Nội dung chính

Trẻ hay dụi mắt là bị gì? Có nguy hiểm không?

Trẻ hay dụi mắt khiến mẹ cảm thấy bất an nhất là khi dịch đau mắt đỏ đang bùng phát mạnh. Liệu đây có phải là dấu hiệu bất thường hay “tín hiệu riêng” mà con muốn gửi đến mẹ. Hãy cùng nán lại để tìm hiểu kỹ nguyên nhân khiến con dịu mắt và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Tại sao trẻ hay dụi mắt? 

Dụi mắt là hiện tượng thường gặp ở trẻ  nhất là các bé sơ sinh. Đây có thể là dấu hiệu sinh lý nhưng cũng có thể cảnh báo bệnh lý nguy hiểm. Dưới đây là 6 lý do khiến trẻ dụi mắt thường xuyên.

Trẻ buồn ngủ

Dụi mắt, ngáp nhiều là dấu hiệu buồn ngủ
Dụi mắt, ngáp nhiều là dấu hiệu buồn ngủ

Khi trẻ có dấu hiệu dụi mắt và ngáp nghĩa là bé đang mệt và rất buồn ngủ. Khi mệt, mắt của bé sẽ mỏi và không thể hoạt động linh hoạt. Dụi mắt là cách massage vùng cơ, để giúp con chìm vào giấc ngủ nhanh nhất.

Để chắc chắn bé có đang buồn ngủ hay không mẹ có thể dựa vào những dấu hiệu sau kết hợp với hành động dụi mắt.

  • Bé ngáp nhiều kèm chảy nước mắt
  • Bé khó chịu, không tập trung tương tác
  • Bé chớp mắt nhiều, ánh mắt lờ đờ, mệt mỏi và có xu hướng nhìn vào khoảng không
  • Bé nắm hoặc mút ngón tay nhiều

Bé đang tò mò, học kỹ năng

Một trong những kỹ năng tự nhiên của trẻ là khám phá cơ thể mình. Vì vậy các bé thường có phản xạ đưa tay tác động vào các bộ phận trên cơ thể mình để cảm nhận. Sau khi dụi mắt, bé thấy thú vị. Bởi hành động này kích thích thị giác với những mảnh màu và hình ảnh lạ. Để thỏa sức khám phá trẻ sẽ thực hiện hành vi này nhiều lần.

Mẹ có thể dễ dàng nhận biết trường hợp này thông qua các dấu hiệu như:

  • Bé thích thú hoặc cười thành tiếng sau mỗi lần dụi mắt.
  • Sau mỗi lần dụi, mắt trẻ sẽ ngừng lại để cảm nhận.
  • Ở những bé lớn, con sẽ có thể khoe với mẹ những thứ mình vừa nhìn thấy.

Mắt bé bị khô

Khô mắt cũng là nguyên nhân khiến con hay dụi
Khô mắt cũng là nguyên nhân khiến con hay dụi

Thông thường, mắt được giữ ấm và bảo vệ bởi lớp màng nước mắt. Tuy nhiên vì một số nguyên nhân như thiếu vitamin A, chơi điện thoại hoặc xem tivi nhiều sẽ khiến mắt trẻ bị khô. Lúc này, trẻ sẽ dụi mắt để kích thích tuyến lệ hoạt động, khôi phục độ ẩm tự nhiên.

Để chắc chắn việc trẻ hay dụi mắt do khô mẹ nên căn cứ vào các dấu hiệu dưới đây:

  • Bé dụi mắt nhiều và liên tục
  • Một số trường hợp có thể dụi mắt đến chảy nước mắt, mắt đỏ lên
  • Trẻ chớp mắt liên tục khi quan sát mọi thứ
  • Bé có xu hướng tránh tiếp xúc với nguồn sáng tự nhiên
  • Mắt bé giảm độ trong và mướt
  • Trẻ liên tục kêu ngứa cộm, khó chịu

Suy giảm thị lực

Trẻ hay dụi mắt còn là dấu hiệu cảnh báo tình trạng suy giảm thị lực. Trường hợp này thường gặp ở trẻ tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử, thường xuyên học tập, sinh hoạt trong môi trường thiếu ánh sáng.

Mẹ có thể phát hiện tình trạng suy giảm thị lực khi trẻ dụi mắt và có những triệu chứng sau:

  • Bé dụi mắt nhiều, hay chớp hoặc nháy mắt không kiểm soát
  • Trẻ nhạy cảm với ánh sáng, thường nheo mắt kéo dài khi tiếp xúc với ánh sáng
  • Trẻ có xu hướng dịch chuyển đồ vật lại gần để nhìn cho rõ
  • Trẻ mỏi mắt, chảy nước mắt, thậm chí đau đầu khi phải tập trung nhìn vật

Có dị vật trong mắt của bé

Phản xạ dụi mắt còn xuất hiện khi có dị vật gây cộm, ngứa. Lúc này, bé sẽ dụi mắt nhiều hơn với mong muốn loại bỏ dị vật và giảm cảm giác ngứa ngáy. Với những dị vật nhỏ, hành động này có thể tạm thời làm giảm khó chịu. Tuy nhiên, nếu dị vật lớn việc day dụi nhiều có thể khiến mắt tổn thương.

