Nội dung chính

Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà

Tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 với khả năng lây lan nhanh chóng. Bệnh sẽ tự khỏi sau khoảng 7-10 ngày và không ảnh hưởng đến sức khỏe bé. Tuy nhiên nếu việc chăm sóc không đúng trẻ sẽ có thể gặp phải biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng mà Fitobimbi đã tổng hợp lại.

huong dan cham soc tre bi tay chan mieng tai nha

Bệnh tay chân miệng là gì? Nguyên nhân

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính với khả năng lây lan rất nhanh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là trẻ dưới 5. Tuy là căn bệnh lành tính nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng bệnh sẽ có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp tính,…

Theo chuyên gia, nguyên nhân chính khiến trẻ bị tay chân miệng là do virus hô hấp Enterovirus. Trong đó nổi bật nhất là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Trẻ mắc tay chân miệng do virus Coxsackievirus A16 thường sẽ tự khỏi sau một thời gian. Ngược lại, nếu do Enterovirus 71 thì nguy cơ tử vong rất cao.

Tại Việt Nam, tay chân miệng xuất hiện quanh năm và ở hầu hết tỉnh thành. Trong đó, thời điểm dịch bùng phát mạnh được ghi nhận từ tháng 3- tháng 5 và từ tháng 9-tháng 12. Theo thống kê của WHO, hàng năm nước ta có khoảng 50.000-100.000 ca bệnh. Trong đó khu vực phía Nam chịu nhiều ảnh hưởng, chiếm tới 60% trường hợp. Do đó áp dụng biện pháp chăm sóc trẻ bị chân tay miệng tại nhà cần được chú trọng từ sớm.

Trẻ dưới 5 thường bị tay chân miệng
Trẻ dưới 5 thường bị tay chân miệng

Triệu chứng nhận biết tay chân miệng ở trẻ

Để việc chăm sóc trẻ bệnh tay chân miệng tại nhà đạt hiệu quả, trước tiên mẹ phải học cách nhận biết triệu chứng. Cụ thể theo chuyên gia, tùy vào cấp độ bệnh lý mà triệu chứng sẽ có sự khác nhau.

Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài khoảng 3-7 ngày. Lúc này virus mới vừa xâm nhập nên trẻ sẽ không có triệu chứng gì.

Giai đoạn khởi phát: Kéo dài khoảng 1-2 ngày với dấu hiệu sớm là: Sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi, cơ thể mệt mỏi, tiêu chảy nhiều lần. Một vài trường hợp xuất hiện hạch ở cổ hoặc hàm.

trieu chung tay chan mieng o tre

Giai đoạn toàn phát: Kéo dài khoảng 3-10 ngày với các dấu hiệu điển hình như:

  • Loét miệng: Trẻ xuất hiện mụn nước, đường kính khoảng 2-3 mm ở miệng, lưỡi, má, lợi. Các bọng nước vỡ ra tạo thành vết loét khiến con tăng tiết nước bọt và cảm thấy đau
  • Phát ban toàn thân: Trẻ xuất hiện bóng nước lớn hình bầu dục lồi, đường kính khoảng 2-10mm ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối thậm chí là nổi toàn thân
  • Biến chứng: Nếu có dấu hiệu sốt cao, kèm theo nôn nhiều trẻ sẽ có thể gặp phải biến chứng thần kinh như rối loạn tri giác, lơ mơ, mê sảng,… Các biến chứng này xuất hiện sớm từ ngày 3 đến ngày 5 của bệnh

Giai đoạn lui bệnh: Sau khoảng 7-10 ngày kể từ khi khởi phát, trẻ sẽ phục hồi hoàn toàn nếu không xảy ra biến chứng. Trường hợp xuất hiện dấu hiệu sốt cao, ngủ lịm, dễ giật mình, hoảng hốt thì cần đưa bé đến gặp bác sĩ.

