hơn một chút.
Hãy để con bạn dẫn đầu trong các cuộc trò chuyện
Nếu con bạn đang cố gắng nói một điều gì đó, hãy tập trung vào bé, trả lời các câu hỏi mà chúng mong muốn giải đáp. Giữ chủ đề, thể hiện thái độ quan tâm ngay khi con bạn bắt đầu sử dụng các từ. Điều này sẽ giúp quá trình học tập của trẻ trở lên thú vị hơn đó.
Ví dụ: Nếu con bạn chạy đến với bạn với một quả bóng và nói, “Nhìn này, quả bóng!” Bạn hãy nói, “Ồ, quả bóng thật đẹp! Quả bóng của con có màu gì nhỉ? ”
Giao cho trẻ những nhiệm vụ đơn giản
Yêu cầu con bạn làm theo những hướng dẫn sẽ giúp trẻ xây dựng kỹ năng nghe và hiểu mạnh mẽ hơn. Đồng thời, qua những nhiệm vụ này, bé sẽ tích lũy được thêm nhiều từ vựng phong phú và mới mẻ hơn đó! Hãy bắt đầu với những nhiệm vụ đơn giản chỉ với 1 bước thực hiện.
Ví dụ: “Hãy giúp mẹ lấy cái cốc, Có thể chỉ cho mẹ cái mũi của con ở đâu không?”
Trên đây là giải đáp “bé 3 tuổi chậm nói phải làm sao”. Mong rằng với những phương pháp này, bố mẹ sẽ sớm cải thiện được khả năng nói của con để theo kịp bạn bè.