Dưới đây là những dấu hiệu giúp mẹ nhận biết mắt bé có dị vật rơi:

  • Bé cúi đầu dụi mắt liên tục
  • Nước mắt chảy
  • Bé vừa dụi mắt vừa khóc, mắt cộm đỏ
  • Bé nói với mẹ mắt khó chịu

Trẻ bị bệnh về mắt

Trẻ dụi mắt có thể do bị bệnh
Trẻ dụi mắt có thể do bị bệnh

Ngoài là dấu hiệu sinh lý trẻ hay dụi mắt còn có thể là do bệnh lý gây ra. Vì vậy khi trẻ đưa tay dụi mắt kèm theo các biểu hiện như:

  • Mắt đỏ
  • Có nhiều ghèn
  • Bé ngủ không ngon giấc
  • Hay quấy khóc, chán ăn
  • Bé đưa tay lên mặt hoặc đầu gãi cho đỡ ngứa

Nếu trẻ có dấu hiệu này mẹ nên đưa con đi khám bởi đây có thể là do bệnh lý nguy hiểm về mắt như tắc tuyến lệ, đau mắt đỏ, viêm kết mạc do nhiễm khuẩn.

Trẻ hay dụi mắt có ảnh hưởng gì?

Nhiều mẹ vẫn nghĩ dụi mắt là phản xạ tự nhiên và hoàn toàn vô hại. Nhưng theo chuyên gia, hành động này ngoài việc cảnh báo bệnh lý nguy hiểm còn có thể đem đến những tác động tiêu cực sau:

  • Xước giác mạc: Thường xảy ra ở những trường hợp bị dị vật cứng rơi vào mắt. Lúc này nếu trẻ day dụi mạnh sẽ khiến dị vật tạo ma sát gây xước giác mạc
  • Tổn thương mắt: Thường gặp khi mắt của bé bị các loại côn trùng hoặc dung dịch nguy hiểm rơi vào. Hành động dụi mắt có thể khiến cho côn trùng bị vỡ, giải phóng độc tố lan ra toàn mắt, gây tổn thương nghiêm trọng
  • Tăng nhãn áp: Dụi mắt còn làm gián đoạn máu lưu thông ở mắt, khiến chất lỏng tích tụ trong mắt nhiều hơn, gia tăng nguy cơ tăng nhãn áp. Kéo dài có thể gây tổn thương dây thần kinh, tăng nguy cơ mù lòa

Cách phòng ngừa tình trạng dụi mắt nhiều ở trẻ

Dụi mắt nhiều có thể ảnh hướng sức khỏe của bé vì vậy mẹ nên phòng ngừa bằng các biện pháp dưới đây.

Vệ sinh mắt sạch sẽ cho bé mỗi ngày
Vệ sinh mắt sạch sẽ cho bé mỗi ngày
  • Nếu bé dụi mắt và ngáp ngủ nhiều mẹ nên đáp ứng luôn. Ôm bé vào lòng và ru để tránh tình trạng mệt mỏi quá mức
  • Nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên để tránh tình trạng mỏi mắt, khô mắt
  • Rửa mặt và xung quanh mắt bằng nước ấm nhẹ hàng ngày. Đặc biệt vệ sinh tay thật sạch sẽ cho con, theo dõi, cắt móng thường xuyên để tránh các bệnh về mắt
  • Không để bé ở nơi nhiều bụi. Trường hợp bất khả kháng hãy bảo vệ mắt bé bằng cách đeo kính
  • Nếu trẻ có dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ, viêm kết mạc cần đưa đi gặp bác sĩ

Trẻ hay dụi mắt có thể là dấu hiệu buồn ngủ nhưng cũng có thể cảnh báo một số bệnh lý về mắt. Trường hợp trẻ vẫn ăn, ngủ, sinh hoạt bình thường mẹ không cần phải lo lắng thái quá. Nhưng nếu xuất hiện gỉ mắt kèm theo quấy khóc, khó chịu mẹ nên đưa bé đi gặp bác sĩ để tránh biến chứng nguy hiểm.

Làm thế nào để ngăn trẻ dụi mắt?

Tuy rằng dụi mắt là biểu hiện bình thường, phổ biến ở trẻ sơ sinh nhưng mẹ cũng cần hạn chế để tránh tổn thương, trầy xước cho mắt. Dưới đây là những biện pháp có thể ngăn chặn tình trạng dụi mắt ở trẻ sơ sinh.

  • Nếu trẻ có thói quen dụi mắt mẹ hãy cố che tay của bé lại. Với trẻ sơ sinh mẹ có thể đeo bao tay hoặc mặc áo dài. Điều này sẽ ngăn không cho bé tác động đến mắt
  • Nếu mẹ thấy bé định dụi mắt thì hãy giữ tay bé lại hoặc làm phân tán chú ý bằng cách cho bé một món đồ chơi, nói chuyện hoặc hát cho bé nghe

Lời kết:

Trẻ hay dụi mắt sẽ không nguy hiểm nếu được phát hiện và xử lý sớm. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài kèm theo dấu hiệu quấy khóc, bỏ ăn thì rất có thể con đang bị bệnh về mắt. Trường hợp này bé cần đến viện kiểm tra để được tư vấn kỹ hơn.

Chia sẻ bài viết này