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

Với trẻ bị tay chân miệng thể nhẹ, mẹ có thể chăm sóc sức khỏe tại nhà. Tuy nhiên quá trình này cần phải hết sức lưu ý để đạt kết quả tốt hơn. Cụ thể:

Về dinh dưỡng chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

Dinh dưỡng là yếu tố vàng giúp bé khỏi bệnh nhanh hơn. Vì vậy quá trình bị bệnh mẹ cần chú ý dinh dưỡng theo những gợi ý dưới đây.

Trẻ tay chân miệng nên ăn gì?

Trẻ bị bệnh tay chân miệng, mẹ nên ưu tiên thức ăn mềm, dễ tiêu để bé hấp thụ tốt. Cụ thể:

Ưu tiên thức ăn mềm cho bé
Ưu tiên thức ăn mềm cho bé
  • Trứng: Thực phẩm này chứa nhiều protein, sắt, vitamin và khoáng chất nên giúp bổ sung năng lượng thiết yếu cho trẻ
  • Đu đủ: Loại trái cây này không chỉ dễ ăn mà còn giúp bé tăng cường miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa và giảm căng thẳng do đó phục hồi tốt hơn
  • Dưa hấu: Loại quả này chứa nhiều hợp chất phenolic, giúp chống viêm, ngăn ngừa vết loét hiệu quả
  • Đậu hũ: Có tính mềm, dễ nuốt, được chế biến thành nhiều món ăn. Do đó thích hợp với bé bị tay chân miệng
  • Khoai tây: Chứa vitamin C, phốt pho, magiê giúp bé phòng ngừa viêm nhiễm hiệu quả

Trẻ tay chân miệng không nên ăn gì?

Ngoài thức ăn mềm, quá trình chăm sóc trẻ bị tay chân miệng mẹ cần hạn chế thức ăn cay nóng hoặc nhiều gia vị. Bên cạnh đó đồ ăn cứng cũng cần tránh xa. Vì khi bước vào giai đoạn toàn phát, mụn nước xuất hiện trong má và nướu. Nếu mẹ cho bé sử dụng thức ăn cay nóng sẽ gây khó chịu và đau, ảnh hưởng sức khỏe.

Bên cạnh đó các loại thức ăn mặn hoặc trái cây có vị chua như cam, quýt cũng cần hạn chế.

Về thuốc điều trị

Quá trình chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà mẹ nên tuân thủ chỉ định của các bác sĩ. Trường hợp sốt cao có thể dùng paracetamol để hạ sốt, giảm đau hoặc bù nước cho trẻ. Ngoài ra mẹ nhớ vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho con bằng các dung dịch sát khuẩn. Với các vết thương ngoài da thì bôi thuốc tím hoặc xanh methylen để tránh bội nhiễm.

Có thể dùng paracetamol hạ sốt cho bé
Có thể dùng paracetamol hạ sốt cho bé

Về việc cách ly và vệ sinh cơ thể

Lưu ý quan trọng khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà là phải cách ly với trẻ khỏe mạnh. Không chỉ thế người lớn khi tiếp xúc gần cũng cần sử dụng khẩu trang và rửa tay với xà phòng, nước sạch để hạn chế lây lan.

Đối với quần áo, tã lót của bé mẹ nên ngâm trong dung dịch sát khuẩn hoặc luộc nước sôi trước khi giặt bằng xà phòng. Các vật dụng cá nhân như bình sữa, ly, cốc, chén, bát nên được luộc sôi và dùng riêng biệt. Ngoài ra, mẹ nhớ tắm rửa sạch sẽ cho con để tránh nhiễm khuẩn.

Ngoài việc chăm sóc tốt cho trẻ khi bị bệnh, mẹ cần theo dõi sát sao tình trạng bệnh lý, kịp thời điều trị khi có dấu hiệu bất thường. Cụ thể, khi trẻ có các dấu hiệu dưới đây thì cần nhập viện nhanh chóng:

  • Sốt cao kéo dài
  • Quấy khóc
  • Bứt rứt
  • Nôn nhiều
  • Ngủ lịm
  • Đi đứng loạng choạng
  • Mạch nhanh
  • Khó thở

Sai lầm nghiêm trọng khi chăm sóc trẻ bệnh tay chân miệng tại nhà

Mặc dù không phải là căn bệnh mới thế nhưng hiện nay vẫn còn quan điểm sai lầm trong việc chăm sóc các bé bị tay chân miệng. Cụ thể:

Hạn chế tắm rửa, quấn kín để trẻ mau lành

Một số phụ huynh quan niệm khi trẻ bị tay chân miệng thì phải hạn chế tắm rửa. Nhưng theo chuyên gia đây là quan điểm hết sức sai lầm. Vì việc kiêng tắm có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng da, thậm chí để lại vết sẹo. Vì thế quá trình chăm sóc mẹ cần giữ cho các nốt ban đỏ được thoáng để mau lành hơn.

Quấn chặt khiến cho vết loét dễ bị nhiễm trùng 
Quấn chặt khiến cho vết loét dễ bị nhiễm trùng

Trẻ phải có đầy đủ biểu hiện mới là bệnh

Trẻ bị bệnh tay chân miệng sẽ có vết loét kèm nốt nổi sần trên da. Tuy nhiên cũng có những bé chỉ bị loét miệng đơn thuần hoặc nổi mẩn đỏ ngoài da. Điều này khiến cho nhiều mẹ lầm tưởng đến các bệnh lý đơn thuần nên không áp dụng biện pháp chăm sóc cũng như điều trị từ sớm. Theo chuyên gia, để đảm bảo an toàn, khi con có những dấu hiệu bất thường, mẹ nên đưa bé đi khám để biết mức độ tiến triển của bệnh cũng như có hướng xử lý kịp thời, tránh gặp biến chứng.

sai lam khi cham soc tre bi tay chan mieng

Cần xức thuốc lên sang thương da để nhanh lành

Sang thương da (tổn thương cơ bản) trong tay chân miệng thường không gây đau hay ngứa. Do đó mẹ không được phép tự ý xức thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Việc bôi thuốc nhiều sẽ khiến dấu vết sang thương trên da bị che bớt đi, do đó bác sĩ khó lòng chẩn đoán hoặc theo dõi bệnh.

Sứt thuốc tùy tiện khiến bác sĩ khó theo dõi bệnh
Sứt thuốc tùy tiện khiến bác sĩ khó theo dõi bệnh

Trẻ khó ngủ, giật mình là do đau miệng

Một sai lầm nữa khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng là nhầm tưởng rằng khó ngủ, giật mình là do đau miệng. Thực tế, trẻ bị tay chân miệng khi có dấu hiệu giật mình, chới với là đã xuất hiện biến chứng. Vì vậy cần đưa bé đến bệnh viện để khám kịp thời.

Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng tại nhà

Hiện vẫn chưa có vắc xin chống bệnh. Vì vậy để giảm nguy cơ lây lan mẹ hãy áp dụng những biện pháp sau.

  • Người lớn khi chăm sóc bé cần đeo khẩu trang y tế và vệ sinh tay
  • Khuyến khích bé rửa tay bằng xà phòng theo hướng dẫn của bộ Y Tế
  • Cách ly trẻ từ 7-10 ngày từ khi phát hiện dấu hiệu của bệnh để tránh lây lan
  • Vật dụng cá nhân của bé như đồ chơi, bình sữa, chén ăn cơm cần luộc sôi và khử khuẩn
  • Phòng ốc của trẻ cần thông thoáng, đủ dưỡng khí, nhất là sàn nhà, bàn ghế phải được lau chùi thường xuyên để tạo điều kiện cho bé vui chơi an toàn
  • Tránh các cử chỉ thân mật như ôm, hôn hoặc cho bé dùng chung đồ với người bị bệnh

Trên đây là những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng. Ngoài việc chăm sóc đúng cách, bố mẹ cần phải theo dõi sức khỏe thường xuyên và đưa bé đến cơ sở y tế nếu có dấu hiệu bất thường.

Chia sẻ bài viết này